WB: Giá nhiên liệu, thực phẩm thế giới sẽ tăng mạnh trong năm nay
Ngân hàng Thế giới dự báo giá năng lượng toàn cầu dự kiến tăng hơn 50% trong năm nay, còn giá thực phẩm tăng 22,9%.
Theo báo cáo mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 26/4, giá nhiên liệu và thực phẩm toàn cầu sẽ tăng mạnh trong năm nay bởi những cú sốc do xung đột Nga - Ukraine. Điều này có thể khiến gánh nặng lạm phát trên thế giới phình to.
WB dự báo giá hàng hóa sẽ tiếp tục tăng cao trong nhiều năm tới. Nguyên nhân là xung đột Nga - Ukraine làm thay đổi cách mua bán, sản xuất và tiêu dùng trên khắp thế giới.
Theo WB, giá năng lượng sẽ tăng 50,5% trong năm nay so với năm 2021, sau khi tăng gần gấp đôi vào năm ngoái. Đến năm 2023, giá năng lượng có thể giảm 12,4%.
Giá cả leo thang
Còn giá lương thực được dự báo tăng 22,9% trong năm nay, rồi giảm 10,4% vào năm sau. Năm ngoái, giá lương thực toàn cầu tăng vọt 31%.
Trong vòng 2 năm qua, giá nhiên liệu chứng kiến mức tăng lớn nhất kể từ đầu những năm 1970. Giá các mặt hàng như lúa mì và dầu ăn cũng tăng mạnh nhất trong vòng 14 năm qua. Ukraine và Nga là 2 nhà sản xuất lúa mì và dầu ăn lớn.
"Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đã gây ra thiệt hại đáng kể về khía cạnh con người và kinh tế", ông Ayhan Kose - Giám đốc Nhóm triển vọng của WB - bình luận.
"Xu hướng này có thể cản trở tiến độ giảm nghèo và làm trầm trọng hơn nữa áp lực lạm phát, vốn đã gia tăng trên khắp thế giới", ông cảnh báo.
Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao đã gây ra thiệt hại đáng kể về mặt con người và kinh tế
Ông Ayhan Kose, Giám đốc Nhóm triển vọng của WB
Trên thực tế, giá cả đã leo thang ngay cả trước khi Nga đổ quân vào Ukraine. Sau khi các nền kinh tế vực dậy từ cuộc khủng hoảng vì Covid-19, nhu cầu tăng mạnh mẽ. Nhưng nguồn cung không theo kịp vì gián đoạn chuỗi cung ứng và đầu tư sụt giảm trong nhiều năm.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 và 2023 do tác động của xung đột Nga - Ukraine đối với giá lương thực, nhiên liệu.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,6% trong năm nay, giảm từ 6,1% hồi năm ngoái. Cơ quan này cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 0,2 điểm phần trăm xuống còn 3,6%.
"Triển vọng kinh tế toàn cầu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, phần lớn do cuộc chiến ở Ukraine", ông Pierre-Olivier Gourinchas - cố vấn kinh tế tại IMF - nhận định.
"Ảnh hưởng của cuộc chiến sẽ lan tỏa sâu rộng, làm gia tăng áp lực giá cả, khiến các thách thức về chính sách trở nên trầm trọng hơn", vị chuyên gia cảnh báo.
Giá năng lượng và hàng hóa tăng cao góp phần đẩy lạm phát lên cao tại nhiều quốc gia. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước - mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Vào tháng 3, CPI của khu vực đồng EUR tăng mức kỷ lục 7,5% so với một năm trước đó.
Tác động kéo dài
Tác động của lạm phát thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều ở các nước đang phát triển. Nhiều quốc gia đang bị đè nặng bởi núi nợ. Giá cả tăng cao còn khiến dòng người biểu tình đổ xuống đường phản đối.
"Lạm phát tăng tốc đã trở thành mối nguy rõ ràng và hiện hữu ở nhiều quốc gia. Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao khiến ví tiền của nhiều hộ gia đình cạn kiệt", Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva bình luận.
Khi nguồn cung được cải thiện, giá của nhiều mặt hàng có thể giảm xuống. Nhưng WB cảnh báo rằng giá cả có khả năng vẫn ở mức cao vào năm 2023 và 2024 vì một số lý do.
Khi một mặt hàng tăng giá mạnh, người mua không có nhiều lựa chọn thay thế. Chẳng hạn, khách hàng bị ảnh hưởng vì giá dầu tăng cao không thể chuyển sang than hoặc khí đốt tự nhiên. Bởi giá của các hàng hóa này cũng tăng mạnh.
Thêm vào đó, một mặt hàng tăng giá cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất, kéo những mặt hàng khác tăng giá theo. Chẳng hạn, giá năng lượng cao hơn đã đẩy chi phí nhiên liệu và giá phân bón tăng cao, từ đó làm tăng giá của lúa mì và các sản phẩm nông nghiệp khác.
Nhiều chính phủ đã cắt giảm thuế và hỗ trợ người tiêu dùng đối phó với giá cả tăng cao. Những chính sách này có thể hạ nhiệt thị trường trong ngắn hạn, nhưng lại duy trì nhu cầu, khiến giá tiếp tục tăng.
Theo WB, giá dầu và lúa mì, được dự báo giảm vào năm 2023 và 2024, nhưng không giảm trở lại mức trước đó.
Chẳng hạn, giá lúa mì cứng đỏ mùa đông được dự báo sẽ giảm từ mức đỉnh 450 USD/tấn trong năm nay xuống còn 380 USD/tấn và 370 USD/tấn vào các năm 2023 và 2024. Nhưng con số này vẫn cao hơn 315 USD/tấn trong năm 2021 và 232 USD/tấn hồi năm 2020.