WB: Trung Quốc cần thêm tới 17.000 tỷ USD để đạt mục tiêu trung hòa khí thải
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt là các thành phố đông dân và các thành phố ven biển. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm GDP 0,5-2,3% ngay vào năm 2030.
Theo một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới (WB) về những thách thức trong phát triển và chống biến đổi khí hậu, Trung Quốc cần đầu tư thêm tới 17.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và công nghệ xanh trong lĩnh vực điện và giao thông để đạt mục tiêu trung hòa khí thải vào năm 2060.
Báo cáo cho rằng, Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cần đầu tư đầu tư tư nhân để huy động đủ nguồn lực cho việc thực hiện các đổi mới cần thiết.
Biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn đối với Trung Quốc, đặc biệt là các thành phố đông dân và các thành phố ven biển có tầm quan trọng về kinh tế và biến đổi khí hậu có thể làm giảm GDP 0,5-2,3% ngay vào năm 2030.
Theo Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, Manuela Ferro, triển vọng tăng trưởng dài hạn của Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào việc tái cân bằng nền kinh tế từ đầu tư vào cơ sở hạ tầng sang đổi mới, từ xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa và từ việc phân bổ các nguồn lực do nhà nước chỉ đạo sang dựa vào thị trường.
Báo cáo đưa ra nhận định các mục tiêu về khí hậu của toàn cầu cũng không thể đạt được nếu Trung Quốc cũng không chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp. Báo cáo nhấn mạnh Trung Quốc chiếm 27% lượng khí thải carbon và 1/3 lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của toàn cầu.
Sự chuyển đổi đó đòi hỏi có sự thay đổi lớn về nguồn lực, đổi mới và các công nghệ mới để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên.
Tuy nhiên, sự tham gia của lĩnh vực tư có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo việc Trung Quốc đạt được mục tiêu trung hòa khí thải./.