WEF 2023 ghi nhận kỷ lục mới; khủng hoảng năng lượng, xung đột Nga-Ukraine là những vấn đề được 'để mắt'

Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023 với chủ đề 'Hợp tác trong một thế giới phân mảnh' diễn ra từ ngày 16-20/1 tại Davos, Thụy Sỹ.

WEF chính thức khai mạc tại Thụy Sỹ ngày 16/1. Hình ảnh hồ Davos ở Davos, Thụy Sỹ. (Nguồn: CNN)

WEF chính thức khai mạc tại Thụy Sỹ ngày 16/1. Hình ảnh hồ Davos ở Davos, Thụy Sỹ. (Nguồn: CNN)

Hơn 2.700 nhà lãnh đạo từ 130 quốc gia, trong đó, có 52 nguyên thủ quốc gia và chính phủ, sẽ tham dự sự kiện tại thị trấn nằm trên bờ sông Landwasser của Thụy Sỹ.

Tại WEF 2023, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về thế giới ngày nay và tương lai trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra đòi hỏi phải có những hành động tập thể táo bạo.

Theo người sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF GS. Klaus Schwab, mục tiêu của Hội nghị là thảo luận cách thức giải quyết phân hóa và xói mòn lòng tin đang gia tăng ở cả cấp độ toàn cầu và cấp độ quốc gia, thông qua tăng cường hợp tác giữa các chính phủ và doanh nghiệp, tạo điều kiện phục hồi mạnh mẽ và bền vững.

GS. Klaus Schwab cho hay: "Các cuộc khủng hoảng kinh tế, môi trường, xã hội và địa chính trị đang gây ra những yếu tố bất ổn trên quy mô toàn cầu. Cuộc họp thường niên tại Davos sẽ nỗ lực cùng hợp tác giữa các quốc gia, chính phủ để vượt qua những thách thức này".

Chủ đề của Diễn đàn năm nay là "Hợp tác trong một thế giới bị phân mảnh", nhưng thách thức toàn cầu nào sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của các nhà lãnh đạo khi đến Davos?

Dưới đây là những vấn đề được các nhà lãnh đạo "để mắt" trong năm nay.

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Các chuyên gia tại WEF mô tả, 2023 là "năm của cuộc khủng hoảng đa tầng", một năm mà tất cả các vấn đề nhân loại đang phải đối mặt trở nên đan xen hơn, gây tổn hại nhiều hơn bao giờ hết và cũng khó giải quyết hơn.

Trong ngắn hạn, những vấn đề này đang được tóm tắt thành một thách thức chính: Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Phần lớn các nhà kinh tế trưởng của WEF đang dự đoán, một cuộc suy thoái toàn cầu trong năm nay là kết quả của những "cơn gió ngược" địa chính trị và kinh tế từ chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine cùng với lạm phát tăng phi mã.

Để tránh những kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy ra, những người đứng đầu chính phủ và thống đốc ngân hàng trung ương - nhiều người trong số họ tham dự WEF năm nay - đang phải đối mặt với tình thế "tiến thoái lưỡng nan".

Câu hỏi họ cần tìm lời giải đáp là liệu có nên chi nhiều tiền hơn cho người dân để "hạ nhiệt" chi phí sinh hoạt hay không?

Chiến dịch quân sự đang diễn ra ở Ukraine

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine đã chi phối cuộc họp đặc biệt của WEF vào tháng 5/2022. Giống như WEF 2022, năm nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy dự kiến có bài phát biểu tại sự kiện dưới hình thức trực tuyến.

Về phía Nga, WEF 2023 đánh dấu năm thứ hai liên tiếp quốc gia này vắng mặt.

Xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra vẫn là một trong những vấn đề cấp bách nhất cần được thảo luận trong năm nay, đặc biệt là khi cuộc khủng hoảng này đang tác động đến an ninh toàn cầu, chính sách quốc phòng, năng lượng và sản xuất lương thực của nhiều quốc gia trên thế giới.

Khủng hoảng khí hậu

Như đã thành thông lệ, các nhà hoạt động môi trường kéo đến Davos để phản đối hành động của giới thượng lưu toàn cầu khi đi du lịch bằng máy bay riêng trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu leo thang.

Vào tháng 5/2022, trại căn cứ Bắc Cực đã được dựng tại Schatzalp - đỉnh núi nhìn ra Davos - để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo về tác động của biến đổi khí hậu đối với thế giới.

Mặc dù khí hậu luôn nằm trong chương trình nghị sự của WEF trong khoảng một thập niên qua, nhưng chưa thực sự được ưu tiên. Và vấn đề này có thể tiếp tục bị lu mờ trong năm nay bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đã trở nên trầm trọng hơn do nhiều yếu tố, bao gồm lạm phát, giá nhiên liệu tăng và tình trạng thiếu lương thực.

Một trong những chủ đề lớn xoay quanh biến đổi khí hậu được đặt ra là quá trình các ngành công nghiệp khử carbon và chuyển đổi năng lượng. Đầu tư và mở rộng quy mô của các công nghệ mới, bao gồm các nguồn nhiên liệu bền vững hơn cũng là một chủ đề đặc biệt nổi bật.

Khủng hoảng lương thực ngày càng tăng

Mất an ninh lương thực phần lớn có mối liên hệ với các vấn đề toàn cầu khác, trong đó chủ yếu là khủng hoảng khí hậu.

Mất đa dạng sinh học, thời tiết khắc nghiệt và số lượng thiên tai ngày càng tăng đã góp phần khiến khủng hoảng lương thực thêm tồi tệ.

Vào năm 2022, thế giới phải đối mặt với mối đe dọa gấp 3 lần về tình trạng thiếu lương thực, năng lượng và phân bón.

Các chuyên gia cảnh báo rằng, nhiều người sẽ phải đối mặt với nạn đói vào năm 2023 khi giá lương thực tiếp tục tăng cao, tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng hơn và sinh kế của nhiều người bị đe dọa.

Làm thế nào để chúng ta xoay chuyển tình thế và ngăn chặn các cuộc khủng hoảng lương thực không thể tránh khỏi trong tương lai? Đó là một câu hỏi sẽ được đặt ra và tranh luận nghiêm túc tại sự kiện năm nay.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Công nghệ và đổi mới luôn là chìa khóa cho mọi cuộc thảo luận tại Davos. Đặc biệt, năm nay, cuộc "nói chuyện" đang chuyển sang chủ đề mà nhiều người quan tâm, đó là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Khả năng kết nối ngày càng tăng cùng với những tiến bộ trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử đang kéo theo những vấn đề nhức nhối.

Với nhiều cuộc khủng hoảng hiện đang xuất hiện cùng một lúc, cần có một cách tiếp cận toàn cầu hơn để mở ra tiềm năng đổi mới nhằm giúp giải quyết những thách thức lớn nhất về công nghệ.

Những ai đã "bỏ lỡ" WEF 2023?

WEF 2023 thu hút con số kỷ lục: 2.700 người tham dự. Một số cái tên đáng chú ý như: Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kerry.

Bên cạnh đó, các Giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu như Jamie Dimon của JPMorgan Chase (JPM), Satya Nadella của Microsoft (MSFT), Dara Khosrowshahi của Uber (UBER) và Bernard Looney của BP (BP) đều có tên trong danh sách tham dự sự kiện.

Tuy nhiên, cũng có những sự vắng mặt đáng chú ý. Những người bỏ qua cuộc họp năm nay bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

(theo Euro News, CNN)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/wef-2023-ghi-nhan-ky-luc-moi-khung-hoang-nang-luong-xung-dot-nga-ukraine-la-nhung-van-de-duoc-de-mat-213659.html