WHO công bố danh sách 'nóng' về mối đe dọa sức khỏe toàn cầu mới
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố danh sách đầu tiên về các loại nấm gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người, bao gồm loại nấm đen Mucormycosic được bàn đến nhiều ở Việt Nam sau giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19.
Theo Reuters, WHO cho biết nhiễm nấm, đặc biệt là nấm kháng thuốc điều trị ngày càng tăng tuy nhiên sự thiếu tập trung, thiếu giám sát vào mối nguy cơ này trong thời gian dài đã dẫn tới một khoảng trống lớn. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt các phương pháp điều trị và chẩn đoán.
"Nổi lên từ bóng tối của đại dịch kháng kháng sinh, các bệnh nhiễm trùng do nấm ngày càng tăng và ngày càng có khả năng kháng lại các phương pháp điều trị, trở thành mối quan ngại về sức khỏe cộng đồng toàn thế giới" - tiến sĩ Hanan Balkhy, trợ lý Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh.
Các nấm gây bệnh thường tấn công những người đang bị bệnh nặng như bệnh nhân ung thư và bệnh nhân lao và vừa qua đã trở thành nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân COVID-19 trở nặng, phải nhập viện.
Chỉ có 4 loại phương pháp điều trị hiện đang tồn tại với rất ít lựa chọn mới trong lộ trình phát triển; trong khi các mầm bệnh đang gia tăng mối đe dọa lên khắp địa cầu nhờ được tiếp sức bởi biến đổi khí hậu và lạm dụng thuốc chống nấm trong nông nghiệp.
Theo Medical Xpress, danh sách mới của WHO đã xếp hạng 19 loài nấm cần được quan tâm nhất, đòi hỏi sự đầu tư về kinh phí và nghiên cứu cao nhất, đứng đầu là các loài kháng thuốc cực mạnh như Aspergillus fumigatus và Candida Auris.
Trong đại dịch COVID-19, tỉ lệ mắc ít nhất 3 loại nấm gây bệnh chết người đã tăng lên gồm bệnh do Aspergillus, do nấm đen Mucormycosic và do nấm Candida.
Nấm không do tình trạng bệnh lý như ung thư, lao hay COVID-19 tạo ra, nhưng gây bội nhiễm - nhiễm trùng bệnh viện trên một cơ thể đang suy yếu vì bệnh khác, do đó tần suất bệnh nhân bệnh do các nấm nguy hiểm này sẽ cao hơn khi các dịch bệnh khác lan tràn.
Nấm, đặc biệt là nấm kháng thuốc, thường gây ra các tình trạng nguy hiểm, khó trị, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Tiến sĩ Haileyesus Getahun, Giám đốc Điều phối Toàn cầu về Kháng thuốc (AMR) của WHO nhấn mạnh: “Từ COVID-19 đến biến đổi khí hậu, các cuộc khủng hoảng toàn cầu đang biến nấm chống lại con người".
Vì thế, WHO kêu gọi hành động, bao gồm tăng cường nghiên cứu và giám sát các loại nấm nguy hiểm cũng như bảo vệ đối tượng nguy cơ là những người có bệnh lý nghiêm trọng bao gồm người nhiễm HIV/AIDS, người sau ghép tạng, người mắc các bệnh hô hấp mạn tính hoặc đang phục hồi sau nhiễm trùng cấp tính.