WHO: Tăng thuế, tăng giá thuốc lá để ngăn chặn thanh thiếu niên hút thuốc
WHO khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá bằng cách bổ sung một khoản thuế cụ thể vào mức thuế hiện tại. Thuế tăng sẽ làm tăng giá thuốc lá từ đó ngăn chặn thanh thiếu niên hút thuốc, khuyến khích mọi người bỏ thuốc.
Thuế thấp, giá rẻ sẽ có nhiều người dùng thuốc lá
Vào đúng dịp Quốc hội họp và sẽ xem xét vấn đề áp thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, cũng như việc cấm tuyệt đối hay cho lưu hành thuốc lá mới, bà Bungon Ritthiphakdee - Cố vấn cấp cao Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) - đã có mặt ở Việt Nam với thông điệp mạnh mẽ: Thuế thuốc lá là biện pháp hữu hiệu nhất để giảm tỷ lệ người hút thuốc, đồng thời, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách và cho phép tái đầu tư nguồn thu từ thuế thuốc lá vào các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL).
Điều này cho thấy chính sách quản lý với thuốc lá điếu và thuốc lá mới ở Việt Nam được cả WHO và SEATCA đặc biệt quan tâm, nhằm ngăn chặn “đại dịch” thuốc lá, bảo vệ sức khỏe người dân.
Việt Nam hiện có khoảng 16 triệu người hút thuốc, là nguyên nhân của 100.000 ca tử vong mỗi năm, đồng thời, còn chi phí y tế cho bệnh tật vì thuốc lá tới 108,2 nghìn tỷ đồng (4,6 tỷ USD).
Chỉ ra giá thuốc lá quá rẻ là nguyên nhân khiến ai cũng có thể mua và hút thuốc lá, đại diện SEATCA dẫn chứng thực tế: Việt Nam là một trong bốn nước có giá thuốc lá thấp nhất (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam) khi chưa đến một USD/bao, so với giá thuốc lá tại Singapore cao nhất trong khu vực, trên 10 USD/bao.
Trước thực tế ngành công nghiệp thuốc lá (CNTL) đang tìm mọi cách để mở rộng thị trường, nhắm đến cả trẻ em, bà Bungon Ritthiphakdee nhấn mạnh Hướng dẫn thực thi điều 6 Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá của WHO: Các nước nên thực thi hệ thống thuế đơn giản và hiệu quả – càng đơn giản hiệu quả càng cao. Bởi cơ cấu thuế phức tạp sẽ gây khó khăn trong quản lý, tạo ra các lỗ hổng để trốn thuế và việc thực hiện các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng sẽ kém hiệu quả.
Chia sẻ những khó khăn trong xây dựng chính sách với thuốc lá và thuốc lá mới, đại diện SEATCA thông tin về những “thủ đoạn” của ngành CNTL tiến hành, nhằm đạt được chính sách thuốc lá có lợi cho họ: Ngành CNTL luôn cản trở việc tăng thuế thuốc lá với luận điệu rằng tăng thuế thuốc lá sẽ làm giảm doanh thu, làm gia tăng buôn lậu và tác động tiêu cực đến người nghèo.
Để rồi họ đề xuất thuế thuốc lá ở mức thấp nhất, để càng có nhiều người dùng càng tốt, bất chấp sức khỏe người dân. Nếu tăng thuế, họ cũng chỉ đề xuất mức tăng thấp để đại đa số người nghèo cũng có thể tiếp cận chất gây nghiện này. Họ cũng đề xuất chính phủ giải quyết vấn đề buôn lậu trước khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Cần áp thuế đặc biệt với thuốc lá
Trước tình hình này, WHO khuyến nghị thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá cần đạt ít nhất 75% giá bán lẻ. Tại Thái Lan, các cấu phần trong thuế thuốc lá chiếm 81% giá bán lẻ.
Thuế tăng sẽ làm tăng giá thuốc lá để ngăn chặn thanh, thiếu niên hút thuốc. Do đó, Việt Nam cần xem xét thực hiện hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp với quy định mức thuế sàn tối thiểu, giúp thu hẹp khoảng cách về giá, tạo doanh thu ngân sách từ thu thuế thuốc lá ổn định hơn, có tác động lớn hơn tới sức khỏe cộng đồng.
WHO khuyến nghị Việt Nam tăng thuế thuốc lá bằng cách bổ sung một khoản thuế cụ thể vào mức thuế hiện tại, bắt đầu từ 5.000 VND (0,20 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2026 và tăng lên đến 15.000 VND (0,59 USD) mỗi bao thuốc lá vào năm 2030. Điều này sẽ làm cho giá thuốc lá tăng lên để có thể hạn chế người sử dụng thuốc lá và khuyến khích mọi người bỏ thuốc.
Ngăn chặn sự can thiệp của ngành CNTL vào chính sách thuốc lá
Cố vấn cấp cao SEATCA lưu ý rằng hiện 8 nước trong ASEAN đã có luật để bảo vệ các chính sách y tế công cộng khỏi sự can thiệp của ngành CNTL. Việt Nam cũng cần bảo vệ chính sách thuế thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành CNTL bằng sự minh bạch, như ban hành Quy tắc tham gia hoặc Quy tắc ứng xử cho các cán bộ khi tiếp xúc với ngành CNTL, chỉ tiếp xúc khi thực sự cần thiết.
Bà Bungon Ritthiphakdee đặc biệt khuyến nghị Việt Nam xây dựng và triển khai các chính sách thuế thuốc lá mang tầm nhìn dài hạn, hướng tới các mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng; nên áp dụng hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp với mức sàn thuế tuyệt đối tối thiểu và đánh thuế tất cả các sản phẩm thuốc lá như nhau.
Bên cạnh đó, cần yêu cầu ngành CNTL định kỳ nộp báo cáo tài chính chi tiết cho chính phủ.
Bà Bungon Ritthiphakdee nhấn mạnh: Trì hoãn việc cải thiện hệ thống thuế và trì hoãn việc cải thiện việc tăng thuế thuốc lá, sẽ làm tăng số người hút thuốc, tăng số người mắc bệnh, tăng số người tử vong, do thuốc lá và giảm thu ngân sách nhà nước.