Xã Hội | Bạn đọc viết TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Với mong muốn đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng khu vực nông thôn, miền núi, những năm qua, huyện Than Uyên đã thực hiện có hiệu quả cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'.
Ông Lò Văn Hương – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Để cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" có sức lan tỏa, hoạt động hiệu quả, đi vào chiều sâu, huyện chỉ đạo các ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện tới xã tăng cường tuyên truyền về cuộc vận động đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn huyện. Từ đó, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần yêu nước, từng bước hình thành nét đẹp trong văn hóa tiêu dùng, ưu tiên lựa chọn sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt.
Tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hàng hóa đã đăng ký nhãn hiệu. Hàng năm, huyện phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh tổ chức các hội chợ thương mại, bày bán các mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam, những sản phẩm địa phương, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của người dân.
Hiện, các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt từng bước được hình thành, đa dạng và có mặt ngày càng nhiều hơn trong các siêu thị, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, để tạo sức lan tỏa việc sử dụng hàng Việt, nhất là thông qua đó quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa được sản xuất trên địa bàn, huyện Than Uyên tập trung định hướng và hỗ trợ nguồn lực cho các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, sản phẩm của địa phương.
Cùng với đó, có các chính sách hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi và xây dựng các cửa hàng chuyên bán, trưng bày các sản phẩm OCOP với quy mô bài bản để tạo ra các sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt, thương hiệu OCOP trên địa bàn. Vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh sử dụng kỹ thuật, máy móc, thiết bị khoa học, công nghệ trong chế biến, bảo quản, từng bước nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ việc tạo ra các sản phẩm có xuất xứ rõ ràng như: OCOP, sản phẩm sạch VietGrap; không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, thực hiện ghi nhãn mác mã số, mã vạch hàng hóa để truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, thông qua các chương trình, ngày hội xây dựng các không quan trưng bày sản phẩm hàng Việt và hàng hóa, nông sản do doanh nghiệp, HTX và các hộ sản xuất trên địa bàn sản xuất được.
Hiện, huyện đã tạo dựng phát triển một số sản phẩm đặc trưng đạt tiêu chuẩn OCOP được đăng ký nhãn hiệu chứng nhận hàng hóa như: Gạo đặc sản Séng Cù Than Uyên, gạo tẻ tròn, gạo nếp Tan Pỏm, ổi Hua Nà, ruốc cá lăng, chả cá lăng viên, giò gà và xúc xích gà Mường Than, mật ong Pha Mu, khẩu si và khẩu sén Nguyên Bình, thịt trâu gác bếp Thiết Hà... Các sản phẩm Việt trên do các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn sản xuất đã xây dựng và đưa vào Trung tâm Giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tại huyện. Qua đó, nhằm quảng bá sản phẩm của huyện, góp phần 'phủ sóng" hàng Việt, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng Việt của người dân và du khách khi tới huyện tham quan.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất, cá nhân kinh doanh trong, ngoài tỉnh cũng linh hoạt trong việc bán hàng khi lựa chọn bán hàng lưu động bằng các xe tải, xe máy tới những bản, xã vùng sâu, vùng xa, biên giới để người dân không phải vất vả đi lại mà vẫn có thể lựa chọn cho mình những mặt hàng mình cần do Việt Nam sản xuất.
Chuyến thực tế về xã Mường Kim mới đây, chúng tôi thấy được nhiều đổi thay nơi đây khi người dân không phải vất vả đi lại để mua hàng hóa như 7-10 năm về trước. Giờ đây đường giao thông ở xã được đầu tư cơ bản, những cửa hàng tạp hóa, quán bán đồ dùng nhu yếu phẩm, quầy thuốc cũng được bà con lựa chọn để đầu tư kinh doanh mở bán phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Những mặt hàng chủ yếu đều do Việt Nam sản xuất và khi nhập hàng được nhà phân phối giao hàng tận nơi mà không phải vất vả đi lại.
Tại nhà văn hóa bản Thẩm Phé (xã Mường Kim) người dân tập trung đông người, người bán kẻ mua. Vừa bán hàng, anh Tòng Tuấn Hải - ở xã Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) chia sẻ: Tôi thường xuyên chở hàng tới những xã, bản trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai và các xã, bản thuộc các huyện lân cận tỉnh Lai Châu như: Than Uyên, Tân Uyên. Những sản phẩm của tôi bán thường là hàng Việt như: gốm sứ Bát Tràng và đồ gia dụng Hải phòng; chăn ga gối đệm, quần áo giày dép, xô chậu, xoong nồi… Bán hàng lưu động như này dù hơi vất vả đi lại nhưng doanh thu cao và có thể đưa được hàng Việt chất lượng tới tay bà con vùng cao.
Đang lựa chọn những bộ quần áo, anh Lò Văn Nhơi (bản Nà Dân) chia sẻ: Nay có dịp đi qua đây thấy có người bán hàng tôi vào xem và lựa chọn cho mình, gia đình những món đồ cần thiết. Hàng hóa đều là hàng Việt nên tôi rất thích, lựa chọn cho mình những sản phẩm ưng ý. Tôi thích dùng hàng Việt vì giờ hàng Việt chất lượng tốt, dùng bền mà giá cả lại phù hợp.
Với những giải pháp, cách làm cụ thể của huyện Than Uyên trong thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã và đang góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Qua đó, thu hút người dân sử dụng hàng Việt, góp phần xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu hàng Việt và sản phẩm nông sản trên địa bàn tới người tiêu dùng.