Xanh hóa bao bì hướng đến xuất khẩu bền vững

Ngày 10/4, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo 'Tuân thủ quy định về bền vững trong tiêu dùng và xuất khẩu đối với thực phẩm và bao bì thực phẩm'.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chuyển đổi xanh là bước chuyển đổi chiến lược của các doanh nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, mang lại lợi ích lâu dài và thu hút đầu tư.

Xu hướng tiêu dùng bền vững với sản phẩm thân thiện môi trường ngày càng được quan tâm. Theo khảo sát năm 2023 của Tổ chức Nielsen IQ, 38% người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao các sáng kiến và hành động thiết thực của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường.

Người tiêu dùng cũng đang dần tiếp cận sản phẩm sử dụng bao bì xanh, dễ phân hủy, thân thiện môi trường; đồng thời đánh giá cao những sản phẩm mang lại lợi ích thiết thực, nhất là những sản phẩm tốt cho sức khỏe.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Điều này thúc đẩy các nhà bán lẻ, nhà phân phối tìm kiếm doanh nghiệp cung cấp sản phẩm xanh, bao bì xanh, nhãn xanh để đáp ứng nhu cầu khách hàng và chia sẻ trách nhiệm bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

“Trong bối cảnh tác động thuế quan, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và nắm bắt quy định, tiêu chuẩn xuất khẩu, đặc biệt là quy định về bền vững, sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và có lợi thế xuất khẩu", bà Hồ Thị Quyên nhấn mạnh.

Hội thảo tập trung thảo luận các nội dung về công nghệ sản xuất bao bì sinh học trên thế giới, cũng như ở Việt Nam. Theo đó, các diễn giả nhận định Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về nguồn nguyên liệu sinh học phong phú và chi phí sản xuất cạnh tranh, nhưng còn hạn chế về nhân lực chuyên môn cao, đầu tư R&D (nghiên cứu và phát triển) và cơ sở hạ tầng.

Để hiện thực hóa tiềm năng phát triển ngành bao bì, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần tăng cường đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về chuyển giao công nghệ, đào tạo và thu hút nhân tài, xây dựng hạ tầng hiện đại (ứng dụng in 3D, công nghệ sinh học, vật liệu nano, tự động hóa); đồng thời, tận dụng các chính sách hỗ trợ từ chính phủ, thúc đẩy văn hóa đổi mới sáng tạo trong nội bộ.

Các diễn giả cũng cho rằng, doanh nghiệp muốn xuất khẩu đi các nước thì bản thân sản phẩm của doanh nghiệp phải phát triển mạnh ở trong nước, đưa vào được các hệ thống siêu thị và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Đại biểu phát biểu tại hội thảo.

Tiếp đó, khi muốn xuất khẩu đi bất kỳ thị trường nào, doanh nghiệp phải có đầy đủ thông tin của thị trường đó, đọc các tài liệu và nắm vững các quy định và sự khác biệt giữa các thị trường và cần có năng lực thích ứng với từng thị trường.

Thông qua hội thảo, Ban tổ chức kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ cập nhật được những thông tin, quy định mới nhất về tiêu chuẩn bền vững, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm và bao bì, từ đó có những điều chỉnh chiến lược phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng đến xuất khẩu bền vững.

CAO TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xanh-hoa-bao-bi-huong-den-xuat-khau-ben-vung-post871357.html