'Xanh hóa' bất động sản: Cung đã giương!
Không còn ở giai đoạn ý tưởng, các cam kết phát triển xanh, phát thải ròng bằng 0 (Net Zero)… đang đặt áp lực thực thi và quyết tâm cực lớn lên cả Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.
Sức ép tăng dần
“Cam kết Net Zero vào năm 2050 tại Hội nghị COP26 của Việt Nam gây bất ngờ cho thế giới, kể cả với các nước phát triển. Áp lực là rất lớn nhưng cũng là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Chúng ta có thể là quốc gia tiên phong trong khu vực về lĩnh vực này và đi đầu bao giờ cũng gian khổ, nhưng cũng được hưởng những lợi ích to lớn trước tiên cho kinh tế, môi trường và người dân”.
Nhận định trên được PGS-TS. Trần Đình Thiên, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại hội thảo “Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình” tổ chức tại Hà Nội mới đây. Nhận định của ông Thiên cũng phản ánh rõ yêu cầu mang tính thời đại mà một nền kinh tế năng động và đang tích cực chuyển mình như Việt Nam phải hướng tới, thực thi.
Nói thêm về các cam kết phát triển xanh, ông Thiên cho biết, ngay cả với các nước lớn, giàu tiềm lực, mức độ cam kết cũng “nới” hơn Việt Nam rất nhiều, chẳng hạn Trung Quốc là năm 2060, Ấn Độ là năm 2070… đạt được Net Zero. Do đó, cam kết của Việt Nam đã gây sửng sốt cho thế giới, đi kèm với đó là cả thái độ hoài nghi và sự tán thưởng.
Ông Thiên cho hay, đến hiện tại, thực thi các cam kết phát triển xanh đã trở thành sứ mệnh phải thực hiện, chứ không phải sự lựa chọn “nâu” hay “xanh” như giai đoạn trước. Đây cũng là cách làm duy nhất, là cuộc đua tranh của cả nhân loại mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Còn theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng), sau khoảng 15 năm từ khi có công trình xanh đầu tiên, hiện Việt Nam mới có 305 công trình xanh - con số còn rất khiêm tốn, trong đó chỉ 10 công trình do nhà đầu tư trong nước triển khai phần nào phản ánh sự thụ động trong phát triển các công trình này.
Cũng theo ông Thịnh, để xây dựng các tòa nhà xanh, nhà máy xanh, dự án bất động sản công nghiệp xanh không khó, nhưng công tác quản lý, vận hành đòi hỏi nhiều về nhận thức, kỹ năng sử dụng các thiết bị. Đây cũng là thách thức lớn với Việt Nam trong bối cảnh hiện tại, bởi nói về “xanh” là phải thể hiện qua các chỉ số: Phát thải thế nào? Tiêu thụ năng lượng ra sao?…
“Ngoài câu chuyện về vốn, năng lực thực thi cũng là một đòi hỏi, thách thức”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Thực thi các cam kết phát triển xanh là sứ mệnh phải thực hiện
Xu hướng không thể đảo ngược
Có thể nói, cam kết tại COP26 đã đặt Việt Nam vào tình thế “cung đã giương” và hiện tại, thay vì nói về những dự định, cam kết, Việt Nam phải “tính nước” để thực thi các mục tiêu một cách hiệu quả. Trong đó, nỗ lực từ các doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng, như bình luận của ông Nguyễn Công Thịnh rằng: “Để một quốc gia hoàn thành Net Zero thì phải có mỗi tế bào là Net Zero, từ các nhà máy, xí nghiệp…”.
Từ góc nhìn doanh nghiệp làm du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng giám đốc Sun Hospitality Group (thành viên Sun Group) cho hay, từ lâu, với Sun Group, tầm nhìn xanh không còn là lựa chọn, mà là việc phải làm.
Theo bà Quỳnh Anh, sau dịch, 70% du khách quốc tế có xu hướng lựa chọn lưu trú tại cơ sở có chứng chỉ xanh, nên để thu hút được khách và nâng tầm du lịch, việc đạt các tiêu chí xanh là bắt buộc.
Về mặt giải pháp, bà Quỳnh Anh cho biết, Sun Group coi trọng việc phát triển các dự án hài hòa với tính bản địa và coi đây là tiêu chí hàng đầu trong kinh doanh. Cách làm của Sun Group là lựa chọn đồng hành cùng các thương hiệu lớn, đặc biệt trong tư vấn thiết kế, quản lý vận hành để sản phẩm đảm bảo được các tiêu chí này.
“Chúng tôi lựa chọn cách đứng trên vai người khổng lồ để vừa phát triển được các dự án tốt, nâng tầm cho du lịch Việt, vừa đảm bảo sự hài hòa trong phát triển, thân thiện môi trường”, bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Còn đại diện Gamuda Land cho hay, ở lĩnh vực bất động sản, Gamuda Land chọn cho mình chiến lược đặc biệt là cải tạo và biến những khu vực kém phát triển như “rốn nước thải” Yên Sở (Hà Nội) thành khu đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Với Gamuda Land, giá trị cốt lõi để đạt được thành công gắn liền với việc bảo tồn thiên nhiên. Trong các dự án tại Hà Nội và TP.HCM, nhà phát triển dự án này áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến nhằm bảo tồn thiên nhiên như trồng cây trong vườn ươm, xây dựng nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, lắp đặt bảng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho khu vực cây trồng…
Tín hiệu tích cực
Quay trở lại câu chuyện thực thi các cam kết phát triển bền vững, trên thực tế, dù những bước đầu trong hành trình xanh của Việt Nam chưa thật ấn tượng và có phần chậm chạp, song cũng không thể phủ nhận sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và quyết tâm “chuyển mình” của các địa phương, doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Quảng Ninh đặt mục tiêu giảm dần hoạt động khai khoáng, hướng tới lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đi kèm với đó là kêu gọi đầu tư hàng loạt công trình trọng điểm, tạo lực đẩy cho “ngành công nghiệp không khói” tăng tốc. Theo đó, chỉ trong giai đoạn 2013-2018, Quảng Ninh đã thu hút 100 dự án với tổng vốn đầu tư 110.000 tỷ đồng và bước đầu hái quả ngọt từ sự chuyển biến này.
Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, việc thay đổi một mô thức phát triển đòi hỏi nguồn lực lớn, trong đó nguồn lực chuyển đổi là tốn kém nhất và Việt Nam có thể phải cần từ 200-300 tỷ USD cho việc này. Ông Thiên cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải tính đến các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng xanh thông qua các hoạt động đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), các công cụ tài chính như trái phiếu, tín dụng xanh…
Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc Toàn quốc Khối Khách hàng lớn, HSBC Việt Nam cũng cho hay, nguồn lực cho tăng trưởng xanh là vô cùng quan trọng, nên HSBC đặt mục tiêu thu xếp 12 tỷ USD cho các dự án phát triển xanh của Việt Nam. Giải pháp đưa ra là phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để xây dựng chương trình hành động, đúc rút bài học kinh nghiệm.
“Đến nay, HSBC đã thu xếp được khoảng 2 tỷ USD cho các dự án trong nước, tập trung vào nội dung đồng hành cùng khách hàng trong quá trình chuyển đổi xanh, trong đó có phần chuyển đổi công nghệ, xây dựng khung chính sách. Đơn cử, HSBC hỗ trợ Vingroup hoàn thiện khung tài trợ xanh, phát hành gói trái phiếu chuyển đổi xanh đầu tiên trên thế giới (trên 400 triệu USD), tài trợ cho các dự án điện mặt trời áp mái của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE)…”, bà Nga thông tin thêm.