'Xanh hóa Trường Sa' - Công trình thế kỷ
Dưới bàn tay chăm sóc của bộ đội, cây không phụ lòng người. Theo năm tháng cây lớn dần lên, dang rộng cánh tay, tỏa màu xanh tươi làm quà tặng quân và dân trên quần đảo Trường Sa.
![Tạm biệt Trường Sa và Nhà giàn DK1 Quế Đường -Ảnh: L.V.C](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_450_51424646/9fe59fe9a6a74ff916b6.jpg)
Tạm biệt Trường Sa và Nhà giàn DK1 Quế Đường -Ảnh: L.V.C
Cho Trường Sa thêm xanh...
Sau thời gian chờ đợi với tâm trạng háo hức xen lẫn bồn chồn, vào một buổi sáng cuối tháng 4/2024, bầu trời trong xanh, biển lặng, sóng êm, tàu kiểm ngư KN 390 đưa Đoàn công tác số 13 của Quân chủng Hải quân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị rời Cảng Cam Ranh đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Suốt hai ngày một đêm trên biển, đoàn công tác đến đảo Song Tử Tây, hòn đảo nằm trong cụm Song Tử thuộc huyện đảo Trường Sa, cách tỉnh Khánh Hòa 650 km về phía Đông.
Song Tử Tây nổi bật giữa biển khơi với sắc màu xanh mướt, đầy sức sống của những rừng cây xanh. Những cây phong ba, mù u, bàng vuông, phi lao, dừa dường như khoe “cơ thể” cường tráng, dẻo dai, những giàn thiên lý, hoa giấy rực rỡ khoe màu, tràn đầy sức sống dưới ánh mặt trời. Bấy giờ đang giữa mùa hè, hơi nóng của biển đang ở lúc cao nhất nhưng dưới tán cây, sự ngột ngạt có phần dịu hơn.
Không chỉ ở Song Tử Tây, những đảo chìm, đảo nổi chúng tôi đặt chân đến đều phủ màu xanh tươi mát diệu kỳ. Màu xanh yêu thương, tràn đầy sức sống mang theo niềm hy vọng là công sức qua hàng chục năm lao động, bồi đắp, xanh hóa trên đảo của bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đảo Song Tử Tây nói riêng, các đảo ở Trường Sa nói chung. Bị màu xanh huyền diệu của Trường Sa hấp dẫn, mê hoặc, tôi muốn tìm hiểu màu xanh đó được tạo nên như thế nào...
Khác với những hải đảo gần bờ như Cồn Cỏ, Lý Sơn hay Côn Đảo, Phú Quốc... với đất đỏ ba dan màu mỡ, mạch nước ngầm dồi dào, cây cối tốt tươi thì các đảo thuộc quần đảo Trường Sa có diện tích nhỏ, độ cao rất thấp, thổ nhưỡng chủ yếu là cát, vụn san hô, đất ít, khả năng giữ ẩm rất hạn chế.
Khí hậu ở quần đảo Trường Sa được chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa dù lượng mưa rất lớn, bình quân khoảng 2.000 mm/năm nhưng đất không giữ được nước, chỉ một thời gian ngắn là thẩm thấu vào nước biển. Giông, lốc diễn ra quanh năm và là nơi thường xuyên hứng chịu các cơn bão lớn đi qua. Những ngày sóng to, gió lớn, nước mặn tràn vào đảo làm cho nhà cửa, công trình xây dựng nhanh xuống cấp, cây cối khó phát triển.
Tuy vậy, quân và dân trên đảo quyết không lùi bước trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Để đóng quân dài lâu trên đảo cần cải tạo môi trường, tích cực trồng cây xanh, bồi đắp, cải tạo đất. Các đảo phát động phong trào thi đua trồng cây xanh và xem đây là việc làm liên tục, thường xuyên, được cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng.
Tôi đã vào khu vực tăng gia và vườn ươm của Đoàn Thanh niên đảo Sinh Tồn Đông, nơi cung cấp cây giống cho đảo. Với gần 300 m2 , khu vực được xây dựng khá kiên cố, có mái che. Nguồn nước tưới cây được dự trữ từ các bể chứa nước mưa hoặc tận dụng nguồn nước qua sử dụng. Những khu vực dành để tăng gia là nơi tương đối khuất sóng, gió, xung quanh được chắn bằng vách tôn hoặc các loại vật liệu khác, giảm tối đa hơi muối mặn xâm nhập vào làm úa lá cây. Phía trên được che bằng lưới hoặc kính nhựa trong cho ánh sáng đi qua. Vườn ươm đảo Sinh Tồn Đông không chỉ đáp ứng nhu cầu cây trồng trên đảo mà còn “tiếp viện” hàng chục cây giống cho các đảo.
Thượng úy Lê Đức Anh, người con của quê hương Quảng Trị đang công tác tại đảo Sinh Tồn Đông, cho biết: “Hằng ngày, sau những giờ trực chiến, huấn luyện, gia cố hầm hào, công sự, bảo trì vũ khí, bộ đội thi đua tăng gia sản xuất, chăm bón cho cây. Dù mùa nắng nóng hay mùa mưa, anh em chúng tôi chăm sóc kỹ lưỡng và bảo vệ chu đáo cho cây, vì cây xanh là mạch sống của đảo”. Rau xanh không chỉ có trong khẩu phần ăn của bộ đội mà bà con ngư dân đánh bắt xa bờ ghé vào đảo cũng được cung cấp nước ngọt, rau xanh, loại thực phẩm rất cần cho người đi biển dài ngày.
![Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (nay là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) trồng cây lưu niệm tại đảo Song Tử Tây, tháng 5/2024 -Ảnh: L.V.C](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_08_450_51424646/eef6f9fac0b429ea70a5.jpg)
Đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị (nay là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) trồng cây lưu niệm tại đảo Song Tử Tây, tháng 5/2024 -Ảnh: L.V.C
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: “Công tác phòng chống bão ở Trường Sa rất quan trọng, được xem là nhiệm vụ chiến đấu. Trong cơn bão số 10 năm 2023, mặc dù cây được chằng chống kỹ càng nhưng với sức gió rất lớn, kèm với sóng to tràn vào đảo đã quật đổ một số cây. Sau bão, những cây đổ, gãy được dựng lại nhưng cũng có cây lớn phải chặt bỏ đi, đau như cắt từng khúc ruột. Nhưng chúng không nản lòng, phải trồng lại cây, phải giữ đất bằng mọi giá”. Và cũng vì vậy, ở trên đảo, mỗi cây có tuổi đời từ vài chục năm trở lên có thể xem là “cây di sản”.
Dù chịu nhiều bão tố với sự tổn thất nhưng cây trên quần đảo Trường Sa ngày một tăng dày hơn, xanh hơn và sức sống càng mãnh liệt hơn. Trên đảo không chỉ có màu xanh của cây mà còn có muôn hoa khoe sắc. Từ đảo Sinh Tồn Đông, Đá Tây A, Đá Đông B, Trường Sa Lớn, An Bang... dù ở đâu tôi vẫn ấn tượng bởi muôn sắc hoa giấy đỏ, hồng, vàng, trắng trồng bao khắp doanh trại, hội trường, công viên, chùa chiền và cả vọng gác. Những vườn hoa như rút ngắn khoảng cách giữa đảo và đất liền, người giữ đảo cũng đỡ nhớ quê hương.
Quảng Trị với chương trình “Xanh hóa Trường Sa”
Nhằm giúp sức bộ đội thực hiện “Xanh hóa Trường Sa”, mỗi chuyến tàu từ đất liền đến với đảo không chỉ mang trang thiết bị máy móc, vật dụng, nhu yếu phẩm mà còn chở theo hàng tấn đất trồng trọt, phân bón và nhiều giống cây trồng khác nhau. Nhờ đó, không những tạo nên cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu để bộ đội và Nhân dân yên tâm công tác, sinh sống mà còn là phên dậu chắn bão, tăng khả năng phòng thủ của các đảo.
Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” được chính thức phát động đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Kể từ đó, cùng với sự nỗ lực của quân và dân trên các đảo còn có sự hỗ trợ tích cực của các tỉnh, thành phố, tổ chức, cá nhân và Nhân dân cả nước. Chỉ tính riêng 2 năm 2023, 2024, quân và dân trên các đảo đã ươm, chiết và huy động hỗ trợ gần 450.000 cây, hơn 150 tấn phân bón và gần 600 tấn đất dinh dưỡng. Xây dựng 6 vườn ươm cây giống với diện tích khoảng 3.500 m2 để tạo nguồn cây xanh. Tổng số cây được trồng trên toàn quần đảo hơn 80.000 cây gồm dừa, phi lao, bàng ta, tra, mù u, xoài, bàng vuông và một số loại cây khác. “Xanh hóa Trường Sa” - Công trình thế kỷ đã, đang và sẽ tiếp tục hiện thực hóa trên quần đảo Trường Sa.
Tỉnh Quảng Trị là một trong những địa phương có biển, đảo, mặc dù còn khó khăn nhưng Nhân dân Quảng Trị luôn hướng về Trường Sa với tình cảm thân thương và những việc làm thiết thực. Lên tàu đến với Trường Sa, trong hành trang mang theo của đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị không chỉ có những món quà phục vụ sinh hoạt của bộ đội, mà còn đem đến Trường Sa gần 1,5 tỉ đồng góp sức cùng quân và dân thực hiện “Xanh hóa Trường Sa”. Nguồn kinh phí này dành cho việc trồng cây xanh, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống cho quân dân trên các đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1.
Nói chuyện cùng quân và dân trên đảo Song Tử Tây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng (nay là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) bày tỏ niềm cảm phục ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết, sẻ chia, khắc phục khó khăn, sẵn sàng chiến đấu cao của quân dân Trường Sa, để chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc luôn vững vàng nơi đầu sóng. Đồng chí Hà Sỹ Đồng cho biết: “Tôi thật sự ấn tượng với môi trường xanh, cảnh quan đẹp, tình quân dân mẫu mực. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị mong muốn cán bộ, chiến sĩ luôn vững tay súng, quyết tâm cao để chủ quyền Tổ quốc mãi mãi trường tồn, để Trường Sa mãi là niềm tin, niềm tự hào của Nhân dân cả nước”.
Chuẩn Đô đốc Phạm Văn Quang, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân cho biết: “Đến nay khoảng 30% - 40% diện tích các đảo nổi đã được phủ cây xanh và diện tích ấy vẫn còn tăng lên. Sự đóng góp, hỗ trợ của Nhân dân cả nước, trong đó có Quảng Trị sẽ giúp quân và dân Trường Sa biến mỗi hòn đảo thành một viên ngọc xanh trên biển”.
Màu xanh ở Trường Sa là màu xanh vĩnh cửu như sức sống tiềm tàng của quân và dân nơi đây, là phên dậu trong thế trận phòng thủ liên hoàn vững chắc che chắn bão táp từ phía Đông Tổ quốc.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xanh-hoa-truong-sa-cong-trinh-the-ky-191569.htm