Xây dựng Báo cáo giải trình, tiếp thu bảo đảm khách quan và có tính thuyết phục cao

Sáng 13.6, tiếp tục Phiên họp thứ 34, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 được sửa đổi để tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng trình bày cụ thể về một số vấn đề lớn tại dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm: giải thích từ ngữ (về các khái niệm dao có tính sát thương cao, vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ); đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ (Điều 16); nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao (Điều 18); nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp (Điều 35); nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa công cụ hỗ trợ (Điều 50); khai báo vũ khí thô sơ (Điều 32); về quản lý, sử dụng dao có tính sát thương cao (Điều 32a)…

Trong đó, về khai báo vũ khí thô sơ (Điều 32, dự thảo luật), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, có ý kiến đề nghị thuyết minh rõ sự cần thiết, mục đích của hoạt động khai báo và phạm vi vũ khí thô sơ cần được khai báo; ý kiến khác cho rằng, quy định về quản lý, khai báo vũ khí thô sơ trong đó có dao là khó khả thi; đề nghị quy định theo hướng: đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh thì phải khai báo; đối với hoạt động sử dụng để sinh hoạt thì không phải khai báo hoặc quy định việc buôn bán, vận chuyển dao cần có điều kiện cụ thể, như: phải để trong tủ có khóa, phải đóng gói, quấn chặt khi vận chuyển...

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, vũ khí thô sơ là phương tiện đặc biệt, liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người và công tác bảo đảm an ninh, trật tự cần được quản lý chặt chẽ. Trong hoạt động trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo có những loại vũ khí thô sơ vẫn có khả năng gây sát thương; hiện nay có nhiều bảo tàng có số lượng hiện vật rất lớn. Do đó, quy định khai báo vũ khí thô sơ cần thiết để quản lý chặt chẽ, làm cơ sở để xác minh, xác định trách nhiệm khi xảy ra hành vi vi phạm. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo luật Chính phủ trình.

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã chỉnh lý tên Điều 32 thành “Khai báo vũ khí thô sơ dùng làm hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo”; đồng thời bổ sung quy định giới hạn việc khai báo chỉ đối với “vũ khí thô sơ quy định tại điểm a khoản 4 Điều 3” như dự thảo luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về nội dung nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ (quy định tại các Điều 18, 35, 50), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã rà soát quy định của dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, theo đó đã phối hợp với Ban soạn thảo chỉnh lý quy định tại Điều 18, Điều 50 của Luật này theo hướng viện dẫn quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ thực hiện theo quy định của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Về tổ chức, doanh nghiệp được thực hiện hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thống nhất quy định tại dự thảo luật này (khoản 2, khoản 3 Điều 18) vì trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chỉ quy định theo hướng viện dẫn quy định của luật này.

Đối với vũ khí thể thao, vật liệu nổ công nghiệp và việc kinh doanh công cụ hỗ trợ là những phương tiện và hoạt động chưa được điều chỉnh trong dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, vì vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định tại dự thảo luật này.

Dự thảo luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này

Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ trợ (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ và hội trường; cơ bản nhất trí với dự thảo luật, cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu đầy đủ.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Chỉ rõ, đây là một luật khó, tuy sửa không nhiều nhưng đều là những nội dung rất khó để thiết kế trong kỹ thuật lập pháp, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, trên thực tế, Chính phủ đã chỉ đạo chuẩn bị nghiên cứu từ lâu việc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, vì nhiều nội dung trong luật có liên quan đến quyền con người, quyền công dân.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra; đồng thời, khẳng định, dự thảo luật cơ bản bảo đảm đủ điều kiện để trình Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy.

Về các nội dung cụ thể của dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nội dung về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, vật liệu nổ công nghiệp, công cụ hỗ trợ (quy định tại các Điều 18, 35, 50) cần rà soát kỹ để thống nhất về nội dung và thời gian có hiệu lực đối với dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục rà soát các quy định về khai báo vũ khí thô sơ.

Về đối tượng được trang bị công cụ hỗ trợ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung lực lượng cảnh sát biển được trang bị công cụ hỗ trợ để thống nhất với Luật Quốc phòng và Luật Cảnh sát biển…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý giao cho Ủy ban Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Quốc phòng An ninh, các cơ quan khác rà soát về nội dung dao có chính sách thương cao để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Hình sự. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về quá trình xây dựng dự án luật, các nội dung mới, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, đánh giá kỹ tác động; hoàn chỉnh Báo cáo giải trình, tiếp thu có tính thuyết phục; sớm xây dựng, ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện luật… “Tuyên truyền tốt về quá trình xây dựng dự án luật, quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật để tăng tính đồng thuận của người dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp; phối hợp với Ủy ban Tư pháp và các cơ quan đầu tư công sức để làm rõ những vấn đề có liên quan đến Bộ luật Hình sự, cũng như hoàn thiện dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, bảo đảm khách quan và có tính thuyết phục cao. Sau đó, gửi xin ý kiến lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản như theo chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội; gửi lại đại biểu Quốc hội theo quy định để bảo đảm thông qua tại cuối đợt họp thứ hai của Kỳ họp thứ Bảy này.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/xay-dung-bao-cao-giai-trinh-tiep-thu-bao-dam-khach-quan-va-co-tinh-thuyet-phuc-cao-i375445/