Xây dựng hạ tầng giao thông ĐBSCL chờ… cát

Các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong tình trạng thiếu cát thi công khá nặng nề, trong khi nếu huy động từ nguồn nhập khẩu cũng khó khả thi vì giá cao hơn dự toán. Điều này, khiến một số dự án trọng điểm của vùng có thể hoàn thành không đúng tiến độ đã đề ra…

Khai thác cát theo cơ chế đặc thù tại mỏ Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để cung cấp cho cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề. Ảnh: Trung Chánh

Khai thác theo cơ chế đặc thù, nhưng vẫn chưa đủ nguồn

Hiện tại, vùng ĐBSCL đang triển khai một loạt dự án hạ tầng giao thông, bao gồm cao tốc Cần Thơ- Cà Mau; Châu Đốc (An Giang)- Cần Thơ- Trần Đề (Sóc Trăng); Cao Lãnh- An Hữu; cầu Đại Ngãi nối tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng cũng như những dự án hạ tầng do các địa phương đầu tư với nhu cầu cát lên đến hàng chục triệu m3, nhưng nguồn cát phục vụ đang trọng tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng…

Chẳng hạn, với dự án thành phần 2 qua địa bàn thành phố Cần Thơ (thuộc dự án cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề) có chiều dài gần 38 km với tổng mức đầu tư hơn 9.725 tỉ đồng nhưng nhu cầu cát san lấp đoạn này thiếu hụt lên đến khoảng 7 triệu m3.

Để có nguồn cát phục vụ thi công dự án cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề, đoạn qua thành phố Cần Thơ (dự án thành phần 2), tỉnh An Giang đã đồng ý giao mỏ cát Bình Phước Xuân tại huyện Chợ Mới cho Công ty TNHH Tập đoàn Định An (thà thầu thi công dự án) khai thác phục vụ thi công gói thầu xây lắp của dự án. Đây là mỏ cát được giao khai thác theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 60/NQ-CP của Chính phủ về việc “áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông”.

Tuy nhiên, tổng khối lượng được phép khai thác từ mỏ Bình Phước Xuân trong thời gian 1 năm 8 tháng 23 ngày (mỏ Bình Phước Xuân vừa được khởi công khai thác cách nay khoảng 10 ngày) cũng chỉ khoảng 3,3 triệu m3. Trong đó, năm đầu tiên khai thác gần 1,9 triệu m3 và năm thứ hai (8 tháng 23 ngày) là gần 1,4 triệu m3.

Với việc áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác cát như nêu trên, đoạn cao tốc qua địa bàn thành phố Cần Thơ đã tìm được nguồn cung cấp khoảng 3,3 triệu m3 hay nói cách khác đoạn này vẫn đang thiếu hụt gần 4 triệu m3 cần tiếp tục tìm kiếm nguồn cung trong thời gian tới.

Tính đến thời điểm hiện nay, những sà lan cát đầu tiên từ mỏ Bình Phước Xuân đã về đến huyện Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) để phục vụ thi công dự án thành phần 2 thuộc cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề.

Tuy nhiên, trường hợp nếu không có thêm nguồn bổ sung, thì đến tháng 4-2025, dự án thành phần 2 qua Cần Thơ cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 1,9 triệu m3 cát san lấp, bởi khối lượng khai thác quy định trong năm đầu tiên từ mỏ Bình Phước Xuân cũng chỉ ở mức 1,896 triệu m3.

Trao đổi với KTSG Online, ông Phan Văn Mạnh, Giám đốc điều hành mỏ cát Bình Phước Xuân thuộc Công ty TNHH Tập đoàn Định An xác nhận, đến thời điểm này mỏ cát chỉ mới khai thác đưa về dự án đoạn qua Cần Thơ được vài nghìn m3. Điều này có nghĩa, ở thời điểm hiện tại, khối lượng cát cung cấp thực tế vào công trình cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề, đoạn qua thành phố Cần Thơ vẫn chưa đáng kể, dù nguồn đã có khoảng 3,3 triệu m3.

Trong khi đó, với dự án cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 nối giữa tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải), chủ đầu tư dự án đánh giá, phần tuyến của dự án thi công chưa đáp ứng tiến độ do khan hiếm nguồn cát phục vụ thi công nền đường và đường công vụ.

Cụ thể, phần tuyến và các công trình trên tuyến (km0+000- km7+150 và km10+180-km15+140) chỉ mới cơ bản hoàn thành công tác đào bóc hữu cơ khuôn đường và đắp bao đường công vụ (10,43 km); đắp cát tuyến chính mới đạt 2%, tương đương đạt 8.658 m3 trên tổng nhu cầu là 549.638 m3; đắp cát đường công vụ mới đạt 30%, tương đương mức 11.959 trên 39.633 m3.

Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố Cần Thơ đánh giá, cát làm vật liệu cấp nền cho các dự án giao thông trên địa bàn thành phố Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung là vấn đề “hết sức phức tạp”, giá tăng rất cao. “Khi làm dự toán giá dao động khoảng 200.000 đồng/m3, nhưng tới thời điểm này giá mua thương mại khoảng trên dưới 300.000 đồng/m3, nhưng nguồn cung rất khan hiếm”, ông cho biết.

Theo ông Dũng, đối với các dự án do UBND thành phố cấp quyết định đầu tư như: đường vành đai phía Tây, đường tỉnh 917, 918, 921, 923 có tổng nhu cầu cát sử dụng làm nền đường là khoảng 2,1 triệu m3. Nhưng hiện nay, các nhà thầu thi công chỉ thu xếp được trên dưới 30%. “Phần còn lại đang đi tìm các nguồn, nhưng đang hết sức khó khăn”, ông nói.

Trong khi đó ông Mạnh của Tập đoàn Định An cho biết, với phương án sử dụng cát nhập khẩu từ Campuchia cũng không khả thi vì giá tăng cao, khiến chi phí sẽ vượt dự toán ban đầu của dự án.

Cát đang thiếu hụt gây khó cho các dự án hạ tầng giao thông ĐBSCL. Ảnh: Trung Chánh

Khó đáp ứng tiến độ công trình trọng điểm

Dự án cao tốc Châu Đốc- Cần Thơ- Trần Đề có tổng chiều dài hơn 188 km, đi qua 4 địa phương khu vực ĐBSCL, có tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng được khởi công vào ngày 17-6-2023. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe (mặt đường 17 mét), vận tốc 80 km/giờ, có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang) và điểm cuối kết nối vào cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Dự án được chỉ đạo hoàn thành vào năm 2027.

Tuy nhiên, nhiều bên đặt ra câu hỏi về tiến độ dự án có hoàn thành toàn tuyến đúng chỉ đạo hay không?

Như đã nêu ở trên, đối với dự án thành phần 2 qua địa bàn thành phố Cần Thơ, thì với nguồn cát được cấp theo cơ chế đặc thù từ mỏ Bình Phước Xuân là khoảng 3,3 triệu m3, với thời gian khai thác quy định là 1 năm 8 tháng 23 ngày. Trong đó, 1,9 triệu m3 được khai thác trong năm đầu, tức phải đầu tháng 4-2025 mới có đủ 1,9 triệu m3 (mỏ vừa khai thác từ đầu tháng 4-2024); 1,4 triệu m3 còn lại khai thác trong 8 tháng 23 ngày của năm tiếp theo hay nói cách khác phải đến khoảng tháng 1-2026 mới về đến công trường.

Trao đổi với KTSG Online, ông Mạnh cho biết, với đặc điểm của các dự án hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL là có nền đất yếu nên cần thời gian gia tải rất dài khoảng 12 tháng, cho nên, tiến độ hoàn thành dự án theo quy định là khó đáp ứng. “Gia tải của ĐBSCL phải cả năm vì trên nền đất yếu, cho nên, tiến độ hoàn thành dự án theo kế hoạch là khó”, ông nói.

Thực tế, hiện nay nguồn cát cần cho nhu cầu xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm ở ĐBSCL nói chung và các dự án cao tốc nói riêng vẫn đang thiếu hụt rất lớn, thậm chí một số đoạn tuyến vẫn chưa tìm được nguồn nên càng khó hơn.

Chẳng hạn, đối với dự án cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, được khởi công vào ngày 1-1-2023 và dự kiến hoàn thành trong năm 2025, nhưng tính đến đầu tháng 3-2024, sản lượng xây lắp của dự án đang bị chậm 6,6% so với kế hoạch, tức chỉ mới đạt 22% do nguồn cát cung cấp về dự án thiếu hụt.

Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Cần Thơ- Cà Mau mới đây, ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, thiếu hụt nguồn cát là thách thức rất lớn với dự án này. “Dự án thiếu khoảng 3 triệu m3 cát đắp nền là thách thức cần tiếp tục khắc phục nhằm đảm bảo tiến độ của dự án”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Mạnh, với mỏ Bình Phước Xuân, đơn vị này khẳng định sẽ thực hiện đúng và đáp ứng được tiến độ hoàn thành khai thác theo quy định, nhưng tiến độ hoàn thành dự án thì doanh nghiệp không can thiệp được.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/xay-dung-ha-tang-giao-thong-dbscl-cho-cat/