Xây dựng hệ thống thi hành án dân sự tinh gọn, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả
Sáng nay (4/7), Bộ Tư pháp tổ chức Lễ công bố các quyết định về tổ chức cán bộ hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) và ra mắt phần mềm biên lai điện tử THADS. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì buổi Lễ.

Đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, Tòa án NDTC, Viện Kiểm sát NDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng... cùng tham dự buổi Lễ
Dự buổi Lễ có Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Tư pháp Nguyễn Quang Thái; các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Ngọc.
Cùng dự có Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp Phan Thị Hồng Hà; Cục trưởng Cục Quản lý THADS Nguyễn Thắng Lợi cùng các lãnh đạo Cục Quản lý THADS, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Quản lý THADS; 34 Trưởng THADS, Quyền Trưởng THADS các tỉnh, TP…

Các đại biểu tham dự buổi Lễ.
Tại buổi Lễ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp Phan Thị Hồng Hà đã công bố Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý THADS.
Theo đó, ngày 25/6/2025, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1898/QĐ-BTP, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý THADS.
Theo đó, về vị trí và chức năng, Cục Quản lý THADS là đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và tổ chức thi hành pháp luật về THADS, thi hành án hành chính và thừa phát lại theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ.
Cục có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy và tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước theo quy định pháp luật, có trụ sở tại Hà Nội.
Về cơ cấu tổ chức và biên chế, Cục được tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, ở cấp trung ương có 6 Ban chức năng và Văn phòng. Ở cấp địa phương, gồm 34 cơ quan THADS tỉnh, TP, với tổng cộng 355 Phòng THADS khu vực, các phòng và tương đương khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
THADS cấp tỉnh, TP có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định pháp luật.
Về Lãnh đạo Cục và THADS tỉnh, TP, Lãnh đạo Cục gồm Cục trưởng và các Phó Cục trưởng; Lãnh đạo THADS tỉnh, TP gồm Trưởng THADS tỉnh, TP và các Phó Trưởng THADS tỉnh, TP.
Cũng tại buổi Lễ, Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp Phan Thị Hồng Hà đã công bố các Quyết định thành lập THADS 34 tỉnh, TP.
Theo đó, THADS tỉnh, TP thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn THADS, theo dõi thi hành án hành chính; quản lý tổ chức cán bộ, cơ sở vật chất, kinh phí và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định pháp luật và phân cấp của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Cơ cấu tổ chức của THADS tỉnh, TP gồm các phòng THADS khu vực và các phòng chuyên môn và tương đương.
Phòng THADS khu vực có trụ sở, có con dấu không có hình Quốc huy theo quy định pháp luật. Phòng THADS khu vực có Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký Thi hành án và các công chức khác theo vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trưởng THADS tỉnh, TP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế và mối quan hệ công tác giữa các Phòng và tương đương thuộc THADS tỉnh, TP.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp Phan Thị Hồng Hà công bố các Quyết định tại buổi Lễ.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo mô hình mới đã tinh gọn một cấp trung gian (cấp huyện), tăng cường tính chuyên môn hóa, qua đó nâng cao chất lượng đội ngũ công chức và hiệu quả thi hành án.
Cơ quan THADS cấp tỉnh giờ đây đảm nhiệm vai trò chỉ đạo trực tiếp, toàn diện cả về tổ chức nhân sự và nghiệp vụ trên địa bàn, giúp kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đặc biệt là đối với hoạt động của Chấp hành viên.
Đồng thời, mô hình mới phân tách rõ ràng chức năng quản lý hành chính và chuyên môn. Lãnh đạo Phòng THADS khu vực không còn thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản và ban hành quyết định thi hành án, nhờ đó có điều kiện tập trung chỉ đạo nghiệp vụ, giảm thiểu các sai sót do hạn chế trong năng lực quản lý trước đây.
Tổ chức bộ máy theo hướng mới cũng giúp rút ngắn quy trình nghiệp vụ, loại bỏ được cơ chế ủy thác giữa các khu vực trong cùng một tỉnh, qua đó nâng cao tốc độ và hiệu quả thi hành án. Cùng với đó, việc tập trung đầu mối quản lý tài chính, tài sản ở cấp tỉnh không chỉ tăng hiệu lực kiểm tra, giám sát mà còn là biện pháp hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong bối cảnh không còn chính quyền cấp huyện, mô hình mới tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan THADS cấp tỉnh phối hợp trực tiếp, hiệu quả với các cơ quan cấp tỉnh trong công tác cưỡng chế, xác minh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Việc tập trung nguồn lực, biên chế và khối lượng công việc tại cấp tỉnh cũng từng bước nâng cao vị thế của cơ quan THADS, tiệm cận với vai trò, chức năng của các cơ quan ngang cấp Sở, góp phần tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành và thực thi pháp luật tại địa phương.
Đồng thời, với việc tổ chức bộ máy theo mô hình 1 cấp tại địa phương, lược bỏ cấp trung gian, hệ thống THADS cũng tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục THADS.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu bước chuyển mạnh mẽ trong cải cách tổ chức bộ máy, kiện toàn nhân sự và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hướng đến xây dựng một hệ thống THADS tinh gọn, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả.
(Tiếp tục cập nhật)