Xây dựng hồ sơ nghệ nhân tạc tượng: Gìn giữ, trao truyền vốn quý
Là đại diện của nền điêu khắc dân gian Tây Nguyên, tượng gỗ mang giá trị biểu đạt cao về đời sống và quan niệm thẩm mỹ của đồng bào dân tộc thiểu số. Tại TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai), một hồ sơ nghệ nhân tạc tượng đã được xây dựng với mong muốn gìn giữ và trao truyền vốn quý di sản.
Mai một nghề truyền thống
Lớn lên tại Gia Lai, Thạc sĩ Nông Bằng Nguyên-hiện là nghiên cứu viên chính Viện Dân tộc học và Tôn giáo học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) có sự quan tâm đặc biệt về văn hóa Tây Nguyên, trong đó có tượng gỗ dân gian. Đó là lý do anh bắt tay vào thực hiện đề tài “Xây dựng hồ sơ nghệ nhân để thành lập câu lạc bộ nghề điêu khắc gỗ dân gian nhằm phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc Jrai tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai”.

Thạc sĩ Nông Bằng Nguyên trao đổi ý kiến về xây dựng hồ sơ nghệ nhân để thành lập câu lạc bộ nghề điêu khắc gỗ dân gian. Ảnh: Lam Nguyên
Theo khảo sát của Thạc sĩ Nông Bằng Nguyên, tại Pleiku hiện có 19 nghệ nhân tạc tượng, trong đó số người từ 50 tuổi trở lên là 14/19 nghệ nhân, cho thấy sự đứt quãng trong kế thừa. 77% nghệ nhân học nghề theo lối “cha truyền con nối”, nguồn gỗ chủ yếu từ vườn rẫy của gia đình.
Đội ngũ này tuy lớn tuổi nhưng khá linh hoạt khi có 61% nghệ nhân có thể làm ra sản phẩm với các kích cỡ khác nhau theo yêu cầu của khách hàng; 17% có sử dụng máy móc hỗ trợ. Tuy vậy, chỉ 6% nghệ nhân có thu nhập thường xuyên từ nghề tạc tượng. Phần lớn họ đều mong muốn con em học nghề và thành lập câu lạc bộ nghề điêu khắc gỗ dân gian, nhóm nghề để phát triển nghề truyền thống. Thạc sĩ Nông Bằng Nguyên nhận định, nếu lứa nghệ nhân kế cận tận dụng tốt lợi thế từ mạng xã hội, vừa đổi mới sáng tạo vừa chuyển đổi số thì sẽ quảng bá tốt sản phẩm.

Nghệ nhân tạc tượng của TP. Pleiku tham gia một hội thi. Ảnh: Lam Nguyên
Cần quảng bá sản phẩm là bởi tại Pleiku hiện nay, tượng gỗ đang dần thoát ly không gian cộng đồng để trở thành sản phẩm được du khách quan tâm, trong đó có mô hình tượng thu nhỏ. Nghệ nhân Ksor Vân (làng Kép, phường Đống Đa) chia sẻ về sự thay đổi này: “Ngày xưa nghệ nhân tạc tượng theo tâm trạng, ngày nay tạc tượng còn để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Nhưng nghề này đang mai một nên chúng tôi mong muốn truyền nghề, xây dựng câu lạc bộ ở các thôn làng”. Nghệ nhân Rơ Châm Vết (cùng làng) cũng hy vọng, nếu gắn kết làng này với làng kia, đa dạng sản phẩm để mang lại sinh kế thì không những duy trì mà còn khơi dậy được nghề tạc tượng.
Những bước đi cần thiết
Tại buổi tọa đàm về đề tài “Xây dựng hồ sơ nghệ nhân để thành lập câu lạc bộ nghề điêu khắc gỗ dân gian nhằm phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường sinh kế bền vững cho cộng đồng dân tộc Jrai tại TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai” do Viện Dân tộc học và Tôn giáo học phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu, nghệ nhân cũng đã trao đổi nhiều nội dung gồm: Hiện trạng đội ngũ nghệ nhân điêu khắc gỗ dân gian Jrai; thách thức, khó khăn và mong muốn của đồng bào Jrai trong bảo tồn nghề thủ công truyền thống.
Các ý kiến còn thảo luận về cơ sở pháp lý trong việc hình thành câu lạc bộ; vai trò của nghề thủ công trong việc phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường sinh kế bền vững; xây dựng kinh nghiệm truyền dạy, chia sẻ kiến thức, tinh hoa và đặc trưng của nghề điêu khắc gỗ dân gian để bảo tồn, phát huy.

Điêu khắc gỗ dân gian được nhận định là di sản văn hóa đặc sắc. Ảnh: Lam Nguyên
Chủ trì buổi tọa đàm, Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy khẳng định: Điêu khắc gỗ dân gian Jrai là di sản văn hóa đặc sắc, thể hiện chiều sâu tâm linh, tín ngưỡng và thẩm mỹ của cộng đồng. Những tác phẩm điêu khắc gắn liền với nhà mồ, lễ hội, đời sống tâm linh… là minh chứng sống động cho bản sắc độc đáo của người Jrai.
“Việc xây dựng hồ sơ nghệ nhân để thành lập câu lạc bộ nghề điêu khắc gỗ dân gian là bước đi cần thiết và cấp bách nhằm tôn vinh, ghi nhận, tạo điều kiện cho các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Không những xây dựng không gian giao lưu, phát triển nghề mà điều này còn mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững…”-Tiến sĩ Nguyễn Thái Bình nhận định.
Nhiều năm theo đuổi đề tài nghiên cứu về tượng gỗ dân gian, Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương (Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy) nêu những thách thức không nhỏ trong việc gìn giữ, phát huy nghề điêu khắc gỗ dân gian. Danh sách thống kê mới nhất về đội ngũ nghệ nhân tạc tượng tại các thôn làng trên địa bàn tỉnh cho thấy: số nghệ nhân tuổi từ 55 trở lên chiếm đến hơn 70%; lớp nghệ nhân dưới 40 tuổi rất ít (chỉ chiếm 10%). Cùng với đó thị hiếu thẩm mỹ thay đổi; lớp trẻ không mấy mặn mà với nghề truyền thống…
“Song không vì thế mà chúng ta không tích cực hỗ trợ để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho loại hình tượng gỗ được sống lâu bền trong đời sống dân gian và tiếp tục phát huy giá trị”-Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương nêu quan điểm.

Số nghệ nhân tạc tượng tuổi từ 55 trở lên chiếm đến hơn 70% là thách thức không nhỏ trong công tác gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống. Ảnh: Lam Nguyên
Những cách bảo tồn thiết thực mà chị đề xuất bao gồm: Đề xuất Viện Khoa học Xã hội vùng Tây Nguyên nên xây dựng một website có tên “Điêu khắc dân gian Tây Nguyên” để tăng cường quảng bá; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nên đưa ra những tiêu chí phù hợp hơn để có thể xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” cho một số nghệ nhân tạc tượng giỏi, bên cạnh đó cần có chế độ, chính sách thỏa đáng động viên đội ngũ này.
Cũng theo Thạc sĩ Hoàng Thị Thanh Hương, trong khi chờ đợi sự công nhận của tổ chức quốc tế, tỉnh cần làm hồ sơ đề nghị công nhận tượng gỗ dân gian là Di sản văn hóa. Đặc biệt, cần gắn hoạt động điêu khắc và sản phẩm điêu khắc với các hoạt động du lịch. Cụ thể là thành lập các làng du lịch truyền thống hoặc chọn thế mạnh của từng làng mà phát triển ngành nghề du lịch (đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng...). Chỉ khi tượng gỗ trở thành một loại hàng hóa có thể đem lại sinh kế bền vững cho nghệ nhân, giúp những nghệ nhân giỏi sống được bằng nghề thì khi đó mới bảo tồn được nghề tạc tượng truyền thống.