Xây dựng không gian mỹ thuật 'siêu đô thị'

'Siêu đô thị' TP Hồ Chí Minh mới hình thành từ việc sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tạo ra nhiều tiềm năng, thách thức phát triển không gian mỹ thuật, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đồng thời thu hút du khách du lịch... Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với GS, TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh về những cơ hội, giải pháp thúc đẩy, phát triển không gian mỹ thuật xứng tầm với siêu đô thị lớn nhất cả nước.

Phóng viên (PV):

Thưa Giáo sư, đề nghị Giáo sư cho biết sự phát triển của mỹ thuật

TP Hồ Chí Minh

trong những năm gần đây?

GS, TS Nguyễn Xuân Tiên: Sau ngày đất nước thống nhất, mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Trong mỗi giai đoạn phát triển, mỹ thuật thành phố vẫn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình. So với mỹ thuật của cả nước, mỹ thuật thành phố là nơi năng động, tiếp cận rất sớm với mỹ thuật hiện đại của thế giới như: Mỹ thuật sắp đặt, mỹ thuật trình diễn, mỹ thuật video ảnh và thậm chí là body painting (nghệ thuật vẽ tranh trên cơ thể).

Những năm gần đây, khi nước ta hội nhập một cách toàn diện với thế giới, các nghệ sĩ thành phố cũng đã tiếp cận rất nhanh với các hoạt động mỹ thuật chung của thế giới thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế; các triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm được tổ chức ở cả trong và ngoài nước. Các họa sĩ, nhà điêu khắc thành phố cũng tham gia và đạt được rất nhiều giải thưởng quốc tế danh giá. Nhiều loại hình mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng thường gặp ở thành phố hiện nay như: Mỹ thuật trang trí kiến trúc, công viên, đường phố; bích họa; nghệ thuật graffiti; nghệ thuật sắp đặt... cũng đang phát triển sôi động. Các hoạt động mỹ thuật tại thành phố được tổ chức thường xuyên và liên tục với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ và nhiều bạn trẻ, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

 GS, TS Nguyễn Xuân Tiên bên tác phẩm điêu khắc của mình.

GS, TS Nguyễn Xuân Tiên bên tác phẩm điêu khắc của mình.

PV: Sau khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh trở thành "siêu đô thị" và đã có những tác động, cơ hội, thách thức nào trong phát triển mỹ thuật thành phố, thưa Giáo sư?

GS, TS Nguyễn Xuân Tiên: Sau sáp nhập, về tổ chức Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh không có ảnh hưởng gì lớn. Hội có 6 chuyên ngành và 13 câu lạc bộ với hơn 800 hội viên chính thức và khi sáp nhập số hội viên tiếp nhận từ các địa phương cũ chỉ mấy chục người. Trong khi đó, hội viên mỹ thuật ở các địa phương cũ cũng không nhiều, chỉ khoảng mấy chục người. So với trước kia, phạm vi hoạt động của Hội sẽ rộng hơn nhưng sẽ tạo ra nhiều tiềm năng phát triển, làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, đồng thời góp phần vào phát triển du lịch địa phương. Các địa phương mới được sáp nhập đều là những trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch lớn của khu vực. Trong thời gian tới, hoạt động mỹ thuật của TP Hồ Chí Minh sẽ sôi động và phát triển hơn trước. Chúng tôi dự định sẽ xây dựng hai cơ sở ở các địa phương cũ để tạo môi trường giúp hoạt động mỹ thuật lan tỏa và phát triển. Đặc biệt, sau sáp nhập, nhu cầu phát triển mỹ thuật công cộng ở TP Hồ Chí Minh rất lớn, không chỉ nâng cao trình độ nhận thức thẩm mỹ của người dân mà còn góp phần xây dựng và phát triển văn hóa.

PV: Để phát triển mỹ thuật công cộng, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào công việc gì, thưa Giáo sư?

GS, TS Nguyễn Xuân Tiên: Hiện nay, Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh đang quan tâm rất nhiều đến phát triển mỹ thuật công cộng, tức là mỹ thuật làm sao phải tiếp cận, gần gũi với công chúng. Mỹ thuật trong không gian văn hóa công cộng ở TP Hồ Chí Minh là một yếu tố quan trọng làm đẹp cảnh quan môi trường đô thị, chúng ta phải có những công trình công cộng tạo điểm nhấn, góp phần xây dựng không gian đô thị ngày càng đẹp mắt, thu hút du khách và là biểu tượng văn hóa ở mỗi địa phương, khu vực. Tiếp theo, chúng ta phải tập trung xây dựng mỹ thuật cộng đồng, tức là làm đẹp cho từng khu dân cư, biến những khu vực mà trước đây bị lãng quên, hoang phế thành không gian về nghệ thuật, ví dụ như tranh tường, nghệ thuật graffiti..., tạo nên không gian nghệ thuật đặc sắc, thậm chí trở thành những điểm du lịch, những điểm “check-in” cho các bạn trẻ. Bên cạnh đó, Hội sẽ quan tâm đến nghệ thuật điêu khắc ở các vườn hoa, công viên hay các tuyến phố đi bộ không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà còn tại các địa danh thuộc những địa phương cũ và đặc khu Côn Đảo.

PV: Theo Giáo sư, TP Hồ Chí Minh và Hội Mỹ thuật thành phố cần có giải pháp gì để phát triển không gian mỹ thuật?

GS, TS Nguyễn Xuân Tiên: Để phát triển không gian mỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh, đặc biệt sau khi sáp nhập, TP Hồ Chí Minh cần có các giải pháp đồng bộ, bao gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian sáng tạo; đẩy mạnh công nghiệp văn hóa; đồng thời, nâng cao nhận thức và tham gia của cộng đồng. Với Hội Mỹ thuật thành phố, chúng tôi rất chú trọng đến công tác đào tạo và thường xuyên mở các lớp dạy hội họa, cấp chứng chỉ nghề. Lớp học được tổ chức vào các ngày trong tuần, trong đó cũng có lớp cho các em thiếu nhi vào ngày cuối tuần. Đặc biệt, chúng tôi tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình học tập và quy trình thực hiện các tác phẩm mỹ thuật thông qua việc mở lớp công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hội thảo về tranh lụa, tranh sơn dầu cho sinh viên các trường đại học, những ai đam mê hội họa. Hội Mỹ thuật thành phố cũng sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, khu du lịch để thực hiện các dự án mỹ thuật, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, nâng cao trình độ nhận thức, thẩm mỹ của người dân.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/xay-dung-khong-gian-my-thuat-sieu-do-thi-a424203.html