Từ hạt gạo đến tour du lịch trải nghiệm
Từ những hạt gạo mộc mạc, họa sĩ Kiều Đăng, chủ nhân của Homestay & Coffee Làng Hồ, ở thôn Kon Tum Kơ Pơng, xã Đăk Rơ Wa, đã sáng tạo nên những bức tranh nghệ thuật độc đáo, mang đậm bản sắc truyền thống. Qua đó, mở ra cơ duyên phát triển thêm những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với thiên nhiên, vùng đất phía tây Quảng Ngãi.
Thổi hồn vào hạt gạo
Họa sĩ Kiều Đăng (tên thật Đặng Thị Thúy Kiều), sinh ra và lớn lên tại xã Đăk Rơ Wa. Sau khi tốt nghiệp ngành Thiết kế truyền thông đa phương tiện của Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, chị Kiều chọn quay về quê hương để khởi nghiệp, bắt đầu hành trình mới, kết hợp nghệ thuật với du lịch cộng đồng, gìn giữ văn hóa bản địa. Với năng khiếu sẵn có và niềm đam mê chất liệu truyền thống, chị Kiều bắt đầu thử nghiệm làm tranh từ hạt gạo và dần thành công với dòng tranh gạo mang tên Làng Hồ. Các tác phẩm của chị mang phong cách riêng, đề tài phong phú như thư pháp, phong thủy, phong cảnh quê hương, lễ hội, cồng chiêng, hình ảnh người Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai...

Họa sĩ Kiều Đăng (thứ hai bên phải) cùng các sinh viên trong một buổi workshop giới thiệu tranh gạo.
Dưới đôi tay tỉ mỉ của chị Kiều, từng hạt gạo nhỏ bé được chế tác qua nhiều công đoạn, sắp xếp công phu để tạo nên những bức tranh sống động, mang đậm bản sắc quê hương. Tranh của chị đã góp mặt tại nhiều hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, được đưa đi đấu giá gây quỹ thiện nguyện và trở thành món quà văn hóa ý nghĩa dành cho du khách. Tiêu biểu là bộ tranh “Lễ hội” từng tham gia triển lãm khu vực 5 của Hội Mỹ thuật Việt Nam, hay tác phẩm “Quà thiên nhiên” từ rễ và vỏ cây rừng được trưng bày tại Đà Nẵng... Không chỉ sáng tác, chị Kiều còn mở các lớp dạy vẽ tranh gạo miễn phí cho trẻ em, người khuyết tật và các em nhỏ tại trung tâm bảo trợ, tu viện, góp phần đưa nghệ thuật đến gần hơn với cộng đồng, lan tỏa những giá trị thiết thực và nhân văn.
Gắn với phát triển du lịch
Từ thành công với tranh gạo, chị Kiều mở rộng hoạt động nghệ thuật gắn với phát triển du lịch. Những bức tranh gạo mộc mạc, đậm hồn quê và bản sắc truyền thống trở thành nguồn cảm hứng để chị xây dựng các tour trải nghiệm độc đáo, kết nối du khách với thiên nhiên và văn hóa bản địa. Tại không gian Homestay & Coffee Làng Hồ, ở thôn Kon Tum Kơ Pơng, xã Đăk Rơ Bla, du khách không chỉ ngắm tranh, tự tay làm tranh gạo mà còn được dẫn dắt vào hành trình khám phá làng quê, ẩm thực dân tộc, kiến trúc truyền thống, tập quán canh tác, nhạc cụ dân gian... Từ những hình ảnh hiện lên trên mặt tranh, du khách bị thôi thúc muốn tận mắt chứng kiến, tận tay chạm vào đời sống thực, tìm đến trải nghiệm thật sự. Anh Đinh Văn Thới, du khách đến từ tỉnh Cần Thơ cho biết, mọi thứ nơi đây rất chân thật và gần gũi, không ồn ào, phô trương. Các con tôi đặc biệt thích hoạt động làm tranh gạo, được tự tay sắp xếp, ghép gạo thành hình, vừa học được cái mới, lại hiểu thêm về văn hóa của người bản địa.

Tranh gạo Làng Hồ của họa sĩ Kiều Đăng.
Họa sĩ Kiều Đăng còn nghiên cứu và ứng dụng nghệ thuật vào trị liệu tâm lý. Hoạt động làm tranh gạo được xem như một hình thức thiền động giúp người thực hiện tập trung, cân bằng cảm xúc và giải tỏa tinh thần. “Tôi thấy mình được thư giãn thực sự mỗi khi làm tranh gạo, giúp tập trung sâu và lâu hơn. Đôi khi làm tranh gạo không đòi hỏi quá nhiều kỹ năng, mà cần sự tập trung và cảm xúc. Tôi chưa từng thấy phương pháp nào vừa nghệ thuật, vừa nhẹ nhàng mà hiệu quả như việc làm tranh gạo”, chị Nguyễn Ngọc Hà, du khách đến từ Đà Nẵng chia sẻ.
"
Làm nghệ thuật gắn với du lịch, tôi không chọn đi thật nhanh mà chọn đi chậm mà chắc. Từ những bức tranh gạo cho đến trị liệu, từ homestay đến các tour trải nghiệm văn hóa... đều bắt đầu từ tình yêu quê hương, từ việc quan sát kỹ, lắng nghe thật nhiều về mảnh đất nơi mình sinh ra. Với tôi, đó là cách để gìn giữ và lan tỏa những nét đẹp của vùng núi phía tây tỉnh nhà trong thời buổi hội nhập”.
Họa sĩ Kiều Đăng
Bên cạnh các tour và tổ chức workshop thường xuyên về tranh gạo và du lịch cộng đồng, chị Kiều còn tư vấn thiết kế không gian văn hóa cho các nhà hàng, khu nghỉ dưỡng; phục dựng kiến trúc truyền thống; phát triển món ăn đặc sản từ nguyên liệu địa phương như lá sâm dây, lá mì chua, cá suối, gỏi là rừng... Mỗi hoạt động đều được chị lồng ghép thông điệp về bảo tồn bản sắc, phát triển bền vững và kết nối cộng đồng. Hiện tại, dự án mới nhất mà chị đang thực hiện mang tên “Chạm vào tuổi thơ ba mẹ” là một chương trình giáo dục trải nghiệm ý nghĩa cho học sinh và gia đình. Các em nhỏ được tham gia các hoạt động như hái trái cây rừng theo mùa, bắt cá suối, học làm bếp củi, dựng nhà sàn, nghe kể chuyện dân gian... Sau đó, mỗi em sẽ thể hiện lại bằng cách kể chuyện, hoặc vẽ tranh màu, tranh gạo, qua đó khơi gợi tình yêu quê hương thông qua nghệ thuật.
Từ một hạt gạo nhỏ bé, bằng niềm đam mê và nhiệt huyết, họa sĩ Kiều Đăng đã mở ra một không gian sáng tạo, một hành trình trải nghiệm thực sự ý nghĩa cho du khách và cộng đồng.
Bài, ảnh: HOÀNG THANH
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/tu-hat-gao-den-tour-du-lich-trai-nghiem-54438.htm