Xây dựng không gian văn hóa HCM: Từ chủ trương đến hành động

Theo nhiều nhà nghiên cứu, nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện nay còn đơn điệu, thiếu dấu ấn riêng, chưa có nhiều không gian mở, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đại diện Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh tặng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Ủy ban Nhân dân xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Đại diện Cơ quan thường trú TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh tặng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Ủy ban Nhân dân xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ chính trị mà còn là yêu cầu thực tiễn sinh động của thành phố mang tên Bác, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hiện nay.

Khắc phục tình trạng “làm theo phong trào”

Thời gian qua, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh có những kết quả đáng ghi nhận. Đó là việc xây dựng những công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Cùng với đó, đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, chương trình nghệ thuật về Bác như thơ ca, nhạc, kịch, điện ảnh, cải lương... đi vào lòng người.

Tuy nhiên, công trình, thiết chế văn hóa gắn với Bác còn ít, tác phẩm văn học nghệ thuật chưa tương xứng với cuộc đời và tầm vóc của Bác, việc học tập và làm theo Bác cần phải triển khai sâu rộng hơn nữa.

Những hạn chế cho thấy cần nâng cao nhận thức và hành động, cần làm tốt hơn công tác quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tổ chức thực hiện, cần phấn đấu để vươn tới những giá trị chân-thiện-mỹ trong tác phẩm văn học nghệ thuật, trong khắc họa hình tượng Bác...

Theo nhiều nhà nghiên cứu, các không gian văn hóa Hồ Chí Minh hiện nay còn mang tính “đồng phục,” thường là một góc đọc sách, phòng trưng bày. Nhiều không gian văn hóa còn đơn điệu, thiếu dấu ấn riêng, khép kín chỉ trong nội bộ các cơ quan, đơn vị mà chưa có nhiều không gian văn hóa Hồ Chí Minh mở, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Một số đơn vị, địa phương mới chỉ tập trung vào việc xây dựng mang tính vật chất mà xem nhẹ không gian văn hóa phi vật thể, chưa thực sự mang được giá trị, tính lan tỏa của tư tưởng, đạo đức, tác phong của Bác đến với cuộc sống mọi người.

Thực tế một số công trình, thiết chế văn hóa lớn mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh không được tường xuyên tu bổ, cập nhật, thậm chí nhiều thiết chế đã xuống cấp, không gian chật hẹp. Trong khi đó, các công trình mới, thiết chế mới, thể hiện được tầm vóc của thành phố mang tên Bác lại đang “lận đận” vì nhiều lý do khác nhau.

Thời gian qua, truyền thống năng động, sáng tạo, linh hoạt, tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của thành phố cũng đang có những dấu hiệu bị chững lại, thậm chí có nơi bị mai một dần.

Nhiều tác phẩm của Bác Hồ được giới thiệu tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Long Hoa Cổ Tự, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Nhiều tác phẩm của Bác Hồ được giới thiệu tại không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Long Hoa Cổ Tự, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thừa nhận có tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức của Thành phố sợ trách nhiệm, sợ sai, thiếu chủ động, sáng tạo trong thi hành công vụ. Các sở, ban, ngành còn chậm, thiếu đồng bộ trong triển khai thực hiện, cơ chế đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ của các đơn vị chưa rõ ràng, chưa tạo động lực thúc đẩy thực thi nhiệm vụ.

Đánh giá những hạn chế trong thời gian qua, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng công tác xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn rời rạc, mang tính thời điểm, hầu hết không gian văn hóa Hồ Chí Minh ra đời gắn với một sự kiện, phong trào nhất định, chưa có những đề án dài hạn gắn với một chỉnh thể chuỗi hoạt động phát triển địa phương. Đây là những hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Không ngừng bồi đắp

Để hiện thực hóa một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đúng với tầm vóc của nó trên một không gian rộng lớn của Thành phố Hồ Chí Minh rất cần sự chung tay, chung sức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng và cả những con người từ môn phương về, đến với Thành phố này.

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thể hiện ý chí, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, vì vậy cần có sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, trong đó Đảng bộ, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan, đơn vị giữ vai trò nòng cốt.

Cùng với phát huy vai trò quản lý nhà nước về văn hóa, tạo điều kiện để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh - động lực thúc đẩy phát triển đi lên của Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Cần xác định rõ việc xây dựng và phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là nhiệm vụ chính trị để thực hiện thắng lợi cho Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn là việc làm tự giác, nhu cầu khách quan để xây dựng mỗi địa phương thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình hơn.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, phương cách tốt nhất xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác là tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những hình ảnh đời thường, bình dị, trong sáng trong cuộc sống, trong hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Xây dựng, hình thành trong tiềm thức, tư tưởng của mỗi người dân thành phố về hình ảnh Bác Hồ luôn thân quen, gần gũi, gắn bó, mẫu mực yêu thương nhân dân, lòng nhân ái bao la, hết long hết sức vì nước vì dân của Người.

Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thành phố cần học tập và thấm sâu vào tiềm thức mỗi người phẩm chất đạo đức cao đẹp của Bác, đó là lòng nhân ái, cuộc sống đầy tình người với đồng chí, đồng nghiệp và rộng hơn là đồng bào.

Dưới góc độ vật chất, Thành phố Hồ Chí Minh cần phát huy hiệu quả các di tích lịch sử-văn hóa gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nâng cấp, đầu tư mở rộng Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, hoàn thành xây dựng Quảng trường Công viên văn hóa Hồ Chí Minh tại Khu đô thị Thủ Thiêm, hoàn thành chỉnh trang Khu di tích lịch sử Ngã Ba Giồng tại huyện Hóc Môn, rạp xiếc và nhà biểu diễn đa năng Phú Thọ, xây dựng thư viện điện tử về cuộc đời và thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên không gian mạng, trên các phương tiện truyền thông, báo điện tử, trang tin điện tử.

Ở một góc độ khác, ông Phan Nguyễn Như Khuê nhấn mạnh, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không thể tách rời nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Do đó, để xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh, trên mặt trận tuyên truyền, cần kiên định, thường xuyên khẳng định giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh, giá trị của các tấm gương đạo đức của Người. Đồng thời, gắn việc bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên tất cả các lĩnh vực.

Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh không đơn thuần là về các không gian vật lý về con người, sự nghiệp của Hồ Chí Minh mà còn làm sao để thấm nhuần tư tưởng của Người ở mỗi còn người, hành động của đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố. Vì vậy, xây dựng không gian văn hóa không ngừng bồi đắp bằng những công việc mỗi ngày, của mỗi cán bộ, đảng viên, người dân thành phố; tạo thành một khối vững chắc, bền vững của không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Hội quán Tuệ Thành, quận 5. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Các đại biểu tham quan không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Hội quán Tuệ Thành, quận 5. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng với nhiệm vụ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nhất thiết thành phố cần nghiên cứu, xây dựng một chương trình giáo dục đặc thù cho học sinh, sinh viên các bậc học, cấp học về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và đặc biệt là lòng nhân ái, bao dung, nghĩa tình, yêu thương con người của Bác.

Một chương trình học về Hồ Chí Minh dành cho thành phố mang tên Bác là việc làm thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc và là một trong những phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp căn bản, hữu hiệu, góp phần xây dựng thành công không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

“Thực thi nhiệm vụ quan trọng này, nhất định không gian văn hóa Hồ Chí Minh chứa đựng tất cả phẩm chất cao đẹp của Bác tất yếu sẽ sinh sôi, nảy nở và thấm sâu bền vững trong tâm hồn, tiềm thức của các lớp thế hệ trẻ, công dân tương lai của Thành phố Hồ Chí Minh," tiến sỹ Nguyễn Thành Nam nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn mỹ thuật, nghệ sỹ nhân dân-họa sỹ Huỳnh Văn Mười cho rằng khi xây dưng dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tất cả hình thái kiến trúc xây dựng, trang trí tuyệt đối lưu ý đến phong cách của Bác Hồ là giản dị, trang nhã, tiết kiệm… đồng thời nên khai thác các nguyên vật liệu tại chỗ, cây cảnh trồng trong khuôn viên cũng theo thổ nhưỡng từng vùng miền sao cho phù hợp với khí hậu.

Thạc sỹ Đăng Văn Khoa, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng với tư cách là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là nơi sáng tạo, lưu giữ và truyền bá những tri thức mới cho xã hội, các trường đại học cần thể hiện vai trò kiến tạo, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nhân loại tới cộng đồng thông qua những dự án hợp tác xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với các đơn vị ở địa bàn dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp, lực lượng vũ trang để từ đó có thể phát huy thế mạnh của các bên có liên quan trong việc chung tay xây dựng những giá trị văn hóa đặc trưng của thành phố mang tên Bác.

Ở góc độ thành phố, theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm tạo sự đồng thuận chung trong nhận thức, tư tưởng, đến thống nhất trong hành động, từ đó phát động người dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ tại từng địa phương, đơn vị, từng bước hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Quy hoạch các thiết chế văn hóa về không gian văn hóa Hồ Chí Minh, đưa vào trong kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển của thành phố, hướng đến mục tiêu đạt được kết quả đồng bộ về cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa hiện tại trên địa bàn thành phố gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhắc lại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác," Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, nhấn mạnh đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là nghĩa vụ thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Thành phố Hồ Chí Minh trong việc học tập và làm theo Bác để tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết, nhân nghĩa, hòa hợp, khoan dung trở thành nền tảng trong đời sống tinh thần của xã hội và biểu tượng sáng ngời của Hồ Chủ tịch luôn hiện hữu trên thành phố mang tên Bác./.

Bài 1:

Bài 2: Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Những cách làm hay

Bài 3: Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Mỗi người dân là một đại sứ

Anh Tuấn-Xuân Khu (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/xay-dung-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-tranh-lam-theo-phong-trao/863555.vnp