Xây dựng mã số vùng trồng gắn với sản xuất an toàn
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 95 mã số vùng trồng, với tổng diện tích trên 558ha cây trồng (chủ yếu là chè và lúa). Từ việc cấp mã số vùng trồng, sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng mà còn mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất.

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có 70% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng.
Xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, cho biết: Sản xuất nông nghiệp tạo ra nông sản để cung cấp cho thị trường. Trong khi đó, nhu cầu của người tiêu dùng khi mua sản phẩm là phải đảm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Do đó, việc cấp mã số vùng trồng đã đáp ứng được xu thế tất yếu hiện nay.
Mã số vùng trồng là mã định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng, trong đó có 2 loại gồm mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu do Cục Bảo vệ thực vật cấp và mã số vùng trồng nội tiêu do Sở Nông nghiệp và PTNT (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) cấp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 62 mã số vùng trồng chè, 23 mã số vùng trồng lúa và 8 mã số vùng trồng cây ăn quả, 1 mã số vùng trồng rau, 1 mã số vùng trồng măng lục trúc. Toàn tỉnh có 62 mã nội tiêu và 33 mã xuất khẩu.
Trên thực tế, để được cấp mã số vùng trồng không hề đơn giản. Với mã số vùng trồng nội tiêu, ngoài việc phải đảm bảo là vùng sản xuất được kiểm soát chung bởi một tiêu chuẩn hoặc quy trình sản xuất còn phải bảo đảm về mặt diện tích (tối thiểu 0,1ha); đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP như VietGAP, GlolalGAP, hữu cơ, 4C, tiêu chuẩn sản xuất bền vững, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất ban đầu, thực phẩm có nguồn gốc ban đầu…
Đặc biệt, phải cập nhật theo vụ, chu kỳ thu hoạch các thông tin về truy xuất nguồn gốc, đối tượng cây trồng, tên giống cây trồng, diện tích, tiêu chuẩn, quy trình áp dụng, sản lượng dự kiến, thời gian dự kiến thu hoạch, thị trường dự kiến tiêu thụ (vào đầu vụ hoặc chu kỳ thu hoạch) và sản lượng chính thức khi kết thúc thu hoạch, sau khi đã được cấp mã số vùng trồng.
Đối với xuất khẩu, đòi hỏi cao hơn khi diện tích cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng phải có tối thiểu 10ha; rau gia vị, tùy theo diện tích thực tế của nhà lưới, nhà kính và yêu cầu của nước nhập khẩu; cây trồng khác tuân theo yêu cầu của nước nhập khẩu… Đồng thời, yêu cầu quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu; vùng trồng chỉ được sử dụng các loại thuốc BVTV có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam và đảm bảo không sử dụng các hoạt chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu…

Hiện nay, trong tổng số 95 mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh có 62 mã số vùng trồng chè.
Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
Với những quy định khá ngặt nghèo, mã số vùng trồng đang góp phần tăng sức canh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, thúc đẩy liên kết, hình thành các chuỗi giá trị bền vững và mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản ở cả trong nước và xuất khẩu. Đơn cử như với HTX chè Trung du Tân Cương (TP. Thái Nguyên), từ việc được cấp mã số vùng trồng đã giúp sản phẩm chè của đơn vị ngày càng có uy tín trên thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc HTX chè Trung du Tân Cương: Đến nay, chúng tôi đã có 15ha chè được cấp mã số vùng trồng. Thực hiện các yêu cầu trong quá trình cấp mã số vùng trồng đã giúp chúng tôi có thêm nhiều kiến thức về sản xuất an toàn. Đặc biệt, thông qua việc ghi chép nhật ký tỉ mỉ cũng như việc được cấp mã QR truy xuất nguồn gốc bắt buộc các thành viên, xã viên của HTX phải thực hiện nghiêm quy trình chế biến, chăm sóc, canh tác, từ đó tạo ra sản phẩm an toàn, giúp việc tiêu thụ thuận lợi hơn.
Cũng từ việc được cấp mã số vùng trồng đã nâng tầm “thương hiệu” nông sản cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… trong tỉnh. Minh chứng rõ nét nhất là đối với tổ hợp tác sản xuất cây ăn quả an toàn Tân Quang (TP. Sông Công). Năm 2024, tổ hợp tác có 1ha ổi sản xuất theo quy trình VietGAP được cấp mã số vùng trồng và được các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch bao tiêu nên đầu ra của sản phẩm thuận lợi, giá trị thu được cao hơn trước khoảng 30%. Thừa thắng xông lên, tổ hợp tác đang phấn đấu có thêm từ 5 đến 7ha cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng ông Tá cho rằng, việc sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, nông hộ; vẫn có hộ dân chưa ghi chép nhật ký đầy đủ về quy trình chăm sóc, thu hoạch… chính là “rào càn” của việc mở rộng diện tích cấp mã số vùng trồng tại Thái Nguyên. Đồng thời, khuyến cáo người dân tập trung cấp mã số vùng trồng với những cây trồng chủ lực, thế mạnh, cho giá trị kinh tế cao.
Trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và BVTV sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát, thẩm định, hướng dẫn cấp mã số vùng trồng theo kế hoạch của tỉnh và nhu cầu của người dân. Đặc biệt, quan tâm quản lý, giám sát nông sản an toàn và bảo vệ môi trường sinh thái.