Lợi nhuận hợp nhất của Vinatex quý đầu năm 2025 đạt 271 tỷ đồng

Quý đầu năm 2025, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) ước đạt 4.417 tỷ đồng, bằng 24,1% kế hoạch năm, trong khi lợi nhuận hợp nhất 271 tỷ đồng, bằng 29,8% kế hoạch năm.

Quý I/2025, lợi nhuận hợp nhất của Vinatex đạt gần 30% kế hoạch năm với 271 tỷ đồng.

Quý I/2025, lợi nhuận hợp nhất của Vinatex đạt gần 30% kế hoạch năm với 271 tỷ đồng.

Số liệu cập nhật mới nhất về tình hình sản xuất, kinh doanh quý I/2025 của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) ghi nhận, doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn ước đạt 4.417 tỷ đồng, bằng 24,1% kế hoạch năm; lợi nhuận hợp nhất 271 tỷ đồng, bằng 29,8% kế hoạch năm.

Thông tin thêm về tình hình đơn hàng, lãnh đạo Vinatex xác nhận, đến nay, hầu hết các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ tuần cuối cùng của tháng 2/2025 đến nay, trước những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã tác động trực tiếp đến mảng kinh doanh sợi.

Theo đó, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu, trong khi giá bông liên tục giảm sâu.

"Hầu hết, các đơn hàng sợi đang có xu hướng chốt theo nhu cầu sử dụng, yêu cầu giao hàng nhanh, không mua dự trữ, tồn kho, giá bán theo sát biến động thị trường", Vinatex cho hay.

Tình hình kinh doanh với ngành may tích cực hơn ngành sợi. Hiện nhiều doanh nghiệp may thuộc hệ thống Vinatex đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang giao dịch cho quý III/2025. Tuy nhiên, trong quý I, các đơn hàng có xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng để hạn chế tác động nếu có của chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump.

Cập nhật các chính sách thuế quan mới của Mỹ với các quốc gia/vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường cho rằng, mặc dù mức thuế 46% áp dụng cho hàng hóa Việt Nam là mức cao hơn nhiều so với nhận định, dự báo trước đó.

Tuy nhiên, nếu so sánh mức chênh lệch giữa thuế đối ứng mới và thuế hiện đang áp dụng cho sản phẩm dệt may, mức tăng chênh lệch này của Việt Nam vẫn thấp hơn Trung Quốc và không cao hơn quá nhiều so với các quốc gia cạnh tranh còn lại.

"Trước mắt, việc tăng thuế suất có thể gây ra một số tác động làm giảm nhu cầu tại thị trường Mỹ", ông Trường nói.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp trong hệ thống Tập đoàn nói riêng và ngành dệt may nói chung cần bình tĩnh, sáng suốt đưa ra các giải phải mang tính bền vững như: tăng cường công tác quản trị, nâng cao hiệu quả sản xuất thông qua quản trị thông minh và tăng năng suất lao động; sẵn sàng đàm phán với khách hàng trên tinh thần cùng chia sẻ khó khăn; quyết tâm ổn định lực lượng sản xuất.

Chính sách thuế của Tổng thống Mỹ, Donald Trump là chính sách thuế linh hoạt có thương thảo, do đó các doanh nghiệp xuất khẩu đều đang kỳ vọng Chính phủ có thể đàm phán với Mỹ để giảm các loại thuế đối ứng mà phía Mỹ áp với Việt Nam.

Thực tế, không chỉ riêng Việt Nam tất cả các quốc gia sản xuất dệt may đều bị áp thuế đối ứng. Việc nên làm là tính toán lại cán cân thương mại với Mỹ, với ngành dệt may thì có thể gia tăng sử dụng bông Mỹ để giảm cán cân thương mại, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ với các đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ.

Hôm 4/4, tại cuộc họp khẩn do Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chủ trì bàn về các giải pháp xử lý vấn đề sau thông tin về mức thuế đối ứng 46% mà Mỹ dự kiến áp dụng lên hàng hóa Việt Nam, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) nói, cộng đồng doanh nghiệp dệt may rất lo lắng và có tâm lý bất an với thuế đối ứng.

Biên lợi nhuận của ngành dệt may rất mỏng, hiện tại đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu dệt may khác. Vitas cho rằng, lĩnh vực dệt may Việt Nam hoàn toàn không cạnh tranh với Mỹ.

Về giải pháp đối với doanh nghiệp khi buộc phải áp thuế mới công bố của Mỹ, Vitas đề xuất, phải đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đã ký FTA, cùng với các nhãn hàng, nhà mua hàng chia sẻ khó khăn giải quyết các đơn hàng đang trên đường, đơn hàng đã ký đang sản xuất.

Cùng đó, Vitas kiến nghị Chính phủ nhanh chóng đàm phán với Mỹ để giảm mức thuế quá cao 46% và chi tiết hóa cho từng mặt hàng, nhóm hàng…, đưa ra các giải pháp cụ thể để giảm dần thâm hụt thương mại Mỹ.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/loi-nhuan-hop-nhat-cua-vinatex-quy-dau-nam-2025-dat-271-ty-dong-d264457.html