Xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm an toàn gắn với liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị
Các cấp Hội Nông dân (ND) trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết số 03 ngày 9/4/2019 của Ban Chấp hành Hội ND tỉnh về xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm an toàn gắn với liên kết, hợp tác phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị hoặc Hợp tác xã kiểu mới (viết tắt là Nghị quyết số 03), mang lại nhiều kết quả thiết thực. Các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, ND nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh, bảo quản, chế biến thực phẩm an toàn; Luật Hợp tác xã 2012; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới... thông qua các cuộc họp, sinh hoạt chi, tổ Hội; website của Hội, mạng zalo kết nối từ tỉnh đến cơ sở.
Đồng chí Lý Văn Giàu - Chủ tịch Hội ND tỉnh, cho biết: “Nhằm xây dựng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp, thủy sản an toàn; quảng bá, hỗ trợ ND tiêu thụ nông sản an toàn, Hội ND tỉnh phối hợp với Ban Kinh tế, Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (Trung ương Hội ND Việt Nam) triển khai thực hiện các dự án sản xuất gắn với các ngành hàng đặt trưng của tỉnh như dự án “Xây dựng mô hình Chi Hội ND nghề nghiệp sản xuất xoài theo hướng hữu cơ tại xã Tân Thuận Đông; dự án tăng cường chất lượng trái cây Việt Nam (trên cây xoài) tại xã Hòa An, TP Cao Lãnh... Đồng thời tiếp tục nhân rộng và vận động xây dựng 217 mô hình liên kết sản xuất theo hướng an toàn gắn với tiêu thụ theo hướng bền vững, xây dựng được 34 mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ND”.
Các cấp Hội đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ ND đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử để giới thiệu và tiêu thụ. Hội ND các huyện, thành phố phối hợp với Bưu điện cùng cấp hướng dẫn ND đăng ký tài khoản bán hàng trên website Postmart.vn của Bưu điện. Qua đó, các sản phẩm: xoài, gạo các loại, phân vi sinh... được lên các sàn thương mại điện tử Việt Đức; sàn thương mại điện tử Đồng Tháp Đất Sen hồng. Ngoài ra, Hội ND tỉnh còn chủ động phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại Du lịch và Đầu tư tỉnh giới thiệu, vận động, hỗ trợ hội viên, ND tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, Festival, lễ hội trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, kết nối tiêu thụ hơn 141.900 tấn nông sản cho ND do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hàng năm, Ban Thường vụ Hội ND tỉnh ban hành chương trình giám sát việc chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm ở nông thôn và phát triển kinh tế tập thể. Trong đó, quan tâm giám sát công tác quản lý Nhà nước và sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, vận động ND tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt là các hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản; tham gia phản biện, xây dựng chính sách bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ND, đề xuất biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân thông tin sai sự thật gây thiệt hại đến sản xuất, kinh doanh của ND.
Theo Hội ND tỉnh, thời gian tới, các cấp Hội tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của ND, tạo sự chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn. Tích cực phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cho ND sử dụng hiệu quả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Phát động phong trào rộng khắp trong ND về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến; mô hình tổ, nhóm, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.