Xây dựng nền GD thông minh ở thành phố mang tên Bác: Cần chính sách đặc thù
Năm học 2021 - 2022, ngành Giáo dục TPHCM chính thức triển khai Đề án Giáo dục thông minh (GDTM) sau 2 năm thí điểm.
Đây có thể coi là mũi “chủ công” của TP trong việc hướng đến xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM).
Gỡ khó bài toán sĩ số, hạ tầng
Phát triển GDTM không thể khả thi với những lớp 50 - 60 học sinh. Để nhân rộng mô hình GDTM, vấn đề quan trọng nhất phải giải được bài toán về sĩ số. Trước áp lực gia tăng dân số, dân nhập cư đông, TPHCM đã ban hành nghị quyết xây dựng, kiện toàn hệ thống trường, lớp…. nỗ lực để đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10 nghìn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 -18 tuổi) giai đoạn 2020 - 2025.
Với chỉ tiêu này, TP kỳ vọng đạt con số 35 học sinh/lớp, bảo đảm môi trường tốt nhất cho học tập, rèn luyện. Thực tế, năm học 2020 - 2021, TP xây mới và đưa vào sử dụng 90 dự án trường lớp, với 1.371 phòng học mới. Trong đó, mầm non tăng thêm 247 phòng, tiểu học thêm 240 phòng, THCS tăng thêm 237 phòng, THPT tăng thêm 75, các cấp khác tăng thêm 69 phòng… để phục vụ cho quy mô 54.000 học sinh tăng thêm.
Để mũi “chủ công” của ngành Giáo dục hội tụ điều kiện cần và đủ, nhanh chóng chuyển đổi trạng thái, UBND TP đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số. Lãnh đạo UBND TP đặc biệt chú ý đến việc thúc đẩy hạ tầng công nghệ tại các quận huyện ven ngoại thành.
Sau thí điểm mô hình ĐTTM tại Quận 1 và 12, TP đã triển khai đồng loạt tại các quận, huyện, cũng như nhanh chóng thực hiện giai đoạn 2 của đề án ĐTTM nhằm tạo nền tảng để ngành Giáo dục theo đó đẩy mạnh lắp camera tại 100% trường học, sử dụng hệ sinh thái dữ liệu chung toàn TP, đầu tư hạ tầng công nghệ…
Tuy có sự quan tâm đầu tư nhưng theo các chuyên gia, ngân sách dành cho hạ tầng giáo dục phải tăng mới có thể xây dựng nền GDTM. Một số nhà kinh tế cho rằng, tăng ngân sách giữ lại cho TPHCM là điều kiện tiên quyết để TP xây dựng ĐTTM, giữ vững vai trò đầu tàu về kinh tế, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa để các địa phương trong vùng cùng hưởng lợi phát triển.
TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: Việc TP kiến nghị tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách giữ lại từ 18% giai đoạn 2018 - 2020 lên 24% giai đoạn 2021 và 33% giai đoạn 2026 - 2030 là phù hợp để có thêm nguồn lực đầu tư hạ tầng công nghệ cho nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Nam Trung - Tổng Giám đốc Công ty CNTT Tri Thức Việt cho rằng, tốc độ phát triển của công nghệ thông tin nói riêng và khoa học – công nghệ nói chung trên thế giới rất nhanh, vì vậy, việc đầu tư phê duyệt dự án kéo dài là cản trở lớn.
Để thúc đẩy ngành Giáo dục sớm định hình và chuyển sang nền GDTM, TP cần xây dựng chính sách phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo đáp ứng tiến trình xây dựng đề án. Mặt khác, cần có chính sách ưu đãi doanh nghiệp đổi mới sáng tạo khởi nghiệp khi tham gia, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, nhất là việc phát triển các ứng dụng và giải pháp thông minh phục vụ hoạt động giảng dạy và truy xuất dữ liệu, tài nguyên học tập của học sinh và giáo viên.
Không thể thiếu sự đồng hành của phụ huynh, doanh nghiệp
Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, GDTM hiểu nôm na là áp dụng tối ưu công nghệ vào giảng dạy. Đây là xu hướng chung trên toàn thế giới vì không có công nghệ hỗ trợ sẽ không thể có nền GDTM. Tuy nhiên, không phải trường học thông minh, lớp học thông minh là học sinh, giáo viên phải rời xa bảng đen phấn trắng. GDTM phải được hiểu ở nội hàm là dùng công nghệ để kết nối, làm cho bài học hay hơn, phong phú hơn.
“Ứng dụng công nghệ vào bài giảng hay hoạt động giáo dục nhằm giúp quá trình học tập, kiểm tra đánh giá nhẹ nhàng hơn nhưng vai trò của người thầy vẫn quan trọng. Người thầy sẽ làm chủ công nghệ, dẫn dắt và mở lối cho học sinh cùng mình tương tác. Do đó, muốn xây dựng thành công nền GDTM phải có cách thức để lôi cuốn cả một cộng đồng cùng kết hợp với nhau.
Ngoài các đối tượng quan trọng là cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh cũng phải tham gia và có sự am hiểu nhất định mới có thể hỗ trợ và đồng hành. Các tổ chức giáo dục, doanh nghiệp… cũng có vai trò nhất định trong nền GDTM nên khi họ tham gia TP cần có cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích họ” - PGS.TS Ngô Minh Oanh lưu ý.
Cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, Quận 11 cho rằng: Phát triển GDTM trước hết phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực GD-ĐT, giáo viên, học sinh… tham gia học tập, nghiên cứu.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt cơ sở vật chất cần bù đắp bằng cách tăng ngân sách đầu tư, đồng thời kêu gọi xã hội hóa. TP, ngành Giáo dục cần có chủ trương, chính sách, quy định cụ thể để tháo gỡ cho ban giám hiệu nhà trường trong việc thực hiện các khoản thu. Quan trọng nhất là ngành Giáo dục vẫn phải đồng hành, hỗ trợ các trường trong công tác tập huấn kỹ năng công nghệ cho đội ngũ.
Thực tế, các phần mềm hiện đại đã tạo cơ hội cho mọi người hỗ trợ, chia sẻ thông tin rất tốt. Nhiều hoạt động giáo dục truyền thống dần được thay thế rất nhanh bởi phần mềm, thiết bị, mô phỏng trong thời gian tới. Vì vậy, bên cạnh chính sách hỗ trợ tập huấn, đồng hành cùng đội ngũ giáo viên, ngành Giáo dục cũng nên nghiên cứu chính sách riêng cho các giáo viên lớn tuổi để họ có “khoảng lùi” trong học tập, chuyển đổi về phương pháp dạy học. Như vậy, việc tiến tới xây dựng nền GDTM mới đồng bộ, hiệu quả. - Cô Nguyễn Thị Kim Hương