Xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả

Ngày 21-12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành Nội vụ.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.

Trong năm 2024, thực hiện phương châm của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, ngành Nội vụ đã tập trung triển khai quyết liệt các công việc trong Chương trình công tác và đột xuất. Toàn Ngành đã hoàn thành 184 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 72 nhiệm vụ trên tổng số 256 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.

Đáng chú ý, công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 là: Thành lập mới thành phố Huế trực thuộc Trung ương; thành lập mới, nâng cấp 137 đơn vị hành chính đô thị; điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30% (từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng - mức tăng cao nhất từ trước đến nay); phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội có tác động tích cực đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Ngành tập trung cao độ để hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ theo chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ.

Năm 2024, Bộ Nội vụ tổ chức 23 cuộc thanh tra theo kế hoạch tại các bộ, ngành, địa phương, qua đó góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ.

Năm 2025, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Ngành là triển khai thực hiện hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ; tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính bảo đảm khẩn trương để không bị gián đoạn hoặc bỏ sót công việc, thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc 51 địa phương có Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025; triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương và thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong đó đẩy mạnh cải cách, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính.

Tại Hội nghị, các đại biểu tích cực tham luận, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất, kiến nghị tập trung vào nâng cao chất lượng công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực; các giải pháp nhằm sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong tổ chức chính trị; nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ…

Ghi nhận, biểu dương những kết quả ngành Nội vụ đạt được trong năm 2024, phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị, năm 2025 toàn ngành Nội vụ cần ưu tiên toàn diện và tập trung nguồn lực vào thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, trước mắt là hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Nội vụ bảo đảm chủ động, thống nhất, đồng thuận, dân chủ, công khai, minh bạch.

Bên cạnh nỗ lực của ngành Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” khẩn trương, quyết liệt, quyết tâm; tránh việc sáp nhập cơ học, bất hợp lý; đảm bảo bộ máy hoạt động liên tục, không bị ngắt quãng trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả...

Thu Huyền

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202412/xay-dung-nen-hanh-chinh-hien-daihieu-luc-hieu-qua-44c0933/