Xây dựng những nét mới văn minh trong lễ hội xuân

Tháng Giêng là thời điểm các lễ hội xuân được tổ chức trên khắp cả nước, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cộng đồng...

Tái hiện lịch sử bằng công nghệ mới

Lễ hội kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) lần đầu tiên áp dụng công nghệ 3D mapping nhằm tái hiện các màn sử thi hào hùng. Để công nghệ phát huy hiệu quả, lễ khai hội đã lần đầu tiên diễn ra vào buổi tối, thay vì buổi sáng như mọi năm. Tại đây, khán giả đã ngược dòng thời gian, trở về bối cảnh lịch sử của đất nước cuối thế kỷ 18 với sự rối loạn của triều đình, của giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, đất nước chia cắt đàng trong - đàng ngoài, khí thế hừng hực trong các cuộc chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn... Khán giả có lúc sẽ như đang trong cuộc hành quân thần tốc của vị anh hùng Quang Trung, xung quanh là voi, ngựa, giáo mác, cung tên... có khi như đang đứng trên chiến thuyền trong trận chiến Rạch Gầm - Xoài Mút, có khi lại như đang hân hoan trong khúc khải hoàn của nhân dân Thăng Long vào mùa xuân Kỷ Dậu 1789.

Công nghệ 3D mapping tái hiện các màn sử thi tại lễ hội gò Đống Đa năm 2025

Công nghệ 3D mapping tái hiện các màn sử thi tại lễ hội gò Đống Đa năm 2025

Với sự giúp sức của công nghệ 3D mapping và sự kết hợp của đa dạng hình thức thể hiện như: ca hát, xiếc, múa, đồng diễn trống… chương trình nghệ thuật mapping đã vẽ lại bức tranh oanh liệt bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh chân thực, sống động, ấn tượng, tôn vinh công lao vua Quang Trung. Chương trình là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, thể hiện sức hấp dẫn của công nghệ trên nền tảng các câu chuyện lịch sử, tạo nên làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới cho lịch sử trong nhịp sống đương đại, thu hút sự theo dõi của đông đảo nhân dân và du khách.

Là người tham gia biểu diễn trong chương trình nghệ thuật “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước”, chị Trương Thị Huyền (Đống Đa) cho biết, dù đã hơn chục năm nay góp mặt trong màn khai hội gò Đống Đa nhưng chưa năm nào chương trình diễn ra với quy mô lớn như vậy. Khi kết hợp với công nghệ trình chiếu, chương trình nghệ thuật như một màn sử thi hoành tráng. “Tôi kỳ vọng sự kiện này sẽ tạo tiếng vang không chỉ tại Hà Nội mà sẽ vươn ra quốc tế, để bạn bè thế giới biết thêm câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc” - chị Huyền nói.

Dùng mã QR để quản lý đò chở khách

Trong mùa lễ hội năm nay, Hà Nội là một trong những địa phương tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, tổ chức lễ hội. Tiêu biểu nhất là Lễ hội chùa Hương. Kể từ khi phát hành vé điện tử, Lễ hội chùa Hương không còn hình ảnh nhốn nháo, mất trật tự hay ghi nhận phản ánh của du khách về tình trạng chèo kéo đi đò, chặt chém, thiếu minh bạch về giá cả, dịch vụ... Năm 2025, điểm mới về ứng dụng công nghệ trong Lễ hội chùa Hương chính là mã QR để quản lý đò chở khách. Mỗi thuyền sẽ có một mã QR để du khách phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò. Thời gian phục vụ du khách là từ 4h30 - 20h hàng ngày. Ban tổ chức đã tích hợp vé thắng cảnh và vé đò để đảm bảo sự thuận tiện cho du khách khi tham quan, giảm thiểu các đầu mối phát hành và kiểm soát vé.

Áp dụng quét mã QR trong quản lý đò ở lễ hội chùa Hương

Áp dụng quét mã QR trong quản lý đò ở lễ hội chùa Hương

Ông Bùi Văn Triều - Trưởng Ban Quản lý di tích và thắng cảnh Hương Sơn cho biết, Ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương năm 2025 thực hiện niêm yết giá vé công khai, vé thắng cảnh và vé đò được tích hợp để bảo đảm thuận tiện cho du khách về tham quan lễ Phật. Năm nay có khoảng 4.000 xuồng đò được chuẩn bị, tất cả đều sơn đồng màu, có đầy đủ áo phao, giỏ đựng rác, ô che, ghế ngồi, nước uống miễn phí... Các xã viên lái đò đều có mã QR để hợp tác xã quản lý, tương tác thông tin về thái độ phục vụ.

Quét mã QR ở di tích quốc gia đền Củi (Hà Tĩnh)

Quét mã QR ở di tích quốc gia đền Củi (Hà Tĩnh)

Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ du lịch chùa Hương nhận định, nhờ áp dụng vé điện tử và dùng hệ thống máy tính phân bổ lượng khách đi đò nên lễ hội không còn tình trạng chèo kéo khách. Áp dụng vé điện tử giúp minh bạch, công khai, tránh tình trạng tranh chấp về giá vé. Các thuyền đò được xếp số thứ tự, các chủ đò có thu nhập cao hơn, đồng đều về thu nhập. Để áp dụng công nghệ vào quản lý lễ hội, ban quản lý đã dành thời gian để hướng dẫn, hỗ trợ các xã viên tiếp cận với cái mới. Theo đánh giá của du khách đi trảy hội chùa Hương, các lái đò đều thân thiện, nhiệt tình. Không còn tình trạng cò mồi, chèo kéo khách, các dịch vụ khá thuận tiện. Việc dùng mã QR cho mỗi chiếc đò sẽ cho phép du khách đánh giá chất lượng dịch vụ, giúp ban quản lý nắm tình hình và kịp thời hỗ trợ du khách nếu có vấn đề phát sinh. Điều này khá phù hợp với xu thế hiện nay khi phần lớn các dịch vụ tham quan, du lịch đều có hệ thống đánh giá trực tuyến.

Công khai, minh bạch tiền công đức

Không chỉ áp dụng công nghệ đối với các lễ hội, mã QR còn được áp dụng trong quản lý tiền công đức. Dù không phải là mới, nhưng việc sử dụng mã QR đang trở nên phổ biến hơn đối với khách thập phương đến hành lễ. Theo ghi nhận của phóng viên, thói quen gài tiền lên bàn thờ, tượng phật, đang dần thay đổi. Thay vào đó, du khách đã bỏ tiền vào hòm công đức. Với những người có thói quen không dùng tiền mặt, mã QR giúp họ bày tỏ lòng thành tâm một cách thuận tiện và minh bạch.

Có người đã nói vui rằng, công đức bằng hình thức chuyển khoản như thế này thì ngay cả thánh thần cũng rõ người gửi là ai, khỏi tốn công viết sớ, lại đỡ nhầm lẫn. Nói vậy để thấy, công đức không dùng tiền mặt không chỉ tiện lợi cho du khách mà còn tiện cho cơ quan quan quản lý vì dòng tiền ra vào hết sức công khai, rõ ràng. Bởi theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội (có hiệu lực thi hành từ ngày 19-3-2023) quy định rõ việc quản lý tiền công đức với cả hình thức dùng tiền mặt và chuyển khoản.

Theo đó, các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử. Với tiền mặt, cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận.

Nhờ thực hiện nghiêm túc, mà những con số về tiền công đức do du khách thập phương đóng góp đã được công khai. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2023, số tiền công đức trên cả nước thu về 4.100 tỷ đồng (không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo). Trong đó, số thu tại các di tích là cơ sở tín ngưỡng 3.062 tỷ đồng (75%).

Có 63 di tích thu trên 5 tỷ đồng, trong đó có 28 di tích thu trên 10 tỷ đồng, cao nhất là 7 di tích thu trên 25 tỷ đồng, gồm: Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (An Giang) 220 tỷ đồng; đền Bảo Hà ở Bảo Yên (Lào Cai) 71 tỷ đồng; Khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) 34 tỷ đồng; đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn (Thanh Hóa) 28 tỷ đồng; Đền Hùng ở Phú Thọ 26 tỷ đồng và 2 di tích ở Hà Nội là đình La Khê ở Hà Đông 28 tỷ đồng và đền Trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) ở Mỹ Đức 33 tỷ đồng.

Chỉ với một thay đổi trong quản lý tiền công đức đã làm lợi cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, những người đi lễ thấy số tiền mình ủng hộ được công khai, sử dụng đúng mục đích tu bổ, tôn tạo di tích, do đó sẽ yên tâm và tin tưởng hơn. Cùng với đó, những hành vi đúng mực trong thực hành tín ngưỡng và đi lễ đầu năm sẽ góp phần tạo nên một mùa lễ hội văn minh.

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công tác quản lý, tổ chức lễ hội ngày càng đi vào nề nếp

Ngay từ đầu năm, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ra chỉ đạo đối với công tác quản lý và tổ chức các lễ hội Xuân Ất Tỵ 2025 là phải thực hiện nghiêm theo quy định, bảo đảm an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân các địa phương. Trên cơ sở đó, Cục Văn hóa cơ sở đã khẩn trương ban hành công văn hướng dẫn cụ thể các biện pháp tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2025 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Đồng thời, đối với địa phương có nhiều lễ hội tập trung đông người như Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nam Định, Phú Thọ, Cục cũng đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao của địa phương tăng cường quản lý nhà nước về lễ hội cụ thể.

Chúng tôi tin tưởng công tác quản lý, tổ chức lễ hội sẽ ngày càng đi vào nề nếp, khoa học và hiệu quả nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp lãnh đạo, sự hướng dẫn kịp thời của các bộ, ngành và sự nghiêm túc triển khai thực hiện của chính quyền địa phương. Năm 2025, công tác quản lý, tổ chức lễ hội cần tiếp tục kế thừa thành tựu năm 2024, thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Các lễ hội truyền thống phải được tổ chức theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu.

Ban Tổ chức cần thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. Với lễ hội đông người, cần có phương án bảo đảm an toàn tuyệt đối và xử lý nhanh các tình huống phát sinh. Đồng thời, phải ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi, kích động bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục hoặc biến tướng tín ngưỡng, mê tín dị đoan. Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong quản lý, tổ chức lễ hội để phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp tích cực vào đời sống xã hội.

Phạm Hương (Ghi)

Không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí

của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về lễ hội theo phân cấp về thẩm quyền; thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11-12-2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025; Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18-12-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Khai hội Xuân Yên Tử 2025

Đồng thời, chỉ đạo ban tổ chức lễ hội tại các địa phương thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP; Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3-8-2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tổ chức lễ hội bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý, không tổ chức lễ hội tràn lan gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của nhân dân, xã hội và Nhà nước; rà soát khu vực dịch vụ bảo đảm không lấn chiếm khuôn viên di tích; thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn sông nước, phòng, chống cháy nổ và vệ sinh công cộng. Yêu cầu các địa phương tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về giá trị, ý nghĩa đích thực của nghi lễ truyền thống trong các hoạt động lễ hội. Thanh, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/xay-dung-nhung-net-moi-van-minh-trong-le-hoi-xuan-post602953.antd