Xây dựng OCOP gắn với 'câu chuyện sản phẩm'

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là giải pháp quan trọng trong phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các tổ chức kinh tế tập thể và tư nhân thực hiện. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm OCOP nhằm tạo giá trị bền vững và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hàng hóa - kinh tế thị trường tại địa phương là chuyển tải những giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP, xây dựng 'câu chuyện sản phẩm' thú vị, tạo 'sức mạnh mềm' thành đòn bẩy tiêu thụ sản phẩm.

Câu chuyện sản phẩm “Sinh ra từ làng” của Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy gây ấn tượng với khách hàng.

Lấy con người làm trung tâm

Hiện nay, Chương trình OCOP đang hướng tới mục tiêu khuyến khích người dân làm sống lại các giá trị tốt đẹp của quê hương, qua đó làm tăng thu nhập và cải thiện bộ mặt nông thôn. Thông qua chương trình OCOP, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, đặc biệt là bảo tồn và phát triển nhiều làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Quyết định số 1048 ngày 20/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP, gồm nhiều tiêu chí, chỉ tiêu. Riêng phần “câu chuyện sản phẩm” chiếm 10 điểm/100 điểm.

“Câu chuyện sản phẩm” là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua nhằm thay đổi cảm xúc của họ khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ, có thể tạo nên thương hiệu của sản phẩm, mang đến suy nghĩ vượt ra ngoài tiện ích và chức năng của sản phẩm, dịch vụ. Nó mang giá trị vô hình, có thể chạm đến cảm xúc và trái tim của khách hàng, thay đổi hành vi của khách hàng, trở thành một phần lý do họ mua hàng. Với OCOP, thông điệp đó còn mang cả niềm tự hào của các vùng quê về những sản vật của họ. “Câu chuyện sản phẩm” là lý do tạo nên sự khác biệt và cuốn hút mọi người.

Sản phẩm mỳ gạo của HTX Mỳ gạo Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì) có thương hiệu “Sinh ra từ làng”. Đây là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành như Điện Biên, Thanh Hóa, Hà Nội, Yên Bái… và có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn như Big C, Winmart, Co.opmart… và được xuất khẩu. Qua đó, đã giúp cho nhiều lao động địa phương có việc làm và thu nhập ổn định, đời sống ngày càng khấm khá, sản phẩm từ hạt gạo tăng thêm giá trị.

Giám đốc HTX Cao Đăng Duy gắn bó với thương hiệu trên kể từ khi HTX Mỳ gạo Hùng Lô được thành lập năm 2016. Trước đó, mỳ gạo Hùng Lô đã là sản phẩm truyền thống có chỗ đứng nhất định nhưng tới tận khi gắn với thương hiệu “Sinh ra từ làng” sản phẩm này mới thực sự “cất cánh”. Được biết slogan “Sinh ra từ làng” gắn với Cao Đăng Duy từ chương trình cùng tên của VTV6 (Đài truyền hình Việt Nam) - được khán giả biết đến rộng rãi nhờ giới thiệu các gương thanh niên nông thôn thành công tại địa phương nhờ phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp. Nhờ khéo léo tận dụng sức mạnh truyền thông và xây dựng câu chuyện cá nhân với hình ảnh con người là trung tâm, Cao Đăng Duy đã thành công tạo dấu ấn thương hiệu khó quên của sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng, với bộ nhận diện trên mỗi bao bì sản phẩm là slogan “Mỳ gạo sinh ra từ làng” cùng hình ảnh của chính vị giám đốc HTX trẻ yêu nghề truyền thống.

Rút ra kinh nghiệm thực tế, Giám đốc HTX Mỳ gạo Hùng Lô Cao Đăng Duy nhận xét: Bí quyết để xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP thành công là chuyển tải tính nhân văn vào trong sản phẩm OCOP; tiếp cận dựa trên nguyên tắc lấy con người làm trung tâm, kết hợp hài hòa giá trị truyền thống và văn hóa mới và tạo nên tính đặc thù, riêng biệt để đưa vào sản phẩm OCOP.

Tương cổ Đất Tổ và nước cốt tương HOLUSA (xã Cao Xá, huyện Lâm Thao) được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao vào cuối tháng 9/2021. Đây là một trong số những sản phẩm xây dựng được thương hiệu riêng gắn với câu chuyện sản phẩm đặc sắc. Anh Cao Trung Thông - người sáng lập ra thương hiệu hai sản phẩm trên chia sẻ: Cần chuyển tải được giá trị nhân văn vào sản phẩm OCOP, đưa cốt lõi, tinh túy của tri thức, hiểu biết về văn hóa, đời sống vào trong sản phẩm, chuyển tải giá trị vô hình thành một sản phẩm hữu hình. OCOP chính là “báu vật” của từng làng quê. Mỗi sản phẩm có thể có quy mô không lớn, nhưng lại độc đáo, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng, kỹ năng của người làm ra. Đây chính là then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường.

Dưa lưới Nhật của HTX nông nghiệp công nghệ cao Ecofarm (TP Việt Trì).

“Sức mạnh mềm” - đòn bẩy tiêu thụ sản phẩm

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ có 78 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt chứng nhận Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) cấp tỉnh, trong đó có 48 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt hạng 3 sao và 30 sản phẩm hạng 4 sao. Các sản phẩm OCOP không chỉ mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản” - Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Thực tế cho thấy các hộ sản xuất nhỏ, kể cả HTX, doanh nghiệp nhỏ khó có thể cạnh tranh với các đơn vị sản xuất quy mô lớn, cũng không thể bỏ tiền để quảng cáo hàng ngày, quy mô sản xuất cũng khó đủ lượng để phủ hàng ngàn siêu thị trên cả nước. Do đó, OCOP phải khai thác tiếp cận thị trường theo một cách khác, đó là dựa vào chính sự đặc sắc có tính bản địa của sản phẩm. “Câu chuyện sản phẩm” chính là công cụ hiệu quả để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP.

Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp và triển khai hiệu quả chương trình OCOP. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp đơn vị tư vấn, UBND các huyện, thành, thị, hỗ trợ tư vấn cho 51 chủ thể có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP về phát triển sản phẩm và hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm. Trong giai đoạn tới đây, “câu chuyện sản phẩm” vẫn chiếm tỷ lệ điểm số cao trong thang điểm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Xây dựng “câu chuyện sản phẩm” có thể giúp giá sản phẩm OCOP tăng lên nhiều lần. Mà muốn làm tốt, phải xuất phát từ chính niềm tự hào của người dân, của cộng đồng về sản phẩm đó.

Theo kế hoạch, năm 2022 tỉnh Phú Thọ phấn đấu có thêm 56 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao trở lên. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 124 sản phẩm đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao trở lên. Phấn đấu có ít nhất 40% sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, hình thành chuỗi, có sản lượng cung ứng thường xuyên, ổn định, hiệu quả kinh tế, được kết nối liên kết tiêu thụ với các siêu thị, trung tâm thương mại; hỗ trợ xây dựng thêm 1 - 2 điểm quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tua, tuyến du lịch, lễ hội trong tỉnh.

Thời gian tới, cần chú trọng đưa công tác truyền thông “đi trước một bước”, mục tiêu là khơi gợi được niềm tự hào của chủ thể, của cộng đồng địa phương để bảo tồn, phát triển sản phẩm đó. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, xây dựng các bộ bài giảng cho nhóm đối tượng, nhóm sản phẩm, từng khâu trong chuỗi giá trị OCOP. Tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại là giải pháp đặc biệt quan trọng giúp cho sản phẩm OCOP tồn tại, phát triển; qua đó tôn vinh cho các sản phẩm có câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện đặc sắc bản địa; tạo nguồn vốn và tâm thế hứng khởi giúp người dân tái đầu tư phát triển sản phẩm mới, góp phần bảo tồn được giá trị OCOP, giá trị của văn hóa bản địa.

Tài nguyên bản địa được nhận diện và phát huy hiệu quả bước đầu gắn với “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” đã tạo nên giá trị kinh tế cao hơn, mang lại đời sống khá giả hơn cho nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh trong những năm qua. Tích hợp đưa những giá trị nhân văn vào trong sản phẩm OCOP để biến chúng thành niềm tự hào của văn hóa địa phương, xây dựng “câu chuyện sản phẩm” thấm đẫm hồn cốt của hơi thở cuộc sống và con người tạo nên sản phẩm sẽ tạo nên “sức mạnh mềm” trở thành đòn bẩy tiêu thụ hiệu quả.

Huy Lê

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/xay-dung-ocop-gan-voi-cau-chuyen-san-pham/186348.htm