Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm dưa
Xác định xây dựng thương hiệu là một trong những khâu quan trọng nhằm định vị giá trị, đặc điểm sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường. Thời gian qua, cùng với việc duy trì diện tích các giống dưa truyền thống, người dân và các địa phương trên địa bàn tỉnh đưa nhiều giống dưa mới năng suất, chất lượng và phù hợp với thị hiếu của người dùng vào sản xuất. Đồng thời, nỗ lực xây dựng thương hiệu để các sản phẩm dưa có sức cạnh tranh trên thị trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Là một trong những vùng có truyền thống canh tác dưa lê nếp, nông dân xã Định Bình (Yên Định) đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm dưa lê ngọt, thanh mát và sản lượng cao. Tuy nhiên, sản phẩm dưa lê của địa phương chủ yếu tiêu thụ tự do, không có dấu hiệu nhận biết để phân biệt với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Ông Nguyễn Hùng Thúy, Chủ tịch UBND xã Định Bình, cho biết: Hằng năm, người dân trên địa bàn phát triển khoảng 20 ha dưa lê nếp, sản lượng khoảng 40 tấn. Tuy nhiên, sản phẩm chưa tạo được sức cạnh tranh trên thị trường để nâng cao giá trị kinh tế. UBND xã đã xây dựng vùng sản xuất dưa lê nếp theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu với tên “Dưa lê nếp Bạch Dương”. Đồng thời, xây dựng dưa lê nếp Bạch Dương trở thành sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Hiện sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc qua mã QR code, được tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng nông sản sạch và các chuỗi liên kết nông sản an toàn. Giá trị kinh tế từ cây dưa lê hàng năm đạt khoảng 2,5 tỷ đồng.
Sau nhiều năm tìm loại cây trồng để thay thế cho rau màu truyền thống, năm 2019, gia đình anh Trần Văn Thanh, xã Xuân Dương (Thường Xuân) đã mạnh dạn đầu tư hơn 450 triệu đồng, xây dựng gần 2.000 m2 nhà lưới để trồng dưa Kim Hoàng Hậu và dưa chuột baby Nhật Bản. Đây là những loại cây trồng mới, đòi hỏi quy trình kỹ thuật canh tác, chăm sóc khắt khe. Sau thời gian sản xuất thử nghiệm, nhận thấy giá trị kinh tế của 2 loại cây trồng mới này cao hơn 3 lần so với các cây trồng truyền thống. Anh Thanh, cho biết: Được chính quyền xã, huyện và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân hỗ trợ, hướng dẫn nên gia đình đã đăng ký tiêu chuẩn VietGAP cho các sản phẩm dưa của mình. Sau khi có chứng nhận tiêu chuẩn sản xuất, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, đầu mối thu mua lớn đã tìm đến ký hợp đồng. Gia đình luôn duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và xây dựng nhãn hiệu, đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm để từng bước hướng đến siêu thị và các thị trường tiêu thụ lớn hơn.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 ha trồng dưa các loại. Khi các địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, áp dụng nhà màng, nhà lưới để tăng năng suất, sản lượng cho các loại cây trồng, nhiều loại dưa mới được du nhập, như: dưa Kim Hoàng Hậu, kim cô nương, dưa lưới Taki,... Hàng năm, tổng sản lượng từ cây dưa đạt hơn 42.000 tấn, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng. Nhờ đó, dưa đã trở thành cây trồng ưu thế, đối tượng chủ lực trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương. Tính đến tháng 4-2023, toàn tỉnh có 23 sản phẩm dưa được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, những sản phẩm dưa mặc dù được chứng nhận OCOP song chưa tạo được điểm nhấn khác biệt so với những sản phẩm cùng loại. Hơn nữa, khi diện tích sản xuất cây dưa mở rộng, sản lượng ngày càng tăng đặt ra vấn đề trong khâu tiêu thụ.
Việc xây dựng thương hiệu để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm dưa trên thị trường đang trở thành yêu cầu tất yếu. Theo đó, bên cạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, bảo quản, chế biến, các địa phương cần khuyến khích sản xuất dưa theo quy mô lớn, áp dụng các chứng nhận về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu, các sàn giao dịch thương mại điện tử để đưa sản phẩm ra thị trường, từng bước khẳng định được thương hiệu cho các sản phẩm dưa xứ Thanh.