Xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP
Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn tỉnh Hà Nam đã có 41 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 16 sản phẩm OCOP 4 sao và 25 sản phẩm OCOP 3 sao. Sau khi được công nhận OCOP, các cơ sở đã duy trì và xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo chỗ đứng trên thị trường.
Năm 2019, Công ty cổ phần sữa Hà Nam (Hanamilk), xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên có 3 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao, đó là: sữa chua nếp cẩm, sữa chua và sữa tươi thanh trùng... Đây là các sản phẩm được chế biến từ nguồn sữa bò tươi từ trang trại bò sữa của doanh nghiệp tại Khu trang trại bò sữa kiểu mẫu thuộc xã Mộc Bắc, thị xã Duy Tiên. Đàn bò sữa hơn 100 con nuôi tại trang trại của doanh nghiệp không sử dụng cám công nghiệp, không hoocmon tăng trưởng, không thức ăn biến đổi gen, không tồn dư kháng sinh. Khi chế biến sữa không dùng chất bảo quản và hương liệu.
Bà Trần Thị Thanh Thoan, Giám đốc Công ty cổ phần sữa Hà Nam cho biết, sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của Hanamilk đã mở rộng hơn. Hiện nay, sản phẩm sữa mang nhãn hiệu Hanamilk đã có mặt tại trên 300 siêu thị, cửa hàng khắp các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung như: hệ thống siêu thị BigC, Lan Chi, Coopmart, Coopfood, Sevenfood...; chuỗi cửa hàng sản phẩm sạch Bác Tôm, Ecofood, Bigreen, Đồng Xanh, Rau Quê - Bắc Binh, An Phú - Đà Nẵng… Năm 2020, sản lượng sữa cung cấp ra thị trường của Công ty tăng hơn 30% so với năm 2019. Đây chính là động lực quan trọng để doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng số lượng đàn bò sữa trong thời gian tới.
Hợp tác xã Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2020, gồm: cá kho, chả cá rô phi và ruốc cá trắm cỏ.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Sông trong ao Hải Đăng cho biết, để được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, các sản phẩm cá kho, chả cá rô phi và ruốc cá trắm của của Hợp tác xã đã thực hiện nghiêm ngặt các điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm này đều được sản xuất theo chuỗi khép kín, theo hướng từ trang trại đến bàn ăn. Cá được nuôi theo công nghệ “sông trong ao”, vận động liên tục, không tiếp xúc trực tiếp với bùn đáy, sinh trưởng trong môi trường trong sạch và kiểm tra chất lượng các yếu tố đầu vào nên thịt cá rất săn chắc và thơm ngon.
Cùng với việc nỗ lực xây dựng uy tín về chất lượng, Hợp tác xã cũng chú trọng cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh cũng như gia tăng giá trị sản phẩm. Sản phẩm đang được bán tại một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh và bán hàng online. Từ hiệu quả ban đầu, năm 2021, Hợp tác xã đã đầu tư xây dựng thêm 2 bể nuôi cá; đồng thời, tiếp tục đầu tư thêm máy móc hiện đại để chế biến sản phẩm.
Trang trại Mục Đồng, xã Trác Văn, thị xã Duy Tiên có 2 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là sữa tươi thanh trùng và sữa chua. Các sản phẩm này đều được chế biến từ nguồn sữa bò tươi sạch của trang trại.
Bà Nguyễn Thị Thịnh, chủ Trang trại Mục Đồng cho biết, sau gần 2 năm được công nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm của Trang trại Mục Đồng đã tạo được chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường. Doanh thu của trang trại đạt 8-10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài thị trường tiêu thụ trong tỉnh, trang trại đã thành công trong việc đưa sản phẩm vào cửa hàng bán lẻ ở nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Lào Cai…
Nhiều sản phẩm khác của các cơ sở tại Hà Nam khi được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cũng đã từng bước khẳng định được thương hiệu trên thị trường như: bún, miến chùm ngây, cá kho Nhân Hậu; bánh đa nem làng Chều; rượu Vọc, rượu nếp cái hoa vàng, mật ong rừng Miền Bắc… Bởi khi được công nhận OCOP, các cơ sở sản xuất đã quan tâm hơn trong việc đầu tư nâng cao chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, được người tiêu dùng tin tưởng đón nhận.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng, Chương trình OCOP hướng tới mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 150 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên. Để chương trình phát huy hiệu quả, UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP. Các cơ sở sản xuất có sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cũng cần chủ động, mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng để khẳng định thương hiệu của sản phẩm trên thị trường.