Xây dựng trường học hạnh phúc - Thước đo chất lượng và uy tín của cơ sở giáo dục

Mô hình 'trường học hạnh phúc' lan tỏa mạnh mẽ tại THCS Thanh Hưng, huyện Điện Biên, trở thành động lực đổi mới giáo dục vùng khó.

Nụ cười hạnh phúc của thầy và trò.

Nụ cười hạnh phúc của thầy và trò.

Trong những năm gần đây, khái niệm “trường học hạnh phúc” không còn xa lạ với ngành giáo dục Việt Nam. Được khơi nguồn từ mô hình Happy School của UNESCO và chính thức được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2019, mô hình này nhanh chóng lan tỏa trên khắp cả nước, trở thành kim chỉ nam cho công cuộc đổi mới giáo dục toàn diện. Hơn cả một khẩu hiệu, “trường học hạnh phúc” là khát vọng về một môi trường giáo dục nhân văn, nơi học sinh, giáo viên và phụ huynh đều tìm thấy niềm vui, sự sẻ chia và ý nghĩa trong mỗi ngày đến trường.

Vậy, làm thế nào để xây dựng trường học hạnh phúc?

Câu hỏi ấy là trăn trở thường trực của các nhà trường, và cũng là thách thức lớn đối với tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS xã Thanh Hưng, một ngôi trường vùng biên của huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên), nơi đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tình hình chính trị - xã hội có nhiều phức tạp, cơ sở vật chất thiếu thốn. Dẫu vậy, bằng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sáng tạo và khát khao đổi mới, tập thể nhà trường đã từng bước hiện thực hóa mô hình đầy ý nghĩa này.

Xuất phát từ định hướng phát triển bền vững, bên cạnh việc nâng cao chất lượng chuyên môn, Trường THCS xã Thanh Hưng xác định rõ mục tiêu xây dựng môi trường học tập tích cực, thân thiện, hướng đến một mô hình “Trường học hạnh phúc – Thầy cô hạnh phúc – Học sinh hạnh phúc”.

 Giờ học tích cực – Thắp lửa đam mê.

Giờ học tích cực – Thắp lửa đam mê.

Để mô hình không dừng lại ở khẩu hiệu hay phong trào nhất thời, nhà trường chú trọng nâng cao nhận thức cho toàn thể đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, học sinh và phụ huynh về việc kiến tạo một môi trường học tập nhân văn, lành mạnh và tiến bộ, dựa trên ba trụ cột: Yêu thương – An toàn – Tôn trọng.

Tại đây, mỗi học sinh đều cảm nhận được niềm vui đến trường từ những điều giản dị nhất: ánh mắt quan tâm, nụ cười chân thành của bạn bè; lời động viên kịp thời của thầy cô; những bài giảng hấp dẫn, sân chơi bổ ích giúp phát huy năng lực và sở trường cá nhân; phong cách gần gũi, mẫu mực nhưng giàu yêu thương của thầy cô giáo... Tất cả tạo nên những “hạt mầm hạnh phúc” được nuôi dưỡng mỗi ngày.

Dù điều kiện còn nhiều khó khăn, nhà trường vẫn dành ưu tiên cao cho công tác bồi dưỡng đội ngũ. Nhờ đó, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Trường có tỷ lệ giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh rất cao; nhiều thầy cô là cán bộ cốt cán chuyên môn của Phòng và Sở GD&ĐT. Chính họ là những người truyền cảm hứng học tập, là hình mẫu để học sinh noi theo.

 Học sinh nhà trường nhận quà của nhà trường và các mạnh thường quân.

Học sinh nhà trường nhận quà của nhà trường và các mạnh thường quân.

Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh trong những năm qua cũng rất ấn tượng: tỉ lệ chuyển lớp và tốt nghiệp lớp 9 đạt 100%; điểm tuyển sinh vào lớp 10 luôn thuộc nhóm đầu toàn tỉnh. Năm học 2023–2024, điểm trung bình tuyển sinh lớp 10 đứng thứ 7 toàn tỉnh, đứng đầu huyện Điện Biên. Trong 5 năm qua, học sinh nhà trường giành được 378 giải cấp trường, 316 giải cấp huyện và 101 giải cấp tỉnh ở các kỳ thi học sinh giỏi.

Lan tỏa niềm vui đến trường bằng hoạt động trải nghiệm và văn hóa ứng xử

Không chỉ chú trọng chuyên môn, Trường THCS xã Thanh Hưng còn đặc biệt quan tâm xây dựng một môi trường học đường an toàn, thân thiện, nơi học sinh được là chính mình và phát triển toàn diện. Các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế như giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh tai nạn đuối nước, hội thi “Rung chuông vàng”, giao lưu văn nghệ - thể thao… được tổ chức thường xuyên. Trường còn thành lập các câu lạc bộ sở thích như: CLB cờ vua, nghệ thuật, bóng đá, cầu lông... tạo điều kiện cho học sinh phát huy năng khiếu, tỏa sáng tại các sân chơi.

 Học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi phong trào.

Học sinh đạt giải cao tại các cuộc thi phong trào.

Những kết quả đáng tự hào đã được ghi nhận: giải Nhất cuộc thi “Âm vang Điện Biên” năm 2024; giải Ba cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” năm 2025; giải Nhất chuyên đề video và 1 giải Nhì, 1 giải Ba trong cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2025. Ở các giải thể thao cấp huyện, tỉnh và quốc gia, học sinh nhà trường cũng thường xuyên giành nhiều huy chương.

Song song với việc phát triển trí tuệ và kỹ năng, nhà trường còn chú trọng đến không gian học tập thân thiện, gần gũi. Từ những bức tường được vẽ tranh sinh động, các góc sân được bố trí khoa học đến khu vui chơi, sinh hoạt chung được đầu tư chăm chút… tất cả đều mang đến cho học sinh cảm giác ấm áp, an toàn và hứng khởi khi đến trường.

Đặc biệt, để lan tỏa hạnh phúc một cách bền vững, nhà trường xây dựng văn hóa ứng xử tích cực thông qua bộ quy tắc ứng xử rõ ràng, nhân văn. Mỗi giáo viên, học sinh và cán bộ nhân viên đều được khuyến khích phát huy điểm mạnh, được trao gửi và đón nhận yêu thương, được làm điều mình yêu thích và cảm thấy mình có giá trị. Từ đó, hình thành nên những mối quan hệ tích cực, gắn bó giữa thầy với trò, giữa học sinh với nhau, giữa nhà trường và gia đình.

 Học sinh tự tin tỏa sáng trong mọi sân chơi.

Học sinh tự tin tỏa sáng trong mọi sân chơi.

Nền tảng cho một thế hệ vững vàng bước tới tương lai

Hành trình xây dựng “trường học hạnh phúc” tại Trường THCS xã Thanh Hưng là minh chứng sống động cho chân lý: Dù ở đâu, điều kiện ra sao, nếu có khát vọng, sự đồng lòng và chiến lược phù hợp, hạnh phúc trong giáo dục hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Thành công ấy không chỉ là kết quả của sự đổi mới giáo dục, mà còn là nền tảng để nuôi dưỡng một thế hệ học sinh biết yêu thương, biết trân trọng giá trị sống, vững vàng vươn mình hội nhập. Và mai này, khi rời xa mái trường, trong tim mỗi học trò Thanh Hưng sẽ luôn lưu giữ hình ảnh về một ngôi trường chan chứa yêu thương – nơi gieo trồng những mầm xanh hạnh phúc cho tương lai.

Trường THCS xã Thanh Hưng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-thuoc-do-chat-luong-va-uy-tin-cua-co-so-giao-duc-post732232.html