Xây dựng văn hóa số nhân văn, hiện đại, dân chủ, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc
Cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề số hóa và chuyển đổi số đã và đang diễn ra nhanh chóng trên mọi lĩnh vực, trở thành xu thế không thể đảo ngược. Do vậy, để kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế sâu rộng nhưng vẫn giữ bản sắc, văn hóa truyền thống đòi hỏi văn hóa số phải được coi trọng, hình thành quy tắc ứng xử văn minh, lành mạnh, có trách nhiệm trong cộng đồng xã hội.
Nhận diện các biểu hiện lệch lạc, lệch chuẩn văn hóa trên môi trường số, không gian mạng
Lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng hàng nghìn năm của dân tộc ta đã tích lũy, vun đắp nên nền văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, kết tinh thành sức mạnh nội sinh góp phần cố kết tinh thần đoàn kết vững chắc, đưa dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt nhất để đi đến những thắng lợi vẻ vang.
Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet giúp kết nối toàn cầu, kết nối vạn vật, kết nối con người trở nên nhanh chóng, dễ dàng trên nhiều lĩnh vực, ở quy mô không giới hạn, vượt qua khoảng cách không gian, thời gian đã tác động mạnh mẽ và làm biến đổi nhiều hệ giá trị văn hóa của Việt Nam.
Dù các giá trị cốt lõi, truyền thống của văn hóa vẫn được gìn giữ và phát huy, song sự phát triển của khoa học - công nghệ và kỹ thuật số, một mặt, đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức và góp phần mở rộng, cải thiện nhận thức của con người về thế giới quan xung quanh. Nhờ có khoa học - công nghệ, thông tin số hóa đã tạo môi trường, điều kiện để hình thành và phát triển xã hội hiện đại, làm cho tư duy, lối sống của người Việt Nam ngày một năng động hơn. Đưa văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển phong phú, đa dạng và làm cho cơ hội hưởng thụ văn hóa của người dân được tăng lên.
Mặt khác, trong nhiều năm qua, thông qua không gian mạng, đặc biệt là các nền tảng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok... các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT, Whisper… đưa khối lượng khổng lồ thứ được gọi là văn hóa nhưng thiếu khoa học, phản tiến bộ, “virus” văn hóa độc hoại… tấn công trực diện vào văn hóa truyền thống, phá hoại nền văn hóa dân tộc của đất nước, gây ảnh hưởng phức tạp đến đời sống tinh thần của Nhân dân.
Đáng quan ngại hơn, các sản phẩm văn hóa độc hại trên không gian mạng còn tác động rất xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận người dân, nhất là thế hệ thanh thiếu niên, giới trẻ, gây nguy cơ đứt gãy văn hóa, hủy hoại, làm xói mòn nền tảng và những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Hiện nay, sự quan trọng của không gian mạng, môi trường số trong đời sống xã hội, văn hóa là không thế bàn cãi. Nhưng sự lệch lạc, thiếu chuẩn mực trên môi trường mạng cũng đang ở mức đáng báo động, dẫn đến những ảnh hưởng nguy hại đối với nền tảng tinh thần của xã hội. Do đó, việc nhận diện, nhận thức đúng về các biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trên không gian mạng, những hành vi lệch lạc, tha hóa, lệch chuẩn, thông tin xấu độc trên internet, môi trường số là việc làm cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng trở nên phức tạp hơn, gay gắt hơn, trong đó, vấn đề chủ quyền văn hóa, an ninh con người đang được đặt ra vô cùng cấp bách và cần thiết.
Một là, hiện nay, văn hóa suy tôn “thần tượng” của một bộ phận thanh thiếu niên, lớp người trẻ, học sinh đang độ tuổi đi học là rất đáng lo ngại, ở mức báo động chung đối với toàn xã hội. Những thông tin thật giả lẫn lộn, đổi trắng thay đen, cổ súy, kích động bạo lực, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề xuất hiện ngày một nhiều và tràn lan, áp đảo dòng thông tin tốt, chính thống, tích cực trên các nền tảng mạng xã hội đã mang lại rất nhiều hệ lụy.
Những kẻ được coi là “giang hồ mạng” có nhiều tiền án, tiền sự hoạt động hằng ngày của các đối tượng này trên môi trường mạng lại thường xuyên được đăng tải, chia sẻ có nội dung rất nhảm nhí, rùng rợn, như: nói chuyện phiếm trên các nền tảng mảng xã hội (từ lóng là chém gió câu like, livestream trực tiếp trên mạng xã hội); múa quạt trong quán bar, quán karaoke; đập phá, đốt cháy xe máy; kể các câu chuyện khi đang chấp hành án phạt tù, chuyện đâm thuê chém mướn của các đối tượng cộm cán; tiểu sử giang hồ; dựng video clip giải cứu dung tục; xăm trổ, chửi bới, sống ngông cuồng, mại dâm, lô đề, cờ bạc… lại là các vấn đề lôi cuốn, thu hút hàng chục triệu lượt xem. Tương tác, chia sẻ của một bộ phận giới trẻ không biết phân biệt tốt xấu, lệch lạc trong nhận thức, xuống cấp về đạo đức, ảnh hưởng đến sự phát triển, hình thành nhân cách của các em học sinh khiến xã hội không thể không quan ngại.
Và ở góc độ lứa tuổi học trò nó thể hiện khả năng mất kiểm soát cảm xúc cá nhân, bấp bênh trong quan niệm đạo đức, lối sống dẫn đến những hành động đã vượt qua ngưỡng giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, hành vi vượt ra khỏi chuẩn mực chung xã hội văn minh, hiện đại.
Hai là, sự xuất hiện tràn lan của các hội, nhóm tiêu cực, cổ súy tư tưởng không lành mạnh trên các nền tảng mạng xã hội như: Hội những người dạy nhau cách trốn nợ, “bùng nợ” tín dụng, ngân hàng; vỡ nợ muốn làm liều... Các hội, nhóm này trên không gian mạng đang có xu hướng ngày càng gia tăng, có nguy cơ gây tác động xấu đối với người sử dụng mạng xã hội nói riêng và việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội nói chung, nhất là hình thành tư tưởng và phát triển nhân cách, đạo đức, lối sống ở nhóm đối tượng vị thành niên là lứa tuổi dễ theo những luồng tư tưởng mới, dễ bị tổn thương và kích động tâm lý.
Ba là, không ít người dùng công nghệ thông tin hiện đại bằng văn hóa thấp, gióng lên hồi chuông cảnh báo văn hóa trên không gian mạng mới đang ở giai đoạn mới hình thành đã có nguy cơ bị băng hoại, xuống cấp ở một bộ phận người dân. Họ tùy tiện chia sẻ, đăng tải thông tin thất thiệt trên môi trường mạng, ngay cả khi biết đó là những tin xấu độc, tin giả, thông tin thất thiệt chưa được kiểm chứng, sai sự thật trên mạng xã hội, xâm phạm đến danh dự, uy tín, lợi ích kinh tế của cá nhân, tổ chức, gây nên những tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, gia tăng tội phạm, mất trật tự an ninh xã hội.
Tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng thường có tiêu đề giật gân, thu hút, nội dung thường đề cập đến một vấn đề nóng mà mọi người quan tâm; thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng; thông tin xuất hiện từ tài khoản mạng xã hội có tên giống cơ quan báo chí, cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng vũ trang hoặc các trang web có tên miền không phải là tên miền của Việt Nam, máy chủ đặt tại nước ngoài…
Các nguồn tán phát này thường đăng thông tin không chính xác hay cố tình đăng tải một phần sự thật, cắt ghép thông tin, hình ảnh, lan truyền vì động cơ, mục đích xấu nào đó. Sau đó, các nguồn thứ phát là một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, có tâm lý dễ hoang mang, dao động tiếp tục đăng, chia sẻ nhưng không kiểm chứng, đồn đại, thêu dệt để “nâng tầm” câu chuyện. Thông qua sự lan truyền, chia sẻ các bài viết, thông tin dạng này ngày càng bị biến dạng, bóp méo dẫn đến sự sai lệch cho người đọc khi tiếp nhận.
Mặt khác, tin tức giả còn làm suy giảm niềm tin của công chúng, của Nhân dân vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và hệ thống chính trị, khiến cho công chúng không xác định được đâu là những nguồn đáng tin cậy để tiếp nhận... Đáng lưu ý, trong điều kiện các thế lực thù địch, cơ hội, phản động đang triệt để lợi dụng internet và mạng xã hội để tiến hành “diễn biến hòa bình” chống phá Việt Nam, điều này không chỉ làm gia tăng số lượng tin giả mà tính nguy hại của nó cũng tăng lên...
Bốn là, biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trên không gian mạng, đặc biệt là sự kết nối xuyên “biên giới” trên không gian mạng. Việc giao lưu, tiếp xúc văn hóa vẫn còn những lệch lạc, biểu hiện ở hiện tượng “sùng ngoại” và “lai căng” văn hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến thời kỳ hội nhập.
“Sùng ngoại” trong văn hóa có thể hiểu là sự đánh giá thái quá những yếu tố, sản phẩm, giá trị của nước ngoài; từ đó, dẫn đến cuồng tín, tôn sùng, theo đuổi trong nhận thức và hành động, hạ thấp, coi thường các sản phẩm, giá trị văn hóa trong nước. Còn “lai căng” văn hóa là sự tiếp thu sản phẩm, giá trị văn hóa nước ngoài trên không gian mạng để pha trộn, gán ghép một cách gượng ép, tùy tiện với các sản phẩm, giá trị văn hóa trong nước theo kiểu “dở tây dở ta”, hay nói cách khác, đó là sự bắt chước nước ngoài không có chọn lọc, gây phản cảm.
“Sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trên không gian mạng cổ súy cho lối sống dân chủ, thể chế chính trị tư sản phương Tây. Những biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa theo khuynh hướng xã hội công nghiệp hiện đại và mặt trái của kinh tế thị trường, như: chủ nghĩa thực dụng, đề cao cá nhân, lối sống hưởng thụ, thị hiếu thấp kém,… đi ngược lại với giá trị văn hóa truyền thống, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Nhân dân ta đã lựa chọn.
Không chỉ vậy, nó còn làm cho những giá trị đạo đức cốt lõi bị lung lay, ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhất là của giới trẻ hiện nay, tạo ra nhiều hệ lụy trong xã hội, làm cho nhiều người dễ dao động, buông xuôi trước sự tấn công của văn hóa ngoại lai xấu độc, gây khủng hoảng niềm tin, mất phương hướng trong lựa chọn các giá trị, lối sống1.
Do đó, trong bối cảnh giao lưu hội nhập quốc tế diễn ra sâu rộng, bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử trên không gian mạng cần tiếp tục phát huy thì việc nhận diện những hành vi lệch chuẩn như đã nêu ở trên là việc cần làm để đề ra những biện pháp, giải pháp, tạo hành lang, khung khổ pháp lý nhằm điều chỉnh, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh là vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đề xuất một số giải pháp cấp bách xây dựng, phát triển văn hóa số trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập văn hóa
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tiếp tục nhấn mạnh định hướng phát triển văn hóa và đất nước ta giai đoạn 2021 - 2030 là “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngày 24/11/2021, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta”2.
Trong các Cương lĩnh, văn kiện, nghị quyết của Đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng mạng xã hội nhiều nhất trên thế giới. Các nền tảng mạng xã hội, internet được đông đảo quần chúng nhân dân sử dụng thì việc xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng là việc làm rất cấp bách, cần khẩn trương quan tâm triển khai thực hiện.
Có thể nói, văn hóa số mới chỉ được đề cập trên dưới 10 năm trở lại đây, mới chỉ chiếm một giai đoạn rất ngắn trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, nhưng nếu chậm trễ, bỏ quên vai trò, nhiệm vụ xây dựng văn hóa số trong xã hội hiện đại thì sẽ gây nên hậu quả vô cùng khó lường cho trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, việc xây dựng hình ảnh con người Việt Nam tốt đẹp, tạo dựng hệ giá trị văn hóa trên các nền tảng số, môi trường mạng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, tạo ra nền tảng xây dựng xã hội Việt Nam trong thời đại mới vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.
Thứ nhất, nâng cao giáo dục ý thức người dân trên không gian mạng, xây dựng nền văn hóa số và người sử dụng công nghệ số, nền tảng số tại Việt Nam thực sự văn minh, hướng đến giá trị chân - thiện - mĩ, thấm nhuần tinh thần dân tộc.
Mỗi người dân cần chủ động trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trên môi trường mạng, tự hình thành ý thức “đề kháng” trước các thông tin xấu độc; không đăng phát, chia sẻ những thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến tình cảm, thái độ, hành vi của người dùng và có thể dẫn con người đến những bình luận, lời nói, việc làm, hành vi trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật; chủ động, khai thác và sử dụng không gian mạng để phục vụ những nhu cầu chính đáng như tìm hiểu kiến thức pháp luật, tìm kiếm tri thức, cập nhật những thông tin kinh tế, chính trị - xã hội từ các nguồn tin tức chính thống; không phát ngôn, bình luận “thiếu văn hóa”, không phù hợp với đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục tốt đẹp của Việt Nam… gây bất bình, tranh luận trong dư luận. Đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân trong kỷ nguyên số, hãy là người chia sẻ có trách nhiệm, cẩn trọng với những phát ngôn, lời nói trên không gian mạng.
Qua đó, “tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội Việt Nam… xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh tại Việt Nam”3.
Thứ hai, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi thiếu văn hóa, đăng tải tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Hiện nay, khung pháp lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng đã tương đối đầy đủ và hoàn thiện như: Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật An ninh mạng năm 2018; Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP…Tuy nhiên, thực tế hiện nay, tình trạng phát tán tin giả trên mạng xã hội vẫn diễn ra đáng báo động và đang diễn biến phức tạp theo chiều hướng gia tăng. Trên các nền tảng mạng xã hội vẫn tràn lan các tin tức tiêu cực, thất thiệt liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, bôi nhọ hình ảnh, uy tín các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước… gây tâm lý bất ổn trong xã hội, niềm tin của Nhân dân.
Bởi vậy, cần đồng bộ hóa, kịp thời điều chỉnh các quy định còn bất cập, tồn tại, chưa thống nhất trong hệ thống pháp luật về việc xử lý đối với các hành vi đăng tải tin giả, tin bịa đặt, thất thiệt trên mạng xã hội. Làm rõ, phân hóa trách nhiệm theo tính nghiêm trọng của hành vi, tăng mức phạt vi phạm hành chính, thậm chí nếu có yếu tố cấu thành tội phạm hình sự trên không gian mạng thì cần xử lý nghiêm, không để bỏ lọt tội phạm trên tinh thần “xử lý nghiêm một người, một vụ để cảnh tỉnh nhiều người”, tạo sự răn đe, nâng cao trách nhiệm của công dân đối với việc đăng tải, chia sẻ thông tin trên môi trường mạng.
Thứ ba, tăng cường vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, hình thành làn sóng “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” trong nội bộ và toàn xã hội, góp phần tích cực xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới, phát triển, hội nhập, gắn kết giá trị truyền thống với giá trị hiện đại, có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: “Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”4 để lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng, xây dựng tâm thế tích cực, nhận thức tích cực để có hành động tích cực ở mỗi con người.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển hệ thống thông tin ở cơ sở, đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Các cơ quan chức năng cung cấp dịch vụ mạng viễn thông, internet; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến… cần chủ động xây dựng các thuật toán, ứng dụng sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo để chủ động tìm kiếm, ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin xấu độc, các sản phẩm văn hóa, hiện tượng lệch lạc, lệch chuẩn, vi phạm pháp luật của Việt Nam.
Thứ tư, cần chú trọng xây dựng văn hóa thần tượng lành mạnh trong giới trẻ, xử lý nghiêm những nghệ sĩ, người có ảnh hưởng trong xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, việc làm trái với thuần phong mỹ tục.
Cụ thể, cần chú trọng việc giáo dục trong nhà trường, tạo môi trường tích cực để thanh thiếu niên rèn luyện được đạo đức, văn hóa, xây dựng lối sống lành mạnh, định hướng tư tưởng về việc nên thần tượng ai, thần tượng vì điều gì. Mặt khác, cần đẩy mạnh tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, gương về tri thức trên các lĩnh vực, các hành động thiện nguyện, giúp đỡ người yếu thế, người có hoàn thành khó khăn, hoạn nạn, tạo sự lan tỏa tích cực mạnh mẽ, nâng cao nhận thức cho giới trẻ, chắt lọc những điều tốt đẹp, lựa chọn những tấm gương đúng đắn để thần tượng, noi theo.
Thứ năm, cần có giải pháp chống lại sự xâm lấn, vi phạm chủ quyền quốc gia trên môi trường số, không gian mạng. Vì vậy, trong hội nhập, giao lưu và hợp tác quốc tế cần tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa, văn minh của nhân loại, đồng thời phải bảo vệ, bảo toàn các giá trị tốt đẹp, cao quý của nền văn hóa Việt Nam. Kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, giữa sự năng động, hiện đại với truyền thống giàu bản sắc, giữa xây để chống việc xâm lấn các sản phẩm văn hóa không phù hợp với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Giữ vững an ninh văn hóa nói chung và văn hóa số nói riêng, đảm bảo tinh thần đoàn kết dân tộc; đồng thời qua không gian mạng không ngừng củng cố, xây dựng hình ảnh Việt Nam hùng cường trên trường quốc tế, nâng cao vị thế dân tộc Việt Nam.v
Chú thích:
1. Bài viết “Biểu hiện “sùng ngoại”, “lai căng” văn hóa trên không gian mạng - cần đấu tranh, bác bỏ”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân đăng ngày 11/7/2022, tác giả Thượng tá, TS. Bùi Xuân Quỳnh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng ( http://tapchiqptd.vn/vi/phong-chong-dbhb-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa/bieu-hien-sungngoai-lai-cang-van-hoa-tren-khong-gian-mang-can-dau-tranh-bac-bo/18923.html).
2. Toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, (https://vietnamnet.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-tai-hoi-nghi-van-hoa-toan-quoc-795986.html).
3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Quyết định số 874/QĐ/BTTTT ngày 17/6/2021 về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.
4. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.