Xây 'nền' cho thị trường carbon: Việt Nam tính kỹ từng bước

Sáng 16/4 tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo tham vấn đánh giá tác động thị trường carbon trong nước của Việt Nam trong giai đoạn thí điểm.

Hội thảo với sự tham dự của đại diện các bộ: Công Thương, Tài Chính, Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường cùng đại diện một số đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội và các bên liên quan.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ hỗ trợ kỹ thuật: “Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam” do Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức.

Các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo

Các đại biểu, chuyên gia tham dự hội thảo

Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn là các văn bản pháp lý quan trọng nhằm thiết lập thị trường carbon của Việt Nam.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 232/QĐ-TTg ngày 24/1/2025 phê duyệt Đề án Thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, trong đó xác định lộ trình triển khai thị trường carbon tại Việt Nam bao gồm giai đoạn thực hiện thí điểm từ năm 2025 đến hết năm 2028 và giai đoạn vận hành chính thức từ năm 2029.

Theo các chuyên gia tư vấn, để vận hành hiệu quả thị trường carbon từ giai đoạn thí điểm, cần thiết phải cân nhắc các phương án thiết kế và quản lý thị trường, đánh giá tác động của từng phương án và lựa chọn phương án tối ưu, đảm bảo hài hòa giữa nhu cầu phát triển kinh tế và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Điều này nhằm đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả tối ưu và minh bạch khi vận hành chính thức.

Các chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo

Các chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo

Để cung cấp cơ sở khoa học phục vụ quá trình xây dựng và lựa chọn mô hình thiết kế và quản lý thị trường carbon (ETS) của Việt Nam, Hỗ trợ kỹ thuật “Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam” đã được Văn phòng Dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) tài trợ trong khuôn khổ Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP), nhằm hỗ trợ Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Mục tiêu chính của hỗ trợ kỹ thuật là thực hiện phân tích sâu và mô hình hóa tác động của các phương án quản lý tín chỉ carbon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK), cung cấp đầu vào cho việc xây dựng khung pháp lý quốc gia nhằm vận hành thị trường carbon tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu - phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho biết: Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hỗ trợ kỹ thuật: “Đánh giá tác động của hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon tại Việt Nam”, hỗ trợ kỹ thuật này có mục tiêu quan trọng là phân tích, xây dựng mô hình và đánh giá tác động của các phương án thiết kế, quản lý khác nhau cho thị trường carbon, từ đó đưa ra những khuyến nghị để Cục Biến đổi khí hậu xem xét trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp lý và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc vận hành hiệu quả thị trường trong giai đoạn thí điểm sắp tới.

Hội thảo tham vấn được tổ chức với mục tiêu: Cập nhật các quy định và lộ trình thị trường carbon trong nước trong giai đoạn thí điểm của Việt Nam; trình bày và thảo luận kinh nghiệm quốc tế về các phương án quản lý và đánh giá tác động cho ETS và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam; trình bày kết quả phân tích bối cảnh quốc gia và các phương án quản lý cho giai đoạn thí điểm ETS của Việt Nam; thảo luận về kết quả đánh giá tác động của các phương án quản lý ETS trong giai đoạn thí điểm của Việt Nam.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xay-nen-cho-thi-truong-carbon-viet-nam-tinh-ky-tung-buoc-383271.html