Xe đa dụng tại Việt Nam: 'Mỏ vàng' của các hãng ô tô?

Trải qua nửa đầu năm 2023 với nhiều khó khăn chồng chất lên thị trường ô tô, cơn sốt xe đa dụng (MPV) đô thị tại Việt Nam tiếp tục tăng nhiệt, khi vẫn ghi nhận doanh số ấn tượng và liên tục có thêm gương mặt mới.

Kiểu dáng giống SUV là một thế mạnh ăn khách của MPV hiện nay ở Việt Nam.

Kiểu dáng giống SUV là một thế mạnh ăn khách của MPV hiện nay ở Việt Nam.

Ngay đầu tháng 7, việc Honda - hãng xe nổi tiếng với sự thận trọng trong chiến lược kinh doanh - đưa xe MPV trở lại Việt Nam sau bài toán thử không thành công mang tên Odyssey hồi năm 2015 được coi là sự khẳng định về tiềm năng to lớn của nhóm phương tiện này. Bản thân BR-V (ra mắt ngày 4-7), cũng là mẫu MPV từng được Honda nung nấu ra mắt thị trường trong nước suốt từ năm 2015, nhưng đã liên tục trì hoãn bởi thiếu quyết tâm.

Sự tự tin của Honda thể hiện đặc biệt rõ nét khi BR-V dù xuất hiện gần như “chót”, lại được ấn định mức giá từ 661 triệu đồng đến 705 triệu đồng, cao hơn so với mặt bằng chung MPV đô thị. Hiện nay, Xpander đang được niêm yết chỉ từ 598 triệu đồng, Stargazer chỉ từ 575 triệu đồng, Veloz chỉ từ 658 triệu đồng… BR-V sử dụng cùng động cơ 1.5L như Honda City, mức tiêu thụ nhiên liệu hỗn hợp khoảng 6,4 lít/100km. Xe có kích thước nhỏ gọn hơn “đàn anh” CR-V, với chiều dài 4,49m. Mức này ngang ngửa với các đối thủ cùng phân khúc, như Suzuki XL7 (4,45m), Mitsubishi Xpander (4,47m), KIA Carens (4,54m).

Innova thế hệ mới - vốn có hẹn với Việt Nam trong quý III-2023 - cũng đã chuyển sang khuôn hình một chiếc SUV.

Innova thế hệ mới - vốn có hẹn với Việt Nam trong quý III-2023 - cũng đã chuyển sang khuôn hình một chiếc SUV.

Theo các chuyên gia ô tô, MPV tiếp tục đà bùng nổ tại Việt Nam không quá khó hiểu. Bên cạnh việc sở hữu những đặc tính phù hợp thị hiếu tiêu dùng, một thay đổi quan trọng gần đây chính là dáng vẻ kiểu SUV. Thực tế, các mẫu MPV thành công lúc này đều mang dáng dấp mạnh mẽ của một chiếc SUV. Thậm chí, hai dòng MPV lâu đời là KIA Carens và Toyota Innova khi bước sang thế hệ mới đều đã rũ bỏ kết cấu "cá mập" truyền thống của MPV để chuyển sang dạng SUV với mũi ca pô kéo dài và phần đuôi vuông vức.

Thêm vào đó, hầu hết MPV giờ đây đã được trang bị nhiều tiện nghi “hạng sang” như hệ thống an toàn chủ động, phanh điện tử, hệ thống thông tin giải trí, âm thanh cao cấp… không thua gì crossover hay SUV đắt tiền. Trong khi đó, không gian nội thất ngày càng được tối ưu, hầu hết đã cho phép 7 người ngồi thoải mái hơn nhiều so với trước kia.

Còn một động lực khác giúp xe MPV dễ thuyết phục khách hàng Việt Nam lúc này là việc được tối ưu cho nhu cầu sử dụng đặc thù khu vực ngay từ những nét vẽ đầu tiên trên giấy. Không khó để nhận ra, hầu hết mọi cái tên đều là sản phẩm tối ưu cho thị trường đang phát triển, mà cụ thể là chính Đông Nam Á. Ngoài Xpander, Veloz… bản thân BR-V mới cũng là điển hình, với người dẫn dắt toàn bộ dự án phát triển mẫu xe này là bà Poychat Ua-arayaporn, một kĩ sư Thái Lan của Honda.

Bà Poychat Ua-arayaporn - kĩ sư người Thái Lan phụ trách dự án phát triển mẫu BR-V.

Bà Poychat Ua-arayaporn - kĩ sư người Thái Lan phụ trách dự án phát triển mẫu BR-V.

Nhờ thế, ngay từ kết cấu các mẫu xe mới đều đã bám rất sát điều kiện vận hành thực tế, như kết cấu đơn giản dễ sửa chữa, công nghệ động cơ và hộp số thường không mới nhưng có độ tin cậy cao… Đây là điều rất khác biệt so với các mẫu xe “toàn cầu hóa” vốn thường hàm chứa nhiều công nghệ chống chọi với những điều kiện vận hành không mấy khi xuất hiện ở các quốc gia nhiệt đới, lại “thừa hưởng” nhiều điểm yếu như chi phí đắt đỏ, dễ hư hại khi thường xuyên đi trên mặt đường xấu hay chống ngập nước chưa tốt…

Hệ quả là, hầu hết các hãng xe hiện đều ghi nhận MPV nằm trong nhóm sản phẩm chủ lực, với doanh số “khủng”. Số liệu thống kê cho thấy, lượng Xpander tới tay khách hàng đóng góp gần 60% tổng doanh số ô tô từ đầu năm 2023 tới nay của Mitsubishi, trong khi tỷ lệ xe MPV trong số xe Toyota bán ra tại Việt Nam là gần 30%.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xe-da-dung-tai-viet-nam-mo-vang-cua-cac-hang-o-to-634178.html