Xem xét bổ sung về đình chỉ, rút khỏi cơ chế thử nghiệm có kiểm soát
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự thảo luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về việc đình chỉ, tạm đình chỉ cũng như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào, hậu quả pháp lý ra sao khi kết thúc cơ chế thực nghiệm. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét bổ sung các nội dung này trong dự thảo.
Dự thảo Luật thủ đô (sửa đổi)
Dự thảo luật thể hiện nỗ lực rất lớn của các cơ quan
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cho biết, dự thảo luật đã thể hiện một sự nỗ lực rất lớn của cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, thể hiện qua Báo cáo 825 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho biết thêm, khoản 1 Điều 25 về thử nghiệm có kiểm soát đã được chỉnh lý, sửa đổi rất rõ ràng hay khoản 3 về điều kiện cho phép, cấp phép thử nghiệm, kiểm soát đã chặt chẽ. Khoản 5, khoản 6 quy định quyền hạn HĐND rất rõ. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy còn hơi lăn tăn ở khoản 5 quy định HĐND có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ... Do đó, đại biểu đề nghị xem xét cẩn thận nội dung trên vì có thể sẽ vi phạm vào Hiến pháp.
Cùng góp ý về Điều 25, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho hay, Điều 25 là một trong những điều có thể nói dài nhất trong dự thảo luật quy định khá chi tiết, cụ thể để thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và đây là một nội dung rất mới. Đại biểu hoàn toàn đồng tình vì đảm bảo thực hiện theo đúng Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phát triển thủ đô.
So với dự thảo luật của Chính phủ trình thì dự thảo luật lần này đã chỉnh lý các quy định, những vấn đề rất cốt lõi liên quan đến khái niệm, những vấn đề về quyền hạn và trách nhiệm của HĐND, UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, còn 2 nội dung liên quan đến các lĩnh vực được phép thử nghiệm cũng như không gian thử nghiệm.
Cụ thể, về thẩm quyền của HĐND và UBND cần phải có cơ chế về chế độ báo cáo, về kết quả cũng như quá trình thử nghiệm có kiểm soát; Cần phải có các nghiên cứu chỉnh lý và đề nghị đưa khoản 1 Điều 25 lên Điều 3 về giải thích từ ngữ để điều này không quá dài.
Đề nghị giới hạn cơ chế thử nghiệm ở một số lĩnh vực
Góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao quy định tại Điều 25 dự thảo luật về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật, điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ.
Theo khoản 3 Điều 25 của dự thảo "cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực với 4 điều kiện". Đại biểu đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt, luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát. Đồng thời, đề nghị xem xét chưa cho thử nghiệm trong lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh quốc gia hay lĩnh vực biến đổi, chỉnh sửa gen người.
Trường hợp vẫn cho phép các lĩnh vực này được thử nghiệm thì cần bổ sung quy định lấy ý kiến của bộ quản lý trước khi cấp phép. Bên cạnh đó, dự thảo luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về việc đình chỉ, tạm đình chỉ cũng như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm thế nào, hậu quả pháp lý ra sao khi kết thúc cơ chế thực nghiệm. Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung các nội dung này trong dự thảo.