Xem xét, thảo luận, quyết định nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực
Sáng 5/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị
Chủ trì và phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững. Trên cơ sở thống nhất tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ làm việc trong 37 ngày, chia thành 2 đợt, để xem xét, thảo luận và quyết định khối lượng công việc lớn nhất của các kỳ họp Quốc hội từ trước đến nay, với nhiều nội dung đặc biệt quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: lập hiến - lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về công tác lập hiến, lập pháp, Kỳ họp thứ 9 sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược cả về chính trị và pháp lý, nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là về sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng “tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân, sát thực tiễn”.
Để triển khai nhiệm vụ này, Quốc hội sẽ thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 với nhiều đổi mới trong phương pháp và quy trình thực hiện. Đặc biệt là sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, làm căn cứ để Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp năm 2013 nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, trình Quốc hội xem xét, thông qua trước ngày 30/6/2025 để kịp thời công bố và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Với 54 dự án luật, nghị quyết thuộc công tác lập hiến, lập pháp, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 34 dự án luật, 14 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 6 dự án luật khác, thuộc các lĩnh vực then chốt như: tổ chức bộ máy nhà nước, quốc phòng - an ninh, tư pháp, tài chính - ngân sách, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số...
Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, về đánh giá bổ sung kết quả năm 2024, kết quả năm 2024 đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp trước cơ bản phù hợp và có nhiều chỉ tiêu đạt tốt hơn; đã đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 12 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Đáng chú ý là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tăng trưởng GDP quý I/2025 ước đạt 6,93%, cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020 - 2025; nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số. Trong 4 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán năm và tăng 26,3%... Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Chính phủ, các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo được triển khai hiệu quả; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, quy mô nền kinh tế đạt trên 500 tỷ USD (dự kiến đứng thứ 30 trên thế giới, tăng 2 bậc), GDP bình quân đầu người năm 2025 đạt trên 5.000 USD, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực. Đặc biệt, chủ động hoàn thiện phương án và đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, hướng tới thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững, không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là thể chế hóa, cụ thể hóa, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị; đồng thời, tổng kết các cơ chế, chính sách đặc thù, mô hình thí điểm để luật hóa gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng...
Tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về thể chế

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi đã trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2025. Theo đó, về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, Ủy ban Kinh tế và Tài chính tán thành với nhận định về kết quả đạt được tại Tờ trình, đồng thời nhận thấy, với kết quả thu ngân sách nhà nước tăng cao so với dự toán thể hiện sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành của Quốc hội, sự cố gắng của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị lưu ý một số vấn đề, trong đó, liên quan đến thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2024, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về tình hình hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2024, bảo đảm tính chính xác về số liệu, tính kịp thời trong công tác hoàn thuế. Về thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2024, đề nghị báo cáo rõ hơn về nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục về việc giải ngân nguồn vốn ngoài nước; việc thực hiện yêu cầu cắt giảm nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai năm 2024, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao...
Trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, các cơ quan chức năng cần kịp thời nắm vững tình hình, bám sát thực tiễn, tham mưu cho Đảng, Nhà nước điều chỉnh vướng mắc, phát sinh (nếu có) để đạt được yêu cầu của Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Nhà nước cần đấu tranh quyết liệt, kiên quyết xử lý chặn đứng, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng; chấm dứt tình trạng sử dụng sim rác gọi điện chiếm đoạt thông tin cá nhân, lừa đảo.
Cùng với đó, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng đề nghị Đảng, Nhà nước nghiên cứu phát động một số cuộc vận động và phong trào thi đua yêu nước quy mô lớn, mang tính toàn dân, toàn diện, toàn quốc để phát huy mọi nguồn lực, hiệu triệu mọi người dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài đóng góp công sức, tiền của để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Tại phiên khai mạc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Về kiến nghị và kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã có 2.033 kiến nghị được tổng hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trong đó có 2.032 kiến nghị đã được giải quyết, trả lời, đạt 99,95%.
Cụ thể, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã trả lời đầy đủ 38/38 kiến nghị. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, hoạt động của Quốc hội tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới; đặc biệt chú trọng tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về thể chế, xem xét, quyết định nhiều vấn đề cấp bách nhằm phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đáp ứng yêu cầu của đất nước để bước vào kỷ nguyên mới.
Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã trả lời 1.946/1.947 kiến nghị; tích cực, tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời khối lượng lớn kiến nghị của cử tri. Việc giải quyết kịp thời các kiến nghị đã góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, ổn định tình hình và cải thiện đời sống nhân dân.
Tiếp đến, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Tờ trình về việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là 2 nhóm nội dung, gồm: Các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các quy định tại Chương IX để thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp để bảo đảm chính quyền địa phương hoạt động thông suốt, không gián đoạn, phù hợp với lộ trình thực hiện sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện.
Do định hướng phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này mang tính giới hạn, dự kiến chỉ liên quan đến khoảng 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nên đề nghị Quốc hội xác định hình thức văn bản để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là Nghị quyết của Quốc hội...
Sáng cùng ngày, sau phiên khai mạc, Quốc hội thảo luận ở tổ về đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.