Xôi gấc ngày đông

Tản văn của An Viên

Khu vườn của mẹ luôn ăm ắp hoa trái bốn mùa, trong đó không thể thiếu được giàn gấc. Cũng bởi, màu gấc chín không chỉ tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc mà gấc còn là nguyên liệu để tạo nên nhiều món ăn ngon như bánh chưng gấc, tôm xào gấc, cơm rang gấc,… Nhất là vào những ngày đông, được ăn món xôi gấc thì không gì ngon bằng!

Gấc được chăm bón từ mùa xuân sang mùa hè. Đến khoảng tháng 6 âm lịch, cây sẽ ra quả và bắt đầu từ tháng chín âm lịch đến cuối năm sẽ cho quả chín. Nhớ những mùa gấc chín, mẹ thường sai anh em tôi ra vườn thu hoạch quả. Phần thì mẹ đem ra chợ bán lấy tiền mua mắm muối, phần đem biếu họ hàng, chòm xóm, phần mẹ giữ lại ít quả dùng vào dịp nhà có giỗ chạp hay tết nhất. Phải nói rằng, tôi thích đến “nghiện” món xôi gấc chính tay mẹ làm. Món xôi gấc đã gắn bó và trở thành kỉ niệm với anh em tôi từ thuở chân đất đầu trần, cho đến bây giờ vẫn cứ là món ăn ngon và hấp dẫn số một mỗi khi đông về.

Để có món xôi gấc ngon, nguyên liệu quan trọng đầu tiên chính là gạo nếp. Mẹ bảo: “Gạo nếp nấu xôi phải là gạo nếp của mùa mới”. Ở quê tôi nổi tiếng với đặc sản nếp hạt cau vừa thơm ngon, vừa dẻo lại giàu chất dinh dưỡng. Mẹ chuẩn bị một lượng gạo nếp vừa đủ ăn cho cả nhà vo qua trong nước sạch rồi ngâm với nước ấm, pha thêm một chút muối. Làm thế sẽ rút ngắn được thời gian ngâm, lại giúp gạo mềm hơn, thêm phần đậm đà cho món xôi.

 Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu

Gấc dùng để đồ xôi, mẹ chọn quả vừa hái xuống, cuống hãy còn tươi nguyên, dáng tròn, gai nở đều, vỏ ngoài màu đỏ cam, cầm nặng tay. Mẹ bổ gấc làm đôi, lấy hết phần thịt và hạt để vào một cái bát lớn, sau đó cho khoảng hai thìa rượu trắng, một thìa dầu ăn vào bát rồi bóp đều để tách hạt khỏi phần thịt gấc, đồng thời để thịt gấc được nhuyễn mịn, dậy màu đỏ đẹp hơn khi hấp xôi.

Gạo nếp sau khi ngâm được mẹ vớt ra để ráo rồi trộn với thịt gấc và một chút muối. Mẹ chú ý trộn đều tay để nếp được nhuộm màu đỏ của gấc và cho vào xửng hấp. Mẹ cho xửng hấp lên bếp và bắt đầu đẩy lửa đều đều. Mẹ bảo, tùy thuộc vào lượng gạo để hấp xôi với thời gian dài hay ngắn. Khi xôi gần chín, mẹ cho thêm một ít đường vào và trộn đều rồi đậy nắp lại để giúp xôi giảm bớt vị nồng của gấc. Xôi chín, mẹ dùng đũa xới đều để xôi được tơi xốp, sau đó tắt bếp. Chờ cho xôi nguội một lúc, mẹ sẽ lần lượt xới ra từng đĩa. Cũng có khi, mẹ dùng khuôn, đổ xôi vào để tạo thành những hình đẹp mắt. Món xôi ngon là khi ăn vào sẽ cảm nhận được vị thơm dẻo của hạt nếp, vị béo ngậy của thịt gấc cùng màu xôi đỏ tươi hấp dẫn.

Vào những ngày giỗ chạp, những đĩa xôi gấc sẽ lần lượt được mẹ xới ra đĩa và dâng lên cúng ông bà tổ tiên; phần còn lại trong xửng, mẹ xới ra mỗi miếng lá chuối nhỏ cho anh em tôi ăn. Xôi hãy còn nóng hôi hổi. Đứa nào cũng háo hức, cũng xuýt xoa, chẳng phải vì cái lạnh như cắt da cắt thịt của mùa đông mà vì sự hấp dẫn đến khó cưỡng của món xôi này.

Mùa đông, được về bên mẹ, ngồi bên bếp lửa hồng, nghe mẹ kể chuyện ngày xưa trong nụ cười an yên, thảnh thơi, được thưởng thức món xôi gấc hấp dẫn mẹ làm,… giản đơn là thế mà hạnh phúc đến râm ran trong cõi lòng!

580

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/van-hoc-nghe-thuat/xoi-gac-ngay-dong-90524.html