Xu hướng mua sắm Tết 2025
Mùa mua sắm Tết luôn là thời điểm 'vàng' của ngành bán lẻ, song cũng là thời điểm đòi hỏi sự nhạy bén và thích ứng cao của đơn vị sản xuất kinh doanh đối với những thay đổi lớn trên thị trường.
Thị trường bán lẻ năm 2024 cũng đã chứng kiến sự dịch chuyển đáng kể trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt. Đây là nhận định của các chuyên gia tạo hội thảo “Xu hướng mua sắm Tết 2025” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 2/12.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, với những diễn biến khó lường từ những mùa cao điểm mua sắm trong năm cho thấy thị trường bán lẻ khó đoán hơn những năm trước và xu hướng hành vi người tiêu dùng chuyển đổi nhanh chóng. Do đó, đối với mùa mua sắm Tết 2025, đơn vị sản xuất kinh doanh không thể chủ quan trong cạnh tranh thị phần và phải bám sát thị trường mới có thể tăng doanh số như kỳ vọng.
“Để nâng cao năng lực cạnh tranh mùa mua sắm Tết thì bài toán khuyến mãi, giao nhận cũng quan trọng không kém việc doanh nghiệp tập trung cải thiện tính ổn định chất lượng, giá cả sản phẩm… Theo đó, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao không ngừng nỗ lực cung cấp, cập nhật thông tin thị trường cho doanh nghiệp Việt, nhất là những giải pháp “thực chiến” trước biến động thị trường trong và ngoài nước”, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam cho hay, thời điểm mua sắm Tết của người tiêu dùng Việt phổ biến diễn ra trong tháng 1 và tháng 2 của năm mới. Còn đối với đơn vị sản xuất kinh doanh sẽ phải chuẩn bị kế hoạch và nguồn cung hàng hóa sẵn sàng trước thời điểm này, nhằm đảm bảo tung sản phẩm rơi vào thời điểm “vàng” của mùa mua sắm Tết. Thời điểm Tết là giai đoạn người dân mua sắm, tiêu dùng tại nhà rất nhiều; trong đó, một số ngành hàng quan trọng truyền thống trong ngày Tết có thể kể đến là bia, bánh kẹo, thực phẩm...
Về xu hướng mua sắm Tết 2025, bà Nguyễn Phương Nga cho rằng, nhu cầu về sự tiện lợi và đơn giản hóa của người tiêu dùng ngày càng tăng cao, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, các thương hiệu và nhà sản xuất kinh doanh cần nắm bắt và đáp ứng xu hướng người tiêu dùng muốn đón và chuẩn bị cho một mùa Tết giản đơn hơn, cũng như ưu tiên những sản phẩm hướng tới tính tiện lợi - thiết thực, tiết kiệm thời gian - tiền bạc.
Ngoài ra, xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cũng ngày càng được ưu tiên. Dự báo trong dịp Tết 2025, bên cạnh giữ gìn những ý nghĩa truyền thống văn hóa, người tiêu dùng cũng sẽ tìm kiếm nhóm sản phẩm vừa đảm bảo sức khỏe, vừa mang ý nghĩa sum vầy, vừa thể hiện sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống.
Thống kê những tháng cuối năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng tích cực và sự phục hồi; thu nhập bình quân của người đi làm ở khu vực thành thị là khoảng 9 triệu/tháng, khu vực nông thôn 6 triệu/tháng… Tuy nhiên, mức niềm tin của người dân đối với triển vọng kinh tế tương lai có sự suy giảm ngắn hạn do tác động của những thông tin về thiệt hại kinh tế nặng nề của siêu bão Yagi, tình hình tài chính của các gia đình đang dần ổn định nhưng chưa hoàn toàn phục hồi so với trước dịch COVID-19.
Báo cáo của Kantar Việt Nam cũng cho thấy, đóng góp giá trị FMCG (ngành hàng tiêu dùng nhanh) trong 2 tháng trước Tết đang có dấu hiệu giảm dần qua từng năm, do người tiêu dùng có xu hướng đơn giản hóa những thủ tục ngày Tết, hay tụ họp linh đình để dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình hơn. Giai đoạn mua sắm Tết cao điểm trên các kênh online sẽ xảy ra sớm hơn so với các cửa hàng offline.
Một số doanh nghiệp cũng chia sẻ, việc hiểu rõ hành trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên các kênh online (trực tuyến) và offline (trực tiếp) là yếu tố rất quan trọng để thương hiệu và đơn vị sản xuất kinh doanh có thể tiếp cận người tiêu dùng đúng lúc, đúng chỗ. Từ đó, doanh nghiệp có thể nắm bắt mọi nhu cầu của khách hàng từ việc mua sắm sớm cho đến giai đoạn chạy nước rút cận Tết.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xu-huong-mua-sam-tet-2025/355327.html