Xử lý hành vi gây lãng phí nghiêm khắc như xử lý tham nhũng
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 23/5, tại hội trường, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Năm 2022, Quốc hội đã tổ chức giám sát tối cao một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Bên lề kỳ họp Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã có những trao đổi với báo chí về những đánh giá liên quan đến kết quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm qua. Các ý kiến có chung nhận định công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, lãng phí cũng như tham nhũng, đây là vấn đề rất quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân. Theo đại biểu, trong thời gian qua, nhiều đại án về tham nhũng đã bị phá, trong khi đó lại chưa có vụ án nào về lãng phí bị phá. “Lãng phí hiện nay đang rất phổ biến, ở nhiều nơi. Việc Quốc hội giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đa số người dân”, đại biểu nhấn mạnh. Đồng thời, đại biểu cho rằng, thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần phải có các biện pháp xử lý quyết liệt, mạnh mẽ, nghiêm khắc với các hành vi gây lãng phí ở mức độ như việc xử lý các hành vi tham nhũng hiện nay.
Cũng theo đại biểu, qua giám sát của Quốc hội, về cơ bản, trong cả hệ thống chính trị đã có một sự chuyển biến rất tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hiện tượng vốn chờ công trình, công trình chờ vốn cơ bản được khắc phục.
Tuy nhiên, qua giám sát, đoàn giám sát của Quốc hội đã chỉ ra một số hạn chế. Đó là vẫn còn một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm túc trong chấp hành, kỷ luật, kỷ cương thu chi ngân sách, đầu tư xây dựng, giải ngân. Tuy nhiên, số lượng cơ quan, đơn vị trên không nhiều. Bên cạnh đó, công tác đầu tư công vẫn có những thiếu sót, như giải ngân chậm do còn vướng nhiều thủ tục khiến một số công trình bị ách tắc, gây lãng phí hay có những công trình “đắp chiếu, trùm màn” chỉ vì vướng thủ tục pháp lý chưa rõ ràng.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa lưu ý còn có những “lãng phí vụn vặt” vẫn đang diễn ra hằng ngày ở nhiều cơ quan, đơn vị, đơn cử như hoạt động chi thường xuyên, hoạt động công vụ.
Nhấn mạnh vẫn còn nhiều khoản chi ngân sách chưa thực sự tiết kiệm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) lấy ví dụ việc triển khai một số dự án, đề án, chương trình hiện còn rất chậm trễ. “Thậm chí có chương trình mục tiêu quốc gia bố trí kinh phí rồi nhưng chúng ta lại không thể triển khai, không giải ngân được”, đại biểu cho hay.
Đại biểu phân tích, “Nếu như đánh giá bình thường, chúng ta nhận thấy, đây chỉ là một sự chậm trễ đơn thuần nhưng nếu chúng ta nhìn sâu vào vấn đề này, tôi thấy, trước hết chúng ta đã lãng phí thời gian. Lãng phí thời gian đồng nghĩa với lãng phí tiền bạc. Bởi có những cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển sẽ qua đi và không bao giờ chúng ta có thể lấy lại được. Cho nên, đây là một sự lãng phí rất lớn. Tuy nhiên, không nhiều người nhận thức được điều này”.
“Lãng phí cơ hội nhiều khi còn gây hậu quả lớn hơn cả lãng phí tiền bạc”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.
Thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Hà Nội) cho rằng các báo cáo đã chỉ ra được các nhóm vấn đề cần phải được chú trọng trong thời gian tới và nhấn mạnh những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, cần phải có lộ trình, kế hoạch khắc phục triệt để.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là lãng phí về thời gian, cơ hội của các doanh nghiệp và cả các cơ quan nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính. Đây là vẫn đề cần phải được quan tâm khắc phục trong thời gian tới.
Theo Báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại Quốc hội, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2022 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 53.887 tỷ đồng. Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng. Một số đơn vị có kết quả cao như: thành phố Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, Thành phố Hồ Chí Minh là 1.220 tỷ đồng...
Trong khi đó, theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương không phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 chưa bảo đảm tiến độ quy định. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của một số bộ, ngành, địa phương chưa đạt mục tiêu. Đến ngày 31/12/2022, kết quả giải ngân các chính sách hỗ trợ mới đạt hơn 78,3 nghìn tỷ đồng (bằng 26% tổng số vốn).
Đáng chú ý, việc triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia rất chậm và còn nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình, gây lãng phí nguồn lực Nhà nước. Việc triển khai, giải ngân vốn đầu tư các dự án quan trọng quốc gia chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, làm lãng phí nguồn lực...