Xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Sáng 23-4, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của thành phố đã thực hiện kiểm tra tại quận Hai Bà Trưng, kiểm tra đột xuất bếp ăn trường học Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (41 Lò Đúc, Hà Nội).

Quang cảnh chương trình làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Quang cảnh chương trình làm việc. Ảnh: Mai Hoa

Kiểm tra đột xuất: Hiệu quả cao, bảo đảm các yêu cầu về ATTP

Tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm (ATTP) số 1 của thành phố đã kiểm tra đột xuất hồ sơ pháp lý của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ban Mai, đơn vị cung cấp suất ăn, chế biến suất ăn cho trường, cũng như kiểm tra thực tế bếp ăn, quy trình chế biến thức ăn tại trường, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn thực phẩm cho các em học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân thông tin về công tác bảo đảm ATTP của trường. Ảnh: Mai Hoa

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân thông tin về công tác bảo đảm ATTP của trường. Ảnh: Mai Hoa

Báo cáo đoàn kiểm tra, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân cho biết: Thời gian qua, nhà trường đã triển khai nghiêm túc đến 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên các quy định của Luật An toàn thực phẩm, Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ GDĐT hướng dẫn công tác bảo đảm vệ sinh ATTP.... Trong công tác ATTP, hồ sơ lưu có thực đơn của Công ty Ban Mai và nhà trường. Đơn vị cung cấp, chế biến suất ăn có bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, có Sổ giao nhận thực phẩm theo quy định. Khu vực bếp có lưới phòng chống côn trùng và động vật gây hại được làm bằng thép, dễ tháo rời để làm vệ sinh, thiết kế phù hợp, đảm bảo phòng chống hiệu quả côn trùng và động vật gây hại.

Khu vực bếp cũng có đầy đủ cân đo để giám sát số lượng thực phẩm, thiết bị. Dụng cụ giám sát bảo đảm độ chính xác và được bảo dưỡng, kiểm định định kỳ theo quy định.

Trường cũng quán triệt đến các bộ phận liên quan về việc chỉ sử dụng các hóa chất tẩy rửa, sát trùng theo quy định của Bộ Y tế, được dựng trong bao bì dễ nhận biết, có hướng dẫn sử dụng và không để trong nơi chế biến thực phẩm.

Đặc biệt, 100% nhân viên bếp ăn bán trú được khám sức khỏe định kỳ, được tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, thực đơn dinh dưỡng... do cấp trên tổ chức.

Kiểm tra mẫu lưu thức ăn. Ảnh: Mai Hoa

Kiểm tra mẫu lưu thức ăn. Ảnh: Mai Hoa

Thông tin kết quả kiểm tra đột xuất tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhận xét: Về cơ bản, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ban Mai có đủ hồ sơ năng lực để cung cấp thực phẩm, lương thực cho bếp ăn nhà trường, bao gồm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP/bản cam kết đảm bảo ATTP; hồ sơ nguồn gốc, chất lượng nguyên liệu, phụ gia thực phẩm... Tuy nhiên, hồ sơ pháp lý này cần được cập nhật thường xuyên, bảo đảm kịp thời điều chỉnh các vấn đề phát sinh, cập nhật văn bản mới về an toàn thực phẩm.

Xét nghiệm nhanh vệ sinh ATTP đối với khay đựng thức ăn. Video: Mai Hoa

Ông Đặng Thanh Phong cho biết: Cùng với việc kiểm tra hồ sơ, đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra đột xuất khu vực bếp với một số kết quả đáng khích lệ, đơn cử như công tác giao nhận thực phẩm được thực hiện, giám sát kiểm tra chất lượng thực phẩm hàng ngày. Nhà trường cũng đã lưu mẫu đầy đủ thức ăn hàng ngày của trẻ. Thức ăn được lưu trong hộp có nắp đậy và được để ngăn mát tủ lạnh trong vòng 24h. Có tem lưu mẫu ghi rõ tên thức ăn, ngày giờ lưu thức ăn…

Để công tác bảo đảm ATTP của trường tốt hơn, ông Đặng Thanh Phong yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường nâng cao trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thực hiện ATTP. Đồng thời đề nghị các bên chú trọng điều chỉnh cách ghi khi lưu mẫu thức ăn, chú ý ghi tên người ký xác nhận, bảo đảm rõ trách nhiệm cá nhân. Chia sẻ khó khăn về khuôn viên, cơ sở vật chất của nhà trường, ông Đặng Thanh Phong đề nghị thời gian tới, trong quá trình nâng cấp cơ sở vật chất khu bếp, nhà trường nghiên cứu phương án bố trí thang chuyển thức ăn sống, thức ăn chín riêng biệt; trang bị hệ thống vật dụng đựng bát, đĩa được bao kín, tránh côn trùng…

Quận Hai Bà Trưng triển khai mô hình điểm về ATTP

Ngay sau chương trình kiểm tra đột xuất tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 đã làm việc với lãnh đạo UBND quận Ba Đình và các thành viên liên quan về việc triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” trên địa bàn quận Hai Bà Trưng năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin về hiệu quả công tác ATTP trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền thông tin về hiệu quả công tác ATTP trên địa bàn. Ảnh: Mai Hoa

Báo cáo nhanh với đoàn kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: Với đặc thù là quận đông dân, với 306.143 người thuộc 15 phường, diện tích 10,26 km, di biến động dân lớn, trên địa bàn quận có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, công tác đảm bảo ATTP gặp nhiều khó khăn. Hiện toàn quận quản lý 3.231 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 15 phường, 03 Trung tâm thương mại (TTTM) và 02 chợ hạng I (TTTM chợ Mơ, chợ Hôm Đức Viên); chợ Đồng Tâm hạng II; 04 chợ hạng III (Vĩnh Tuy, Bách Khoa, Quỳnh Mai, Nguyễn Công Trứ...

Triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm”, quận đã thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP, tổ chức kiểm tra, giám sát theo chuyên đề, định kỳ, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm. Đội Quản lý thị trường số 5 đã kiểm tra 8 cơ sở, xử phạt 55,5 triệu đồng, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị hàng hóa là 16,785 triệu đồng. Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP phường kiểm tra, giám sát 152 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hiện các đoàn liên ngành kiểm tra ATTP quận tiếp tục kiểm tra công tác quản lý về ATTP tại phường, chợ, TTTM; UBND các cấp kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quyết định đã được ban hành.

Từ ngày 1-1 đến 22-4-2025, toàn quận Hai Bà Trưng đã kiểm tra, giám sát 1.046 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt 448 triệu đồng/55 cơ sở, tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá trị hàng hóa gần 80 triệu đồng.

Đặc biệt, triển khai mô hình điểm ATTP, quận xây dựng và triển khai Chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng cơ sở giáo dục”. Theo đó, UBND quận triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng cơ sở giáo dục có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, suất ăn sẵn nhằm đẩy mạnh công tác quản lý ATTP, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Cùng với đó là tăng cường hướng dẫn bếp ăn tập thể, căng tin cơ sở giáo dục và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định ATTP. Quận chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp chính quyền địa phương tăng cường theo dõi hoạt động kinh doanh thực phẩm xung quanh cổng cơ sở giáo dục. Nếu phát hiện việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo ATTP... xâm nhập vào cơ sở giáo dục ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh, kịp thời báo cáo các đơn vị quản lý kiểm tra và xử lý theo quy định.

Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành số 1, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu tăng cường kiểm tra đột xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Ảnh: Mai Hoa

Đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành số 1, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu tăng cường kiểm tra đột xuất, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm. Ảnh: Mai Hoa

Kết luận buổi làm việc, đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành số 1, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh Thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5) với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”. Chính quyền địa phương, các cơ sở trường học cần chú trọng khâu kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm và kịp thời đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xu-ly-nghiem-kip-thoi-doi-voi-cac-hanh-vi-vi-pham-trong-san-xuat-kinh-doanh-thuc-pham-700078.html