Xử phạt nhiều doanh nghiệp vi phạm đưa lao động đi nước ngoài
Trong tháng 11/2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ban hành quyết định xử phạt các doanh nghiệp (DN) đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lý do xử phạt là do DN ký không đúng mẫu hợp đồng, đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Kiên quyết xử lý vi phạm
Cụ thể, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã xử phạt Công ty cổ phần Tư vấn và dịch vụ Tâm Nhật với mức phạt 75 triệu đồng do DN này ký không đúng mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 5 lao động. Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Intime Education bị xử phạt 12,5 triệu đồng do báo cáo không đầy đủ về tình hình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Tương tự, Công ty TNHH Hợp tác quốc tế Mai Linh, Công ty cổ phần Dịch vụ Nhân lực Toàn Cầu và Công ty cổ phần Đầu tư Giáo dục Vietgroup, mỗi công ty bị xử phạt 12,5 triệu đồng do đóng không đúng thời hạn vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý lao động ngoài nước khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm trong thời gian tới, nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam khi làm việc ở nước ngoài. Ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: “Hiện có hơn 450 DN được cấp giấy pháp hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Số lượng DN thanh tra, kiểm tra hàng năm là vài ba chục. DN nào khi bị phạt đều được đưa công khai lên website”.
Trước đó, trong tháng 10/2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 DN đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các DN bị phạt đều do không tuân thủ đúng các yêu cầu về hợp đồng lao động và các yêu cầu về báo cáo tài chính. Cụ thể, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế Hùng Vương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị xử phạt phạt 135 triệu đồng do nộp chậm vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; không ghi rõ các thỏa thuận về chi phí dịch vụ trong hợp đồng với 3 lao động Việt Nam đi làm việc tại Macao (Trung Quốc)…
Cẩn trọng nạn lừa đảo
Thời gian gần đây xảy ra liên tiếp các trường hợp người dân bị “sập bẫy” lừa đảo về tuyển dụng và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên mạng xã hội. Trong đó, thủ đoạn chung của các đối tượng lừa đảo xuất khẩu lao động (XKLĐ) là đưa ra thông tin gian dối rằng mình làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước và có khả năng giúp những người có nhu cầu đi XKLĐ. Hay các đối tượng thành lập pháp nhân thương mại, nhưng các pháp nhân thương mại này không có chức năng, nhiệm vụ XKLĐ, cũng như không ký kết các hợp đồng, hoặc nhận ủy quyền từ các DN, tổ chức từ nước ngoài để nhận làm dịch vụ XKLĐ.
Ngoài ra, chúng lợi dụng tâm lý chung của nhiều người có nhu cầu XKLĐ nhưng lại không tìm hiểu thông tin bằng con đường chính thống mà chỉ thích lên mạng tìm các công ty tuyển dụng lao động. Các công ty này cho chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội nên dễ dàng thu hút tiền của người muốn đi XKLĐ.
Đáng chú ý, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết, gần đây xuất hiện một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội để mạo danh Bộ LĐTBXH và Trung tâm Lao động ngoài nước nhằm lừa đảo những người muốn đi nước ngoài làm việc. Cụ thể, các đối tượng lập Fanpage có tên “Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước - Bộ LĐTBXH”, “Tư vấn XKLĐ - Asian”… mạo danh.
Ngoài ra, các đối tượng còn mạo danh chữ ký của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, đăng tải nội dung kèm theo hình ảnh lãnh đạo Bộ làm việc với đối tác nước ngoài, nhằm tạo dựng lòng tin để dụ dỗ người lao động tham gia các chương trình làm việc tại Australia, chương trình EPS (Hàn Quốc)… thông qua các fanpage (trang tương tác được tạo từ tài khoản Facebook cá nhân hoặc DN) và website giả mạo. Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân, đặc biệt là người đang có nhu cầu XKLĐ cần cẩn trọng trước các tổ chức chào mời “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội.
Để không xảy ra tình trạng bị lừa đảo, Bộ LĐTBXH khuyến cáo, người dân có thể truy cập trang web chính thức của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ https://dolab.molisa.gov.vn. Trên trang web này, người dân có thể kiểm tra thông tin về các thị trường lao động; tra cứu danh sách các DN được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Chỉ các DN có tên trong danh sách này mới có chức năng tuyển dụng và thực hiện thủ tục XKLĐ. Nếu DN tự nhận là có liên kết với các DN được cấp phép, người dân cần yêu cầu cung cấp hợp đồng liên kết để xác minh. Tuyệt đối không đóng tiền cho các cá nhân hoặc DN không được cấp phép. Trong trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hãy kịp thời thông báo cho cơ quan Công an để được hỗ trợ và xử lý.