Xuân Giáp Thìn, nhắc lại chuyện rồng xứ Huế

Gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nhâm nhi tách trà xuân, ngắm mai vàng đang nở rộ, bỗng nhớ những câu chuyện về rồng mà tôi được nghe kể và 'được thấy'.

Tượng rồng trước Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế)(Ảnh minh họa)

Tượng rồng trước Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế)(Ảnh minh họa)

Thuở còn học tiểu học, tôi được đọc về huyền thoại con Rồng, cháu Tiên. Theo huyền thoại này, Lạc Long Quân thuộc dòng dõi Rồng lấy nàng Tiên Âu Cơ sinh ra một bọc có trăm trứng, nở ra trăm người con. Một hôm, Lạc Long Quân cảm thấy mình không thể sống mãi trên cạn, đành từ biệt Âu Cơ, dẫn năm mươi con xuống biển và sau đó, Âu Cơ đưa năm mươi con lên núi. Người con trưởng theo Âu Cơ được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Mười mấy đời truyền nối, vua đều lấy hiệu là Hùng Vương. Bởi sự tích này mà người Việt Nam khi nhắc đến nguồn gốc thường xưng là con Rồng, cháu Tiên.

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Huế “là đất Việt Thường thị”. Đây là 1 trong 15 bộ của Nhà nước Văn Lang - nhà nước đầu tiên của người Việt cổ. Vì vậy, có thể nói, xứ Huế cũng tự hào là vùng đất của con Rồng, cháu Tiên từ xa xưa.

Một lần, nghe ông nội kể, Huế là nơi chế ngự rồng để lập quốc. Truyền thuyết kể rằng, vào thời các vua đầu nhà Nguyễn đến định đô tại Thuận Hóa (Huế ngày nay), người dân thường trông thấy một con rồng to xuất hiện trên không trung, làm mưa, làm gió, quấy nhiễu dân gian.

Các vị vua nhà Nguyễn bèn tìm người tinh thông địa lý đến khảo sát, mới hay, ngay trước mặt kinh thành Phú Xuân có một dãy núi thiêng, có hình dáng một con rồng với nhiều long mạch khắc chế với đế quyền, cần phải có cao nhân trấn thủ, điều phục điềm xấu.

Từ đó, các vị vua nhà Nguyễn cho phép các thiền sư đạo cao đức trọng đến cắm tích trượng vào những huyệt địa để thuần phục rồng thiêng, buộc chầu Thiên Ðế. Quả nhiên, rồng thiêng không còn quậy phá nữa. Do vậy mà vùng đồi núi này có tên là Bình An Sơn. Trên dãy Bình An Sơn có hàng chục ngôi chùa tọa lạc ở những vị thế tôn nghiêm, ra đời gắn với truyền thuyết.

Trong một lần đi vào Hoàng thành Huế dịp tết, tôi thấy đôi rồng tuyệt đẹp trước nhà hát cổ Duyệt Thị Đường. Rồng đặt trên bệ vuông, thân nửa phần cuộn quanh, nửa phần dựng lên để tạo dáng ngồi xổm rất thú vị. Mắt rồng nhìn thẳng, bờm và vây lưng dựng đứng, dáng vẻ oai vệ.

Trong một lần đến chùa Từ Hiếu ở Huế, tôi bắt gặp bình phong long mã tuyệt đẹp. Long mã (ngựa hóa rồng) là con vật mình ngựa có vảy rồng, đầu rồng. Có thể nói, hình tượng Long mã xuất hiện nhiều nhất ở Huế là trên các bức bình phong. Bình phong là một sản phẩm đặc trưng của xứ Huế. Bình phong Long mã nổi tiếng nhất là bức bình phong được làm vào thời Thành Thái thứ tám (năm 1898) tại trường Quốc Học Huế hiện nay. Long mã trên bức bình phong này cũng là nguyên bản của long mã trên logo Festival Huế.

Trong một lần đi đền thờ vua Trần Nhân Tông, thuộc Trung tâm Văn hóa Huyền Trân ở Huế, tôi lại thấy đôi rồng chầu dài nhất Việt Nam. Đôi rồng được tạo tác từ năm 2008, nhân kỷ niệm 750 năm ngày sinh và 700 năm ngày mất của vua Trần Nhân Tông.

Mỗi rồng chầu dài 105m, đầu cao 3,5m, thân cao 2,5m, vòng bụng nơi lớn nhất 2,6m. Để tạo hình đôi rồng chầu này, các lực lượng thi công phải cần đến 78m3 cát, 8m3 sạn, 41,5 tấn xi măng, 1,5 tấn sắt, 6 tấn bột đá, 3.300 viên gạch 6 lỗ, 33.000 viên gạch thẻ. Màu chủ đạo của đôi rồng chầu là màu xám, được chạm trổ tinh xảo theo các mô típ cầm, kỳ, thi, họa, tam lân hý cầu, đan xen là những vầng mây khi ẩn, khi hiện.

Thuyền rồng ở Huế (Ảnh minh họa)

Thuyền rồng ở Huế (Ảnh minh họa)

Gần nơi tôi sống là bờ sông Hương có nhiều thuyền rồng neo đậu. Thời nhà Nguyễn, thuyền rồng là phương tiện đi lại trên sông nước chỉ dành cho nhà vua. Tuy nhiên, hiện nay, nó được phục dựng để phục vụ du lịch.

Thuyền rồng có đầu và đuôi thuyền hình rồng, trên cửa có các chạm trổ của bảng khoa, mái bằng gỗ, sơn màu vàng giả ngói, bên trong bố trí các rèm bằng lụa tơ tằm, nền trải thảm gấm. Thuyền rồng to nhất là loại Tế Thông xưa. Thuyền rộng gần 4m, dài 30m, có ít nhất là hai tầng. Tết đến, xuân về, bước vào không gian cổ xưa này, du khách có dịp thưởng thức ca đàn Huế và đi tìm cái đẹp của trăng nước Hương giang đầy thơ mộng.

Những câu chuyện về rồng và xứ Huế như tiếp nối bất tận trong tâm trí tôi, Tết Giáp Thìn năm 2024 thì lại sắp đến!./.

Nguyễn Văn Toàn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/xuan-giap-thin-nhac-lai-chuyen-rong-xu-hue-a170790.html