Xuân về cực Tây A Pa Chải

BẮC GIANG - Giữa màn đêm bao trùm miền biên viễn, tôi miên man ngẫm ngợi. Đời người mấy ai được khám phá hết 4 điểm cực thiêng liêng của Tổ quốc, đó là cực Bắc - Lũng Cú (Hà Giang), cực Nam - đất Mũi (Cà Mau), cực Đông - mũi Đôi (Khánh Hòa) và cực Tây - A Pa Chải (Điện Biên)!? Thêm nữa, trên dải đất hình chữ S thân yêu chỉ có hai điểm ngã ba biên giới là Bờ Y (Kon Tum), nơi con gà cất tiếng gáy ba nước Việt - Lào - Campuchia đều nghe thấy, tương tự là A Pa Chải - nơi biên giới Việt Nam, Trung Quốc và Lào gặp nhau. Với tôi, thật may những ngày cuối năm này được “mục sở thị” đất thiêng A Pa Chải. Vậy là thỏa ước nguyện và niềm đam mê khám phá những nơi địa đầu của Tổ quốc.

Tôi thật bất ngờ khi thấy những vạt rừng dọc các cung đường đèo miền Tây Bắc dịp cuối năm được nhuộm vàng màu hoa dã quỳ. Cứ nghĩ dã quỳ chỉ tô điểm cho Đà Lạt, cũng như sắc trắng hoa ban là nét duyên chỉ có ở miền Tây Bắc mỗi độ xuân về!? Nào ngờ Điện Biên hôm nay đẹp lung linh nhờ sắc vàng dã quỳ bao phủ khắp nơi nơi.

 Các chiến sĩ biên phòng A Pa Chải tuần tra cùng nhân dân địa phương.

Các chiến sĩ biên phòng A Pa Chải tuần tra cùng nhân dân địa phương.

Từ TP Điện Biên Phủ, vượt hơn 250 km đường núi ngút ngàn trùng xa, chúng tôi có mặt tại thủ phủ huyện Mường Nhé khi ông mặt trời đang từ từ xuống núi. Cái mệt mỏi vì đường xa như tan biến khi lần đầu gặp gỡ nhưng Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Bùi Minh Hải tiếp đón chúng tôi thân tình, cởi mở. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết dẫu còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế- xã hội của Mường Nhé đã có nhiều khởi sắc.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng liên tục tăng trưởng 2 con số. Cái đói, cái nghèo đang dần được đẩy lùi. Không còn loanh quanh với ruộng nương, con em đồng bào các dân tộc đã biết tỏa đi khắp nơi làm ăn, trong số đó có rất nhiều người về làm công nhân trong các khu, cụm công nghiệp ở Bắc Giang. Bằng chứng là ngày nào cũng có xe khách chạy xuôi ngược Bắc Giang - Mường Nhé chủ yếu để đưa đón công nhân.

Đứng trên đỉnh cực Tây phóng tầm mắt ra bốn phía, lòng tôi ấm áp khó tả, cảm xúc dâng trào, cảm nhận sự hùng vĩ của non sông gấm vóc nước Việt mà ông cha, tiên tổ từ ngàn năm qua đã dày công vun đắp, giữ gìn.

Đêm nằm nghe tiếng gà rộn vang mỗi khi sang canh ở thị trấn vùng biên khiến tôi thao thức. Trời chưa rõ mặt người tôi đã xỏ giày dạo quanh ngắm đất trời. Phố huyện đang tan sương đêm, lạnh tê tái nhưng đã thấp thoáng bóng người. Tôi rảo bước theo mấy cháu chừng hơn 10 tuổi và cất tiếng: “Các cháu đi học hay đi làm gì mà sớm thế?”. Một cháu nhanh nhảu đáp: “Hôm nay đến phiên trực nhật nên chúng cháu phải đi sớm”. Đứng bên cổng trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, tôi lặng ngắm các cháu đứng thành hàng ngang nhịp nhàng đưa chổi quét sân trường. Tiếng chổi khua vang báo hiệu ngày mới đang bắt đầu.

Mặc dù địa hình núi cao, suối sâu nhưng đường giao thông lên ngã ba biên giới được đầu tư xây dựng khá tốt. Bản làng ẩn hiện bên màu xanh núi rừng và sắc hoa dã quỳ là chủ đạo. Biết lịch trình của đoàn, các chiến sĩ Đồn biên phòng A Pa Chải đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện giúp chúng tôi khám phá cột mốc số 0, tọa độ cực Tây đồng thời cũng là điểm ngã ba biên giới. Trung úy Hạng A Minh, người dân tộc H’mông vừa dẫn đường vừa kiêm hướng dẫn viên cho đoàn. Vượt gần 10 km đường tuần tra biên giới bằng ô tô, 10 chàng trai người Hà Nhì đã đón đợi để đưa chúng tôi bằng xe máy men theo con đường nhỏ như sợi chỉ bên sườn núi Khuôn La San dốc đứng. Tiếp đó đoàn đi bộ 541 bậc là chạm tay mốc số 0.

 Bên cột mốc số 0.

Bên cột mốc số 0.

Bất chấp cái lạnh thấu xương, đứng trên đỉnh cực Tây phóng tầm mắt ra bốn phía, lòng tôi ấm áp khó tả, cảm xúc dâng trào, cảm nhận sự hùng vĩ của non sông gấm vóc nước Việt mà ông cha, tiên tổ từ ngàn xưa đã dày công vun đắp, giữ gìn. Giữa khói sương bảng lảng, tôi kịp biên chép một vài con số trên bảng tin: A Pa Chải thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Cột mốc giao điểm nằm trên đỉnh núi Khoan La San, có độ cao 1.866,236 m; tọa độ 22O24’02,295’’ vĩ độ Bắc, 102O08’38,109’’ kinh độ Đông do ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc cùng xây dựng, chất liệu bằng đá hoa cương, có ba mặt gắn quốc huy của ba nước; khởi công ngày 21/4/2005, hoàn thành ngày 5/7/2005. Trung úy Hạng A Minh cho biết thêm, cột mốc cao 2 m có mặt cắt hình tam giác, từ mỗi cạnh của tam giác gióng một đường thẳng thì đó là đường biên giới của mỗi nước. Hằng năm, Đồn biên phòng A Pa Chải đều phối hợp tuần tra chung, trao đổi hợp tác bảo vệ an ninh biên giới, giao lưu hữu nghị với các đơn vị biên phòng và nhân dân huyện Giang Thành (Trung Quốc) và Phong Sa Lỳ (Lào).

Chỉ một thoáng dừng chân trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nhưng chúng tôi đã kịp cảm nhận tình quân dân nơi đây thật mộc mạc và sâu đậm. Sinh sống quanh khu vực biên giới này chủ yếu là đồng bào người Hà Nhì. Bà con coi đồn biên phòng như nhà của mình. Chu Khai Sơn, chàng trai Hà Nhì khỏe khoắn kể không mấy ngày không ghé qua đồn. Các hoạt động văn hóa, thể thao, tình nghĩa… do đồn biên phòng tổ chức em đều tham gia. Sơn cũng cho biết đầu xuân năm mới em sẽ nhập ngũ. Qua câu chuyện, tôi cảm nhận ở em sự phấn chấn, tự tin khi được làm anh bộ đội Cụ Hồ.

 Vui hội ném còn. ảnh: Đức Tâm (Báo Điện Biên Phủ).

Vui hội ném còn. ảnh: Đức Tâm (Báo Điện Biên Phủ).

Bên mâm cơm cây nhà lá vườn do Trưởng Đồn biên phòng A Pa Chải, Thượng tá Nguyễn Đức Dũng mời đoàn chúng tôi, chuyện nghĩa tình quân dân như không có hồi kết. Hiện nay các cán bộ, chiến sĩ biên phòng đang nhận nuôi dưỡng 2 người con có hoàn cảnh khó khăn, ngoài ra còn tặng quà, học bổng cho hàng chục học sinh, hộ nghèo mỗi độ Tết đến, xuân về và vào năm học mới. Khi bản làng vào mùa vụ hoặc khi có chiến dịch làm đường giao thông là sắc áo xanh bộ đội lại hòa quyện màu áo sặc sỡ của các chị, các em người Hà Nhì.

Nói về hướng phát triển của A Pa Chải, Trung tá Đoàn Thanh Tuấn, Chính trị viên tràn đầy lạc quan. Theo anh, dự án xây dựng cột cờ A Pa Chải (tương tự cột cờ Lũng Cú) đang được khẩn trương hoàn thành; dự án nâng cấp lối mở A Pa Chải - Long Phú thành cửa khẩu song phương đang được các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Trung Quốc xúc tiến mạnh mẽ; ngoài ra còn có các lễ hội văn hóa, ném còn, hội chợ thương mại giữa ba nước được khôi phục trở lại sau dịch Covid-19… sẽ là cơ hội để vùng đất ngã ba biên giới ngày càng hấp dẫn du khách gần xa.

Chia tay cán bộ, chiến sĩ biên phòng và người dân Hà Nhì đang ngày đêm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bất giác tôi nhớ hình ảnh và tiếng chổi tre reo vui như một bản nhạc lúc hừng đông của các em học sinh nơi miền biên viễn. Tôi tin có thế hệ tương lai hiếu học là mùa xuân đã và đang về trên mảnh đất cực Tây thiêng liêng của Tổ quốc.

Trịnh Văn Ánh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/418438/xuan-ve-cuc-tay-a-pa-chai.html