Xuất khẩu 2021 'vượt bão' Covid-19, khai thác cơ hội từ các FTA thế hệ mới

Trong 1 năm đầy khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp vẫn giữ đà tăng trưởng, bảo đảm an ninh lương thực, gia tăng giá trị chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa, đóng góp vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu ngoạn mục trong năm nay.

Theo các con số thống kê, tính đến hết tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt xấp xỉ 300 tỷ USD. Nhiều dự báo cho thấy khả năng giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2021 có thể đạt hơn 331 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với năm trước (cao hơn nhiều so với mục tiêu 4-5% ngành Công Thương đặt ra hồi đầu năm) và tiếp tục có xuất siêu. Đây có thể nói là thành tích rất đáng tự hào của Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tác động trực tiếp đến các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của Việt Nam.

Đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ở hầu hết các quốc gia và nền kinh tế mà Việt Nam có quan hệ thương mại, xuất khẩu năm 2021 vẫn tăng trưởng “2 con số” và tiếp tục có xuất siêu thực sự là một kết quả ngoài mong đợi.

Đã có 34 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm hơn 93% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lần đầu tiên xác lập mốc kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 100 tỷ USD trong năm 2021. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng khi chiếm tới hơn 86% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng khi chiếm tới hơn 86% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực của tăng trưởng khi chiếm tới hơn 86% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Đóng góp vào thành công chung đó phải kể đến nỗ lực của mọi cấp ngành đến từng doanh nghiệp và người dân để duy trì sản xuất, lưu thông hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp. Có những khu vực, ngành nghề luôn duy trì sản xuất ngay cả khi dịch bệnh diễn biến phức tạp như công nghiệp điện tử, máy móc thiết bị, linh kiện… hay nhiều lĩnh vực đã tăng tốc bứt phá ngoạn mục trong bối cảnh “bình thường mới” như dệt may, da giày…

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương là rất đáng ghi nhận: “Trong nhóm hàng công nghiệp thì chúng ta cũng nhìn thấy nhóm hàng liên quan đến các sản phẩm máy móc, thiết bị điện tử có giá trị rất lớn… Ngoài ra, các ngành hàng truyền thống, đặc biệt là dệt may và da giầy thì đợt giãn cách ở các tỉnh, thành phía Nam giai đoạn từ tháng 7 - 9 cũng có tác động rất lớn. Tuy nhiên, trong 2 tháng cuối năm vừa qua thì chúng ta thấy sự phục hồi của các doanh nghiệp dệt may, da giày cũng rất nhanh… đây là những thành tựu rất quan trọng, tạo nên bức tranh chung về xuất khẩu rất khả quan”.

Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 15% giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế, song nông nghiệp lại là lĩnh vực đem đến những “động lực mới” cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2021 - khi rất nhiều nhóm hàng nông, lâm, thủy, sản xuất khẩu đã không chỉ được mùa, được giá, mà ngay cả những mặt hàng xuất khẩu giảm về lượng nhưng lại tăng cao về giá. Nhờ đó, đã giúp cho ngành nông nghiệp cán đích trước hẹn giá trị xuất khẩu Chính phủ giao. Tính đến hết tháng 11/2021, xuất khẩu nông sản đã đạt 43,5 tỉ USD, dự báo cả năm đạt khoảng 47 tỉ USD, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao khoảng 5 tỉ USD.

“Như Vải Lục Ngạn lần đầu tiên được xuất khẩu sang các thị trường cao cấp và đạt được giá trị rất cao. Hay mặt hàng gạo chúng ta đã xuất khẩu có trọng điểm, có thương hiệu cho nên chúng ta cũng đạt được giá trị xuất khẩu rất cao…” - chuyên gia thương mại cao cấp, PGS. TS Phạm Tất Thắng cho biết.

Theo các chuyên gia, thành công lớn nhất của xuất khẩu nông sản nói riêng xuất khẩu nói chung trong năm nay chính là ở chỗ cùng với việc giữ được các thị trường xuất khẩu truyền thống (Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tăng 27,5%; tiếp đến là Trung Quốc, Liên minh châu Âu - EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản...) thì doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) nhất là các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA, vừa giúp đa dạng hóa thị trường, vừa mở rộng xuất khẩu nhiều loại hàng hóa vốn có lợi thế sang các thị trường có tiềm năng, cho giá trị gia tăng cao hơn.

Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 15% giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế, song nông nghiệp lại là lĩnh vực đem đến những “động lực mới” cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2021.

Mặc dù chỉ chiếm chưa tới 15% giá trị xuất khẩu của toàn nền kinh tế, song nông nghiệp lại là lĩnh vực đem đến những “động lực mới” cho tăng trưởng xuất khẩu năm 2021.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực thị trường EU tăng 10,6%, sang thị trường Vương quốc Anh và Bắc Ireland tăng 14,5%, sang các thị trường CPTPP chưa có FTA trước đây với Việt Nam tiếp tục ghi nhận tăng trưởng cao, đáng kể như xuất khẩu sang Canada tăng 17,6%, Mexico 43,9%, Peru 84,3%.

Những nỗ lực mở cửa thị trường thông qua đàm phán thương mại song phương và đa phương của Chính phủ nhằm tháo gỡ các rào cản, minh bạch hóa các tiêu chuẩn, quy định tại thị trường đối tác giúp xuất khẩu đã có sự tăng trưởng cân đối hơn, không chỉ về quy mô chiều rộng mà hướng tới cả về chiều sâu. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã tiếp cận được các khu vực thị trường được coi là “khó tính” nhất trên thế giới, nơi đặt ra những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là với nhóm hàng nông sản và thủy sản, nhóm hàng chịu ảnh hưởng tương đối lớn của dịch bệnh.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận: “Chúng ta có nhiều những cơ hội để mở rộng xuất khẩu, dựa trên cơ sở khai thác các FTA thế hệ mới thì đây là những cơ hội rất tích cực. Tôi cho rằng việc khai thác các FTA thế hệ mới, nhất là CPTPP, AVFTA và RCEP trong thời gian tới cũng là rất quan trọng”.

Nhìn lại lại hoạt động xuất khẩu trong năm 2021 - một năm có thể nói là “vượt bão Covid-19” để có được kết quả “ngoài mong đợi, đưa cán cân thương mại từ nhập siêu (tính đến hết quý 3) chuyển sang có thặng dư thương mại (xuất siêu nhẹ) sau 11/2021.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã nhấn mạnh 3 việc rất lớn mà chúng ta đã làm được trong năm 2021: “Thứ nhất, là nỗ lực cao độ để duy trì sản xuất và xuất khẩu. Điển hình thành công là chúng ta đã duy trì được nhịp độ sản xuất và xuất khẩu, trong đó có những trung tâm xuất khẩu rất lớn như tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên... Việc lớn thứ hai mà chúng ta đã làm được đó là dồn toàn lực để làm sao bảo đảm được lưu thông hàng hóa trong bối cảnh giãn cách xã hội, bao gồm cả hàng hóa là đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu. Điểm cuối cùng cũng hết sức quan trọng, đó là, chúng ta đã giữ an toàn cho tất cả các cửa ngõ xuất khẩu chính”.

Mặc dù đã có được rất nhiều điểm sáng đáng kể trong bức tranh xuất khẩu của năm 2021, song, dưới tác động của dịch Covid-19 thời gian qua cho thấy đã có nhiều thời điểm bị đứt gãy về nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động giá cả… Đây là những bài học mà doanh nghiệp cần quan tâm chú trọng đến việc quản lý rủi ro, phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó là câu chuyện về phòng vệ thương mại; Những biện pháp bảo hộ của các thị trường nhập khẩu cũng có thể gây ra những khó khăn mà doanh nghiệp cần chuẩn bị, chủ động ứng phó.

Cùng với đó, vẫn còn không ít tồn tại vốn chưa được tháo gỡ, như: tỷ trọng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tới hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, hay mặc dù cán cân thương mại năm thứ 6 liên tục có xuất siêu nhưng Việt Nam vẫn chưa cải thiện được nhập siêu dịch vụ, rồi những yêu cầu cao của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như những tiêu chuẩn về lao động, môi trường… mà theo giới phân tích, chỉ khi chúng ta giải quyết được cơ bản những tồn tại này, xuất khẩu của Việt Nam mới tiến tới tăng trưởng bền vững./.

Nguyên Long/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/xuat-khau-2021-vuot-bao-covid-19-khai-thac-co-hoi-tu-cac-fta-the-he-moi-post913540.vov