Xuất khẩu gặp khó, doanh nghiệp cần chủ động tận dụng các cơ hội

Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD. Tuy nhiên, do bối cảnh chung khó khăn và nhiều thách thức, biến động của toàn cầu, quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 79 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ. Đây là thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cần có giải pháp vượt qua khó khăn thách thức trước mắt, lấy lại đà tăng trưởng.

Doanh nghiệp lao đao vì ảnh hưởng thị trường thế giới

Đánh giá về tình hình hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong quý I/2023, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cộng đồng DN đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Thế Dương

Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Thế Dương

Theo bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hiện những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực EU tăng trưởng chậm lại. Đáng lo ngại là tình trạng suy giảm các đơn hàng xuất khẩu, đặc biệt trong các ngành may mặc, da giày… vốn là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

“Khó khăn nữa đối với DN là một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn. Cùng với đó, vấn đề tiếp cận vốn của DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn và việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới" - bà Trần Thị Hồng Minh cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân xảy ra tình trạng DN thiếu đơn hàng có yếu tố khách quan do nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, khiến kim ngạch xuất khẩu quý I/2023 của nước ta ước đạt hơn 79 tỷ USD, giảm 11,9%. Trong đó, khu vực đầu tư trong nước giảm 17,4%; khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 10%.

Trong tổng số 45 nhóm hàng xuất khẩu chính trong quý I, có đến 35 nhóm hàng có tốc độ tăng trưởng âm, chiếm đến 83,1% giá trị xuất khẩu. Trong đó một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ như: Hàng dệt may giảm 17,4%; điện tử máy tính và linh kiện giảm 10,9% điện thoại các loại và linh kiện giảm 15%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,3%...

Ở góc độ DN, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, nhận định rằng hiện nay ngành gỗ có trên 6.000 DN (bao gồm cả 800 DN FDI), sử dụng trên 500.000 lao động… Trong những năm qua, mức tăng trưởng được duy trì trên 2 con số. Đây là tín hiệu tích cực đối với hầu hết các DN xuất khẩu. Tuy nhiên, DN gỗ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức và là ngành chịu ảnh hưởng do suy thoái kinh tế khiến đơn hàng giảm tới 28,3%.

Doanh nghiệp chủ động thích ứng, tận dụng các cơ hội

Theo các chuyên gia kinh tế, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện nay rất khó khăn, nhưng vẫn có nhiều cơ hội để tận dụng, đặc biệt là DN phải nhanh chóng thích ứng với tình hình mới.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng, sự tồn tại của DN đang là câu chuyện lớn. DN cần định vị lại các giá trị cốt lõi như năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ, cung cách quản trị của đơn vị mình để vượt qua thách thức. Thích ứng với tình hình mới, DN phải gắn liền với tư duy mới, trong đó phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Coi trọng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu tiếp cận mới với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, nhằm mục đích thay đổi dần tư duy sản xuất của doanh nghiệp; khuyến khích áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng tiêu chuẩn và quy định ngày càng khắt khe của các nước phát triển để đảm bảo gia tăng xuất khẩu hàng hóa một cách bền vững.

Ở góc độ đại diện quyền lợi của cộng đồng DN, ông Phạm Tấn Công khẳng định, VCCI sẽ tiếp tục nắm chắc tình hình, kịp thời hỗ trợ DN vượt qua các khó khăn của năm 2023 và tiếp tục phục hồi phát triển. Thêm vào đó, VCCI cũng tiếp tục đề xuất, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN…

Ở góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công thương nhận định, khó khăn về thị trường xuất khẩu còn kéo dài, đặc biệt là đối với các mặt hàng chủ lực, các thị trường lớn. Dự báo là các DN nhập khẩu thủy sản ở các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Anh… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí trong bối cảnh lạm phát tăng cao, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn trước.

Trước những khó khăn thách thức nêu trên, Bộ Công thương cho biết, sẽ tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, nhất là các điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản... ảnh hưởng tới thương mại với Việt Nam, từ đó kịp thời đưa ra cảnh báo cho cộng đồng DN và tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.

Các nhiệm vụ chính là đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường, ngành hàng truyển thống; phát triển các thị trường khu vực bắc Âu, đông Âu, Mỹ La Tinh; tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực Asean và một số nước châu Á để đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt là việc nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, nhất là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; đồng thời thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-gap-kho-doanh-nghiep-can-chu-dong-tan-dung-cac-co-hoi-124847.html