Xuất khẩu lương thực của Thái Lan dự báo tăng trưởng cao
Ngành công nghiệp thực phẩm Thái Lan sẽ hưởng lợi từ tình hình hiện tại khi nhiều nước ngày càng lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung khiến các đơn đặt mua hàng hóa Thái Lan gia tăng.
Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) nhận định các doanh nghiệp xuất khẩu lương thực Thái Lan sẽ được hưởng lợi khi tình trạng thiếu hụt lương thực trên toàn cầu dự báo sẽ gia tăng mạnh vào nửa cuối năm 2022.
Chủ tịch FTP Kriengkrai Thiennukul cho biết, rất nhiều quốc gia trên thế giới có thể sẽ lâm vào cảnh thiếu hụt lương thực do các nước như Ấn Độ, Serbia, Kazakhstan và Ai Cập đã cấm xuất khẩu các mặt hàng lương thực, trong đó có lúa mì.
Bên cạnh đó, do năng suất cây trồng giảm mạnh trong bối cảnh cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine gây ra tình trạng thiếu hụt phân bón và thức ăn gia súc, việc dự trữ lương thực sẽ là không tránh khỏi. Cuộc xung đột cũng khiến giá phân bón và một số nguyên liệu thô tăng đột biến.
Theo ông Kriengkrai, Nga và Ukraine là hai trong số các quốc gia xuất khẩu hàng hóa lớn nhất. Hiện Nga là nước sản xuất và xuất khẩu thép lớn nhất và cũng là nhà xuất khẩu lúa mì, ngô dùng làm thức ăn gia súc lớn trên thị trường thế giới. Trong khi đó, Ukraine cũng là một nước xuất khẩu lúa mì lớn.
FTI tin rằng ngành công nghiệp thực phẩm Thái Lan sẽ hưởng lợi từ tình hình hiện tại khi nhiều nước ngày càng lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung khiến các đơn đặt mua hàng hóa Thái Lan gia tăng.
Ông Kriengkrai cho biết, các nhà máy lương thực Thái Lan đã chuẩn bị nguyên liệu thô dùng để chế biến lương thực nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng từ thị trường lương thực thế giới, vốn đang bị tác động bởi cuộc xung đột. FTI khẳng định nguồn nguyên liệu thô của Thái Lan không có nguy cơ bị thiếu hụt bởi nguồn nông sản của nước này rất dồi dào.
FTI hiện đang theo dõi sát tình hình giá cả xăng dầu toàn cầu bởi đây là một yếu tố có thể khiến lạm phát gia tăng. Việc giá dầu mỏ thế giới gia tăng đã khiến tình trạng lạm phát của Thái Lan tăng đột biến trong thời gian qua. Văn phòng Chiến lược và Chính sách Thương mại Thái Lan vừa thông báo lạm phát toàn phần ở nước này trong tháng Năm đã đạt mức 7,1%, cao nhất trong vòng 13 năm qua.
Trước đó, FTI cho biết Chỉ số tâm lý công nghiệp Thái Lan cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục trong bảy tháng với 84,3 điểm trong tháng Năm, trong bối cảnh xuất hiện nhiều bất ổn kinh tế, từ lạm phát tăng cho đến các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Xuất khẩu lương thực của Thái Lan đạt 324 tỷ baht (9,13 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm nay. Trong số đó, các sản phẩm thực phẩm công nghiệp đạt 187 tỷ baht, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp chiếm 138 tỷ baht, tăng 10%.
10 mặt hàng lương thực tăng trưởng xuất khẩu hàng đầu là mỡ và dầu ăn từ thực vật và động vật; đường và mật; ngũ cốc; ngô; thịt; mực ống; thức ăn cho vật nuôi; gạo; cá; và gia vị thực phẩm. 10 thị trường nhập khẩu thực phẩm hàng đầu của Thái Lan là ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia (Ô-xtrây-li-a), Anh, Ấn Độ, Hà Lan và Đài Loan (Trung Quốc).
Tháng trước, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các công ty chế biến thực phẩm Thái Lan Visit Limlurcha dự báo xuất khẩu lương thực của Thái Lan sẽ tăng 5% trong năm nay lên 1.100 tỷ baht (khoảng 31 tỷ USD)./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuat-khau-luong-thuc-cua-thai-lan-du-bao-tang-truong-cao/248484.html