Xuất khẩu thủy sản hai tháng đạt 1,5 tỷ USD, triển vọng đạt mục tiêu cả năm 9 tỷ USD

Theo số liệu của VASEP công bố ngày 28/3, xuất khẩu thủy sản hai tháng đầu năm chạm mốc 1,5 tỷ USD, trong đó các mặt hàng chính đều tăng trưởng lạc quan, mang lại kỳ vọng đạt mục tiêu chưa từng có cho cả năm 2022 là trên 9 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, hai tháng đầu năm nay xuất khẩu thủy sản đã tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng tháng 2/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 637,8 triệu USD, tăng 62,5% so với tháng cùng kỳ và là mức cao kỷ lục trong tháng 2 các năm.

Tăng trưởng trong hai tháng đầu năm đã đem lại kỳ vọng thủy sản xuất khẩu đạt được mục tiêu thách thức trên 9 tỷ USD trong cả năm 2022. Đây vốn là con số được đặt ra trong nhiều năm qua, nhưng do nhiều yếu tố, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà ngành thủy sản vẫn chưa đạt được.

Trong hai tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 346 triệu USD, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2021. Đứng thứ hai là thị trường Nhật Bản đạt 210 triệu USD, tăng 16%; Trung Quốc đạt 170 triệu USD, tăng 93%; Hàn Quốc đạt 122 triệu USD, tăng 28%; Canada đạt 60 triệu USD, tăng 70%.

Theo VASEP, trong hai tháng đầu năm, STAPIMEX là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lớn nhất, đạt 60 triệu USD. Đứng thứ hai là CTCP Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp), đạt 59 triệu USD; đứng thứ ba là CTCP Thủy sản Minh Phú (Minh Phu Seafood Corp).

Tính theo các địa phương, TP HCM là địa phương có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn nhất trong hai tháng đầu năm 2022, đạt 166 triệu USD. Đứng thứ hai là Đồng Tháp, đạt 156 triệu USD, Sóc Trăng đạt 152 triệu USD…

Về kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cụ thể, hai tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt 558 triệu USD, tăng 48%; cá tra đạt 385 triệu USD, tăng 94%; cá ngừ đạt 155 triệu USD, tăng 82%; cá các loại đạt 258 triệu USD, tăng 9%; thủy sản khác đạt 152 triệu USD.

Về các mặt hàng chính, xuất khẩu tôm trong tháng 2/2022 đạt 244,8 triệu USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2021. VASEP dự báo trong tháng 3/2022, xuất khẩu tôm sẽ tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu tôm cả năm dự kiến đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2021.

Trong 2 tháng đầu năm Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, đạt 117,5 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của năm 2021. Trong hai tháng đầu năm, thị trường Hoa Kỳ chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, đạt 21,3 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2021. Trong năm 2021, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc giảm tới 22%, đầu năm nay bắt đầu ghi nhận sự phục hồi.

Theo VASEP đánh giá, Trung Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới với các kênh dịch vụ ẩm thực quy mô khổng lồ. Năm 2022, nhập khẩu tôm của Trung Quốc được dự báo tăng mạnh.

Trước sự khắt khe của thị trường này đối với việc kiểm soát mặt hàng nhập khẩu do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh, doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam cần đảm bảo công tác kiểm soát và phòng chống dịch trong quá trình sản xuất và xuất khẩu.

Năm 2022, Hoa Kỳ và Nhật Bản được dự báo vẫn là những thị trường lẻ đóng vai trò quan trọng đối với tôm xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành tôm cũng tập trung thêm các thị trường tiềm năng khác như Canada, Australia, Anh…

Về mặt hàng cá tra, trong hai tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hoa Kỳ đạt 94,57 triệu USD, tăng 119,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, riêng tháng 2/2022, giá trị xuất khẩu đạt gần 42 triệu USD, tăng 67%.

Tính đến ngày 21/3/2022, Việt Nam có 4 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0% đối với mặt hàng cá tra xuất khẩu sang thị trường này, bao gồm CTCP Vĩnh Hoàn; Vạn Đức Tiền Giang; NAVICO và Thủy sản NTSF.

Ngoài ra, 2 doanh nghiệp chịu mức thuế chống bán giá thấp, gồm CASEAMEX áp mức thuế chống bán phá giá là 0,15 USD/kg và Thủy sản Biển Đông áp mức 0,19 USD/kg. Hiện tại mức thuế suất toàn quốc vẫn là 2,39 USD/kg.

Việc được giảm thuế hoặc hưởng lợi thuế 0% mức thuế chống bán phá giá tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam lấn sâu vào thị trường tiềm năng mà đầy khó tính này.

Dự báo đến nửa đầu năm, nhu cầu tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ vẫn sẽ ở ngưỡng cao. Giá cá tra nguyên liệu trong nước tăng lên mức hơn 30.000 đồng/kg đã thúc đẩy giá cá tra xuất khẩu trung bình tăng.

Năm 2021, có hơn 10 doanh nghiệp cá tra Việt Nam tham gia xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, CTCP Vĩnh Hoàn, Thủy sản NTSF và Thủy sản Biển Đông là 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Sau Hoa Kỳ, Trung Quốc – Hong Kong là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam. Tính đến hết tháng 2/2022, cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc – Hong Kong đạt trị giá 85,8 triệu USD, tăng 239,6% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường này chiếm 23,3% tổng giá trị xuất khẩu cá tra của trong hai tháng đầu năm.

Như nhiều mặt hàng khác, cá tra xuất khẩu sang thị trường này cũng gặp khó khăn do chính sách kiểm soát chặt chẽ hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang thị trường Hong Kong lại tăng 111% so với cùng kỳ năm 2021.

Với thị trường EU, sau 2 năm ghi nhận sự sụt giảm liên tiếp, xuất khẩu cá tra sang thị trường này bắt đầu có sự phục hồi. Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang EU đạt gần 28 triệu USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Hà Lan đạt gần 10 triệu USD; Đức đạt 3,4 triệu USD; Bỉ đạt 2,8 triệu USD, Tây Ban Nha đạt 2,7 triệu USD…

Về mặt hàng cá ngừ, trong tháng 2/2022, xuất khẩu cá ngừ đạt 67 triệu USD, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, số liệu này so với tháng 2/2019 (thời điểm trước bùng phát dịch Covid-19) đã tăng gần gấp đôi. Như vậy, có thể thấy sự phục hồi mạnh mẽ của mặt hàng này ngay từ đầu năm 2022. Đây là tín hiệu tích cực, mang lại kỳ vọng đạt kỷ lục xuất khẩu cá ngừ trong năm 2022.

Hiện có hơn 110 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá ngừ. Trong đó, Bidifisco, Dragon Waves, Mariso Vietnam, Tithico và Havuco là 5 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất cả nước, chiếm tới 39% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.

Khánh Hòa là địa phương dẫn đầu cả nước về xuất khẩu cá ngừ, chiếm 45% trong tổng giá trị xuất khẩu hai tháng. Đứng thứ hai là Bình Định 13%, Long An 9%...

Tính đến hết tháng 2/2022, Hoa Kỳ tiếp tục giữ vị trí thứ nhất về kim ngạch nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam, đạt 80 triệu USD, tăng 99% so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu sang EU đạt 24 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường lẻ trong khối đều tăng mạnh. Riêng thị trường Hà Lan đã từ vị trí thứ 4 vươn lên vị trí thứ nhất, trở thành thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.

Trong thời gian tới, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, cá ngừ Việt Nam vẫn sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn từ các nước đối thủ tại thị trường EU. Những quy định, rào cản kỹ thuật tiếp tục tạo thế khó cho cá ngừ Việt tại EU.

Nguồn Mekong Asean: https://mekongsean.vn/xuat-khau-thuy-san-hai-thang-dat-1-5-ty-usd-trien-vong-dat-muc-tieu-ca-nam-9-ty-usd-post4909.html