Xuất, nhập khẩu đầu năm thông suốt, ổn định
Tháng 1 vừa qua, dù là dịp Tết Nguyên đán, song nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu xuất, nhập khẩu lớn, đặc biệt là lượng hành khách xuất nhập cảnh gia tăng đột biến. Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành bố trí cán bộ, công chức đảm bảo thông quan hàng hóa liên tục, kể cả trong 9 ngày nghỉ Tết, xử lý mọi công việc, tình huống phát sinh. Nhờ vậy, tình hình xuất, nhập khẩu, quá cảnh, xuất nhập cảnh không ùn tắc, không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh.
![Hành khách xuất nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Châu Anh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_12_578_51455919/c85d9cb1abff42a11bee.jpg)
Hành khách xuất nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Ảnh: Châu Anh
Sẵn sàng đáp ứng nhu cầu làm thủ tục
Kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế quốc tế. Do đó, việc lực lượng hải quan ứng trực 24/7 suốt những ngày nghỉ đang dần trở thành một nhiệm vụ thường xuyên. Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, tất cả các địa bàn đều tổ chức trực để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu làm thủ tục của các doanh nghiệp.
Bà Trương Thị Bình An – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, để tránh ách tắc, ở các cửa khẩu, lực lượng làm nghiệp vụ hải quan được bố trí khoa học. Đồng thời, có sự phối hợp nhịp nhàng với các đơn vị chức năng khác, các đơn vị kinh doanh kho bãi cảng để thông quan hàng hóa thông suốt.
Ở tuyến hàng không, năm nào cũng vậy, vào dịp Tết, lượng khách du lịch và kiều bào nhập cảnh qua các cảng hàng không quốc tế thường tăng cao đột biến. Riêng sân bay quốc tế Nội Bài, trung bình mỗi ngày này có tới 40.000 hành khách nhập cảnh, tăng 18% so với ngày thường khiến công việc của công chức hải quan tăng theo.
Bà Hoàng Thị Thu Trà – Đội trưởng Đội Thủ tục hành lý nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội) cho hay, đơn vị bố trí công chức trực 24/7 cả những ngày nghỉ Tết. Đồng thời, áp dụng quản lý rủi ro để phân luồng hành khách, giúp giảm thiểu thời gian làm thủ tục.
Theo nhận xét của ông Đỗ Ngọc Trường – Trưởng phòng Logistic, Chi nhánh Công ty Giao nhận vận tải Con Ong (Hải Phòng), cơ quan hải quan làm việc xuyên Tết giúp cho doanh nghiệp hoàn thành được các đơn hàng đã ký kết, cũng như đảm bảo được tiết kiệm chi phí lưu contaner, lưu bãi, kho.
Hệ thống công nghệ thông tin cũng được tập trung để đảm bảo vận hành thông suốt 24/7 và sẵn sàng hỗ trợ các cửa khẩu khi cần thiết. Theo ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng phụ trách Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), từ lãnh đạo Tổng cục đến các đơn vị chuyên môn đều trực 24/7 để giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai nghiệp vụ của hải quan địa phương. Đồng thời, kịp thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng dịp này để vi phạm pháp luật.
Bà Trần Thị Hương Quỳnh – Giám đốc vận tải quốc tế, Công ty Vận tải Việt Á cũng cho hay, hệ thống của cơ quan hải quan xử lý trực tuyến, liên tục cũng góp phần giảm tải áp dụng làm thủ tục cho doanh nghiệp trong dịp cao điểm như Tết.
Thương mại vẫn duy trì thặng dư
Với những nỗ lực của ngành Hải quan, xuất nhập khẩu tháng đầu năm đã thông suốt ổn định. Số liệu thống kê sơ bộ vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 1/2025 đạt 63,25 tỷ USD, giảm 3,3% (tương ứng giảm 2,16 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng trị giá xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 42,64 tỷ USD, giảm 4,1% (tương ứng giảm 1,81 tỷ USD); trị giá xuất, nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 20,61 tỷ USD, giảm 1,7% (tương ứng giảm 350 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tháng 1/2025 đạt 33,19 tỷ USD, giảm 4%, tương ứng giảm 1,37 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Dù tính chung cả tháng có giảm, song tính riêng nửa cuối tháng 1, trị giá xuất khẩu tăng 3,8% (tương ứng tăng 616 triệu USD về số tuyệt đối) so với nửa đầu tháng.
Trong giai đoạn này, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng cao, trong nửa cuối tháng 1 tăng tới 1,47 tỷ USD, tương ứng 87% so với nửa đầu tháng 1. Bên cạnh đó, xuất khẩu hàng hóa giảm ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 552 triệu USD, tương ứng giảm 17%; giày dép các loại giảm 129 triệu USD, tương ứng giảm 13%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 98 triệu USD, tương ứng giảm 29%.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 1/2025 đạt 23,47 tỷ USD, giảm 5,6% (tương ứng giảm 1,39 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 71% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Về nhập khẩu, tổng trị giá ghi nhận nửa tháng qua chỉ đạt 12,03 tỷ USD, giảm 33,1% (tương ứng giảm 5,94 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ trước. Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 1/2025 giảm chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 1,35 tỷ USD, tương ứng giảm 24,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 877 triệu USD, tương ứng giảm 36%; sắt thép các loại giảm 227 triệu USD, tương ứng giảm 49,4%; chất dẻo nguyên liệu giảm 278 triệu USD, tương ứng giảm 48,5%; vải các loại giảm 232 triệu USD, tương ứng giảm 35,4% so với kỳ trước.
Như vậy, tính cả tháng 1/2025, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 30,06 tỷ USD, giảm 2,6% (tương ứng giảm 794 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 7,8 tỷ USD, giảm 31% (tương ứng giảm 3,51 tỷ USD) so với kỳ trước. Tính trong tháng 1/2025, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 19,17 tỷ USD, giảm 2,2% (tương ứng giảm 423 triệu USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 63,8% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Tổng kết cả tháng, tuy tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có giảm, chủ yếu do nhiều doanh nghiệp nghỉ Tết hoặc đã thực hiện xuất nhập khẩu từ cuối năm, song cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư 3,13 tỷ USD.
Ngăn chặn hàng nghìn vụ vi phạm trong tháng Tết
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các mặt hàng tiêu dùng có chiều hướng gia tăng. Số vụ phát hiện bắt giữ và xử lý tăng 9,6%, trị giá hàng hóa vi phạm tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả bắt giữ và xử lý vi phạm trong tháng đầu năm lên tới 1.430 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.462 tỷ đồng; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 7 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 95 tỷ đồng.