Xúc động ngày giỗ chung của các liệt sỹ biệt động Sài Gòn - Gia Định
Lễ dâng hương hoa tưởng nhớ và làm giỗ chung cho các chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được tổ chức tại TPHCM vào hôm nay.
Hôm nay (ngày 3/2, tức mùng 6 Tết Ất Tỵ), Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TPHCM - khối Lực lượng vũ trang Sài Gòn - Gia Định, các anh hùng lực lượng vũ trang, cựu chiến binh và người thân, con cháu của chiến sĩ biệt động cùng tề tựu về căn nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) làm lễ dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ và đám giỗ chung cho các anh hùng liệt sĩ.
Lễ giỗ chung của các anh hùng liệt sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định là ước nguyện của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Nguyễn Đức Hùng (tức Tư Chu) - Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn và các gia đình thân nhân.
Đây là năm thứ hai, lễ giỗ chung được làm tại căn nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám. Trước đây, ngôi nhà này là garage xe phục vụ hậu cần - kỹ thuật cho lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Các đồng đội cũ trên chiến trường xưa vui mừng và xúc động gặp lại nhau. Trong ảnh là ông Nguyễn Văn Thân (biệt danh Mười Thân) cựu cán bộ quân báo hoạt động trong hàng ngũ của địch rưng rưng khi gặp lại đồng đội, người quen.
Đông đảo cựu chiến binh là chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định năm xưa và thân nhân các liệt sĩ đã về dự buổi lễ.
Trong sự kiện Tết Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định chỉ với 88 người chia làm 5 cánh, vào 2h giờ mùng 2 Tết nguyên đán (tức ngày 31/1/1968), đã thực hiện một số trận đánh tại Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu, Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ Đô, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất..., làm rung chuyển Sài Gòn và dư luận thế giới.
Tại buổi lễ, ông Phan Xuân Biên - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - chia sẻ lực lượng biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và đặc biệt là trong chiến dịch Mậu Thân 1968 đã anh dũng chiến đấu và hy sinh. Đến nay, một số chiến sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt.
Theo ông Biên, lễ giỗ chung này góp phần giáo dục truyền thống, để thế hệ trẻ luôn ghi nhớ những cống hiến to lớn của các chiến sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Đồng thời, sự kiện là lời nhắc nhở thế hệ trẻ không ngừng học tập, tu dưỡng và rèn luyện đạo đức, cống hiến để xây dựng và phát triển đất nước.
Cũng trong sáng cùng ngày, tại Nghĩa trang liệt sĩ TPHCM (TP Thủ Đức), Bộ Tư lệnh TPHCM tổ chức lễ khởi công xây dựng bia tưởng niệm liệt sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định.