Xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng

Để tạo ra bước chuyển có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò của vùng đồng bằng sông Hồng cần có các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

Đồng bằng sông Hồng đóng góp 30,1%GDP

Đồng bằng sông Hồng là địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước; là cửa ngõ phía bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới. Đây cũng là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế quốc tế; sân bay Nội Bài, cảng Hải Phòng là những cửa ngõ mở ra khu vực và thế giới.

Tại hội nghị "Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng đồng bằng sông Hồng" do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 5.6, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, quy mô kinh tế theo giá hiện hành của đồng bằng sông Hồng đạt hơn 3.100 tỷ đồng, chiếm gần 30,1% GDP cả nước, đứng thứ 2/6 vùng kinh tế (sau vùng Đông Nam Bộ 30,2%). Ngoài ra, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ 166 triệu USD).

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Vùng cũng đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với 17,382 tỷ USD; 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Bên cạnh bước phát triển hết sức ấn tượng, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, đồng bằng sông Hồng đang phải đối mặt với một số vấn đề cần sớm giải quyết. Đó là kinh tế vùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chuyển dịch cơ cấu tổng thể có kết quả nhưng còn chậm. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành, xét đến các ngành cấp III và các ngành sản phẩm cụ thể chưa mạnh, chưa rõ nét. Vùng cũng chưa hình thành được các chuỗi giá trị, chưa tạo lập được các chuỗi sản xuất và các cụm liên kết ngành; chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung...

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại liên kết vùng hiện nay gặp một số khó khăn, đặc biệt là hạn chế về cơ cấu tổ chức và nguồn lực thực hiện.

Cụ thể, 11 tỉnh, thành phố của vùng đồng bằng sông Hồng có 3 mô hình trung tâm xúc tiến thương mại, thuộc các đơn vị quản lý khác nhau dẫn đến những bất cập trong quản lý nhà nước và triển khai có hiệu quả hoạt động. Một số địa phương gặp khó trong việc bố trí địa điểm, dịch vụ thuận lợi để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại lớn, thường xuyên. Ngay tại 3 cực tăng trưởng là Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đến nay vẫn thiếu các trung tâm hội chợ triển lãm, hội nghị bảo đảm diện tích và đầy đủ công năng phù hợp để tổ chức sự kiện mang tính chất khu vực, quốc tế.

Tăng cường liên kết giữa các tỉnh, thành phố

Tại hội nghị, đại diện các địa phương đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong kết nối vùng, phát triển kinh tế, xuất nhập khẩu cũng như bàn thảo giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô vùng, có tính liên kết chặt chẽ với các hoạt động xúc tiến thương mại khu vực và quốc gia.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Dương Vũ Thị Kim Phượng cho biết, Hải Dươngcó tiềm năng phát triển nông nghiệp.Hầu hết nông sản của tỉnh đã được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hình thành mô hình chuỗi liên kết. Nhiều sản phẩm được xuất khẩu với số lượng lớn, thị trường mở rộng sang nhiều nước, nhất là các thị trường cao cấp như châu Âu, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đem lại giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, hoạt động liên kết vùng, đặc biệt là trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Nhiều hợp tác xã chưa mạnh dạn tham gia tiêu thụ nông sản; chưa phát huy được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế. Hơn nữa, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, việc tiêu thụ còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, thời gian qua, thành phố đẩy mạnh liên kết cung ứng, xuất khẩu, đặc biệt trong một số lĩnh vực công nghiệp có nhu cầu cao về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; đã phát triển trong vùng như sản xuất ô tô, xe máy (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Bắc Giang); sản phẩm cơ khí chế tạo (Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên); điện tử văn phòng, gia dụng (Hà Nội - Bắc Ninh - Vĩnh Phúc)… Mục tiêu đến năm 2025, có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội; trong đó, 40% doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp tham gia chuỗi liên kết phát triển hành lang công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Bắc Ninh - Hải Dương - Quảng Ninh; Hà Nội - Vĩnh Yên - Việt Trì; Hà Nội - Lạng Sơn; vành đai kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình và trục quốc lộ 10. Mặt khác, Hà Nội sẽ hình thành các khu công nghiệp - đô thị, tăng cường các cụm liên kết ngành và khu công nghiệp chuyên biệt. Đặc biệt, thành phố tiếp tục triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu theo các chương trình, kế hoạch của thành phố, các chương trình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu…

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp cũng như lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn; đặc biệt, theo ông Phạm Khắc Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh, tới đây, tỉnh sẽ cấp phép cho nhiều dự án có quy mô lớn đầu tư hoạt động nên nhu cầu sử dụng điện rất lớn. Do đó, Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm, giúp địa phương bảo đảm cung ứng điện, phát triển điện mặt trời giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Trúc Oanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/xuc-tien-thuong-mai-va-xuat-nhap-khau-vung-dong-bang-song-hong-i374649/