Xung đột Nga-Ukraine: Loay hoay tìm đường xuất khẩu lúa mì

Khi mùa thu hoạch mới bắt đầu, nhiều người Ukraine lo ngại rằng không thể xuất khẩu ngũ cốc do Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen.

Lúa mì lưu kho ở Ukraine chờ xuất khẩu. (Nguồn: DW)

Lúa mì lưu kho ở Ukraine chờ xuất khẩu. (Nguồn: DW)

Tuần trước, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine, ông Oleksandr Kubrakov, cáo buộc Nga đang chặn nguồn xuất khẩu ngũ cốc. Theo ông Oleksandr Kubrakov , Tổng thống Vladimir Putin muốn buộc cộng đồng quốc tế "dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt và sau đó ngũ cốc mới có thể được vận chuyển".

Ukraine thường xuất khẩu từ 6 đến 7 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine, tháng trước “kho bánh mì của thế giới” Ukraine chỉ xuất khẩu được 2,2 triệu tấn.

Đáng lưu ý là 22 triệu tấn ngũ cốc từ mùa vụ năm ngoái vẫn còn mắc kẹt tại Ukraine do xung đột. Báo The Wall Street Journal gần đây đưa tin rằng Moscow đang “âm thầm” vận chuyển hàng nghìn tấn ngũ cốc của Ukraine sang các nước thân Nga ở Trung Đông.

Trong khi đó, Điện Kremlin tuyên bố rằng Kiev được tự do vận chuyển ngũ cốc qua các cảng của đất nước này. Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng khẳng định, Moscow sẵn sàng đàm phán với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu ngũ cốc.

Dư thừa lúa mì và lúa mạch

Khi người dân Ukraine bắt đầu vụ thu hoạch Hè trong tháng này, nhiều người lo ngại rằng sẽ không có nơi dự trữ ngũ cốc mới nếu Nga không nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu.

Ukraine có thể dự trữ khoảng khoảng 65 đến 67 triệu tấn ngũ cốc phục vụ xuất khẩu. Khoảng 20% nơi dự trữ thuộc vùng kiểm soát của Nga, nông dân Ukraine chỉ dự trữ được khoảng 20 đến 25 triệu tấn. Rất nhiều doanh nghiệp đang tìm cách xây kho dự trữ tạm thời.

Ukraine kỳ vọng vụ thu hoạch ngũ cốc mới đạt sản lượng ít nhất 50 triệu tấn trong năm nay, chính quyền Kiev đang tìm kiếm các tuyến đường xuất khẩu thay thế.

Một lựa chọn khả thi là các cảng dọc theo sông Danube ở phía Tây Nam Ukraine, nơi có khả năng vận chuyển được 30% sản lượng thu hoạch.

Một biện pháp khác là vận chuyển ngũ cốc qua 12 cửa khẩu biên giới với các nước châu Âu.

Mặc dù Ukraine có thể xuất khẩu thông qua cái EU gọi là “làn đường đoàn kết” - đã tăng gấp đôi lên đến 5,8 triệu tấn trong tháng Sáu, nhưng việc xuất khẩu vẫn gặp nhiều hạn chế do cơ sở hạ tầng vận chuyển chưa đáp ứng đủ.

Vấn đề lớn liên quan đến phí vận chuyển

Bà Anna Nagurney, một nhà toán học và kinh tế học người Mỹ gốc Ukraine tại Đại học Massachusetts, giải thích rằng những sản phẩm nông nghiệp như lúa mì và lúa mạch là “hàng hóa dễ hư hỏng cần mang ra thị trường càng sớm càng tốt” để bảo toàn chất lượng của chúng.

Bà Anna Nagurney cho biết: “Chất lượng sản phẩm càng cao thì sẽ có giá cao hơn”. Điều này khiến giá vận chuyển trở thành một vấn đề lớn.

Với giai đoạn xuất khẩu ngũ cốc cao điểm ở Ukraine, từ tháng 7 đến tháng 12, người dân nước này chịu áp lực phải bán nhanh nhất và nhiều nhất có thể.

Giá phân phối lúa mạch trong mùa thu hoạch từ Ukraine đến cảng Constanta của Romania hiện là 160 USD đến 180 USD/tấn - tăng khoảng 40 - 45 USD so với năm ngoái.

Hy vọng từ Romania

Cảng lớn nhất của Romania, Constanta, được xem là nơi trung chuyển chính cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Cảng này có kho chứa ngũ cốc được bốc dỡ nhanh nhất châu Âu và đã bảo quản gần một triệu tấn ngũ cốc Ukraine kể từ khi xảy ra xung đột vào tháng Hai.

Giám đốc điều hành công ty BPG Shipping, ông Gennadiy Ivanov, cho hay Constanta có thể bốc dỡ ngũ cốc Ukraine khi tàu đang neo đậu bằng cần cẩu nổi từ tàu nhỏ lên tàu lớn. "Điều này chắc chắn sẽ giúp kích thích xuất khẩu vì đã giảm các bước trung gian trong chuỗi vận chuyển".

Cảng Constanta, Romania. (Nguồn: DW)

Cảng Constanta, Romania. (Nguồn: DW)

Ông Gennadiy Ivanov cho biết, các nhà chức trách tại cảng đang lên kế hoạch bố trí các tàu dự trữ trên đường, tránh tình trạng dừng tàu trong khi chờ đợi các tàu nhỏ. Ông Ivanov chia sẻ: “Việc chất hàng thậm chí có thể được thực hiện từ cả tàu dự trữ và tàu cố định cùng một lúc, và điều này sẽ thúc đẩy đáng kể tốc độ chất hàng”.

Tuy nhiên, các nhà điều hành cảng cho biết, khó có thể duy trì khối lượng hàng hóa nếu không có sự hỗ trợ của EU. Ông Ivanov nhấn mạnh rằng, mục tiêu chính sẽ vẫn như cũ: "Mở khóa các cảng biển của Ukraine".

Trong khi đó, Romania cũng đã mở lại tuyến đường sắt có từ thời Liên Xô nối cảng Danube ở Galati với Ukraine sớm hơn một tháng so với dự kiến. Điều đó có nghĩa là ngũ cốc đến từ Ukraine qua Moldova có thể đến trực tiếp Galati để được chuyển lên sà lan và sau đó có thể đưa đi xa hơn, bao gồm cả đến Constanta.

Thách thức ở tuyến đường qua Ba Lan

Trong nỗ lực bảo vệ ngũ cốc của Ukraine, Mỹ cam kết xây dựng các hầm chứa tạm thời để lưu trữ ngũ cốc gần biên giới Ukraine và Ba Lan.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, hoạt động liên lạc giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liên hợp quốc về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc Ukraine sẽ tiếp tục sau khi thống nhất một số nội dung cấu thành 1 thỏa thuận khả thi trong cuộc đàm phán tại Istanbul ngày 13/7.

Phát biểu với báo giới ngày 14/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nêu rõ: "Thực sự đã có một cuộc thảo luận thực chất về vấn đề này.

Có khả năng thiết lập một số thành tố cấu thành 1 thỏa thuận mà cả Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang thảo luận tại mỗi nước".

Theo hãng thông tấn RIA, hội nghị 4 bên có thể diễn ra vào ngày 20 hoặc 21/7.

Cơ sở hạ tầng hiện tại chỉ cho phép vận chuyển tối đa khoảng 1,5 triệu tấn vào Ba Lan, trong khi nhu cầu từ Ukraine là khoảng 5 triệu tấn mỗi tháng. Warsaw cho biết việc cải thiện cơ sở hạ tầng sẽ mất khoảng ba đến bốn tháng.

Bà Nagurney cho biết: “Với nhiều tuyến đường và các liên kết giao thông khác ở Ukraine bị hư hỏng, cộng với nhiều tuyến đường vận chuyển hẹp và khó khăn trong việc đảm bảo đủ phương tiện và người lái xe, việc xác định vị trí đặt các hầm chứa ở Ba Lan là một vấn đề quan trọng”.

Ngoài ra còn có các vấn đề chính trị cần cân nhắc. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki gần đây cảm thấy cần phải xoa dịu những lo ngại của nông dân Ba Lan rằng ngũ cốc từ Ukraine không được bán ở Ba Lan mà sẽ được chuyển tới châu Phi và Trung Đông.

Đòn bẩy Thổ Nhĩ Kỳ và Nga

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết nước này đang làm việc với Liên hợp quốc, Ukraine và Nga để tìm giải pháp, đưa ra các hành lang an toàn ở Biển Đen cho các chuyến hàng lúa mì.

Điều này sẽ làm cho dịch vụ vận chuyển rẻ hơn nhiều so với các tuyến đường xuất khẩu hiện tại qua biên giới phía Tây với Ba Lan, vốn có giá lên đến gần 40% giá ngũ cốc.

Theo hãng thông tấn Nga TASS, các nhà chức trách ở khu vực Đông Nam Zaporizhzhya của Ukraine do Nga kiểm soát cho biết đã đạt được thỏa thuận bán ngũ cốc ra nước ngoài, chủ yếu là sang Trung Đông.

Kiev đã thể hiện thái độ tức giận khi Nga đã bắt đầu vận chuyển ngũ cốc trên một con tàu trọng tải 7.000 tấn từ cảng Berdyansk bị chiếm đóng của Ukraine. Chính quyền ở Kiev đã triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cho phép con tàu mang cờ Nga rời cảng Karasu của Thổ Nhĩ Kỳ.

(theo DW)

Thu Ngân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xung-dot-nga-ukraine-loay-hoay-tim-duong-xuat-khau-lua-mi-190771.html