Ý kiến cử tri

Cử tri BÙI HÀO, Tạp chí Văn hóa Nghệ An: Cần đặt chủ thể văn hóa vào vai trò quyết định ở toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện chính sách

Tại kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trả lời chất vấn của các đại biểu. Có nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch đã được quan tâm qua các câu hỏi, tranh luận và trả lời của Bộ trưởng, trong đó có vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực tế, ở Nghệ An, các chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện khá đồng bộ. Từ hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở như xây dựng các nhà văn hóa cộng đồng cho thôn bản, hỗ trợ cho các nghệ nhân hay tập huấn về du lịch cộng đồng, tập huấn về bảo tồn dân ca dân vũ, hỗ trợ khung cửi để phát triển nghề dệt may thổ cẩm truyền thống... Những chính sách này đã mang lại những kết quả nhất định, nhất là tạo hạ tầng cơ sở, giúp đồng bào có điều kiện tốt hơn trong việc bảo tồn di sản văn hóa.

Tuy nhiên, các chính sách bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và chưa mang tính bền vững. Khi dự án kết thúc, nguồn tiền hỗ trợ không còn thì các hoạt động cũng bị chững lại, thậm chí dừng hẳn. Có nhiều vấn đề, trong đó có việc xây dựng các dự án, chính sách thiếu cơ sở khoa học, chưa đặt cộng đồng chủ thể vào trọng tâm, thành nhân tố quyết định. Nhiều thiết chế văn hóa cơ sở khi xây dựng cũng có tổ chức họp dân nhưng những ý kiến của người dân lại không được tiếp thu một cách nghiêm túc nên khi xây dựng xong thì người dân lại không cần đến.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Các dự án phát triển du lịch cộng đồng cũng vậy, dù chính quyền đã cố gắng hỗ trợ nhưng vẫn chưa hiệu quả bởi có nhiều yếu tố mà các chính sách chưa quan tâm. Đó là hạ tầng công nghệ thông tin vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là sự vận dụng các mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm du lịch; là sự đa dạng hóa các sản phẩm du lịch...

So với những dự án mà người dân tự thực hiện với nguồn vốn do họ đóng góp rất nhỏ nhưng hiệu quả lớn hơn thì các dự án từ trên xuống với nguồn vốn lớn nhưng hiệu quả lại nhỏ hơn, bởi quan trọng là người dân, vốn là chủ thể văn hóa, vừa là động lực, vừa là mục tiêu của quá trình bảo tồn di sản gắn với phát triển kinh tế-xã hội lại không có quyền quyết định từ khâu xây dựng đến quá trình thực hiện các chính sách. Vậy nên, để nâng cao các chính sách bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế thì cần đặt chủ thể văn hóa vào vai trò quyết định ở toàn bộ quá trình xây dựng và thực hiện chính sách.

LÊ ANH TẦN (ghi)

--------------------------------------------------------------------

Cử tri Nguyễn Thanh, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai: Khắc phục tình trạng “Một tuyến đường, hai hoàn cảnh”

“Một tuyến đường, hai hoàn cảnh” là kiểu nói ẩn dụ của nhiều người, để chỉ thực trạng triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Trong lúc tuyến đường đi qua địa phận tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thành hình thì phần dự án bên phía tỉnh Đồng Nai vẫn “ngổn ngang trăm mối tơ vò”. Nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng quá chậm.

Chuyện này không cá biệt. Lâu nay, khi triển khai các dự án giao thông, một trong những vấn đề nan giải nhất chính là giải phóng mặt bằng. Thế nên mới có có tình trạng, đường nơi này làm xong đã lâu nhưng nơi khác thì vẫn ngổn ngang chắp vá. Nhìn từ trên cao giống như những vệt da báo loang lổ, rất phản cảm. Hệ lụy của nó không chỉ khiến dự án kéo dài, đội vốn, tốn kém mà còn gây ra hàng loạt nỗi khổ cho người dân về khói bụi, ô nhiễm môi trường. Nó cho thấy chúng ta còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu tính đồng bộ trong quá trình triển khai các dự án.

Giải pháp cũng đã được bàn nhiều. Các chế tài xử phạt đối với chủ đầu tư, chủ thầu... cũng đã áp dụng nhiều. Nhưng tình trạng bất cập này vẫn chưa được khắc phục.

Theo dõi phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội của các thành viên Chính phủ về các vấn đề môi trường, xây dựng, giao thông đô thị... chúng tôi thấy rằng, để giải quyết dứt điểm một vấn đề xã hội bức xúc, đòi hỏi phải có một hệ thống giải pháp tổng thể. Một dự án giao thông triển khai, không chỉ có ngành giao thông vận tải mà nó còn liên quan mật thiết đến xây dựng, môi trường, văn hóa..., đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân trong vùng dự án.

Lâu nay, ở không ít dự án, chúng ta vẫn có thói quen triển khai kiểu mạnh ai nấy làm, việc ai nấy lo, cốt cho xong việc của mình. Thói quen này cần phải loại bỏ. Muốn vậy khi lập dự án, triển khai, giám sát, kiểm tra... phải làm đồng bộ chứ đừng làm kiểu “cắt khúc”. Vai trò chỉ đạo của các “tư lệnh ngành” và công tác giám sát của Quốc hội cần cụ thể, sâu sát và quyết liệt hơn. Phải lấy quyền lợi của người dân làm mục tiêu để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng dân phải “kêu trời”, khổ vì dự án...

KIM TÙNG (ghi)

------------------------------------------------------------------------

Cử tri Trương Thị Mỹ Hồng, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội: Quản lý chất lượng hàng hóa kinh doanh trực tuyến

Theo dõi phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về công tác quản lý bán hàng online, livestream, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng, đây thực sự là vấn đề khó khăn, phức tạp.

Tuy nhiên, theo tôi, khó khăn, phức tạp không có nghĩa là chúng ta buông xuôi, bỏ mặc, không quyết tâm thực hiện công tác quản lý nhà nước. Phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá thương mại điện tử, bán hàng online, livestream đang là một xu thế tất yếu phát triển trên toàn cầu. Các hình thức này tạo điều kiện thuận lợi cho người bán hàng và người tiêu dùng xích lại gần nhau, giảm được khâu trung gian phân phối, góp phần giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng.

Thông qua hình thức bán hàng online, livestream, người bán hàng, doanh nghiệp kinh doanh còn có cơ hội nắm bắt thị hiếu, phản hồi từ khách hàng... Bên cạnh những thuận lợi kể trên thì trong thương mại điện tử, người tiêu dùng phải đối mặt với những nguy cơ về mất an toàn dữ liệu cá nhân, mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng...

Vì thế, cử tri chúng tôi đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa qua hình thức bán hàng online, livestream, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính... tăng cường công tác quản lý nhà nước về vấn đề này.

Vì chỉ có quản lý được việc bán hàng online, livestream hay thương mại điện tử nói chung, chúng ta mới tránh được tình trạng thất thu thuế cho Nhà nước, bảo đảm công bằng với các hình thức kinh doanh, bán hàng khác; đồng thời, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng hàng hóa, sản phẩm khi sử dụng hình thức giao dịch qua thương mại điện tử, mua hàng online, livestream.

NGUYỄN KIỂM (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/y-kien-cu-tri-780031