Ý kiến 'người trong cuộc'

Sau một năm thực hiện, cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT ở Tây Ninh nói gì về câu chuyện dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới?

Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên cấp trung học phổ thông (THPT) thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thay sách giáo khoa (SGK) ở lớp 10. Sau một năm thực hiện, cán bộ quản lý, giáo viên cấp THPT ở Tây Ninh nói gì về câu chuyện dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới?

Nụ cười của thí sinh thi tuyển vào lớp 10 tại hội đồng thi Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Ảnh: Đại Dương

Đánh giá về việc triển khai chương trình và SGK ở cấp THPT, hiệu trưởng một trường THPT nhìn nhận, chương trình và SGK mới thiết kế hiện đại, khá hay nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với điều kiện cụ thể của nhiều trường học.

“Đến giờ này tôi thấy một số môn học của chương trình không triển khai được hoặc có triển khai nhưng không thật sự chuyên nghiệp. Ví dụ, môn Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) hoàn toàn không triển khai được, đơn giản vì cấp THPT không có giáo viên dạy môn học này.

Vả lại, ngay cả khi có giáo viên, nhà trường cũng không có phòng để dạy. Ngay cả Chương trình giáo dục địa phương, việc triển khai cũng không trọn vẹn, vì nhiều yếu tố khác nhau”- vị hiệu trưởng mở đầu sự đánh giá về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT.

Theo ý kiến này, do chuẩn bị chưa thật tốt, đặc biệt về đội ngũ và cơ sở vật chất nên các trường phổ thông đành phải xây dựng tổ hợp môn học trong điều kiện cụ thể hiện có. “Cơ bản nhà trường đi theo khuôn mẫu sẵn có, ngoài việc xây dựng tổ hợp gồm các môn học chính, nhà trường cho học sinh chọn thêm một số môn học khác cho đủ, đúng theo quy định chứ không phải một sự “lột xác” hoàn toàn”.

Đánh giá về kiến thức, hàm lượng tri thức trong sách giáo khoa lớp 10, vị hiệu trưởng so sánh, nội dung dạy học không khó so với Chương trình giáo dục phổ thông 2000 (còn gọi bằng cái tên Chương trình 2006). “Cơ bản giáo viên THPT đủ trình độ để dạy học, xét về chuyên môn thuần túy.

Một số giáo viên cho rằng chương trình, sách giáo khoa mới nặng là do họ chưa thật sự đầu tư nghiên cứu chuyên môn. Đến nay, dù đã kết thúc năm học đầu tiên vẫn chưa có thiết bị dạy học. Giáo viên hoàn toàn dạy chay, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, đặc biệt những môn học có nhiều tiết thực hành, thí nghiệm”- vị hiệu trưởng cho biết thêm.

Hiệu trưởng một trường THPT không giấu sự băn khoăn, lo âu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS. “Chúng tôi đón nhận học sinh từ cấp THCS lên không khỏi lo lắng về kiến thức của học sinh, đặc biệt việc dạy và học các môn tích hợp (Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý). Tôi đánh giá, việc gộp năm môn học thành hai môn ở cấp THCS là một thất bại, vì không giáo viên nào có thể dạy được”- người này nói.

Trong khi đó, một vị hiệu trưởng khác đánh giá, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ở lớp 10) thiết kế theo hướng mở, giảm bớt số lượng môn học đối với học sinh. “Việc chương trình thiết kế theo tinh thần phân hóa, định hướng nghề nghiệp là một hướng đi đúng. Các em không phải học quá nhiều môn học như trước đây”- người này bình luận.

Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh khảo sát việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Tuy nhiên, ý kiến này cũng chỉ ra rằng, việc một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa không phải không có những điều bất cập, phiền toái, kể cả việc chọn tổ hợp môn. Không chỉ học sinh trong trường chuyển lớp này qua lớp khác, tức thay đổi tổ hợp môn học, học sinh địa phương khác hoặc trường khác đến, rất khó cho nhà trường. “Về chuyên môn thuần túy, sách giáo khoa viết hay, nội dung đổi mới nhưng khâu chuẩn bị cho việc triển khai chương trình và SGK chưa thật tốt. Một số môn học không triển khai được vì không có giáo viên”- vị cán bộ nêu.

“Đổi mới là quá trình, không thể trong một sớm, một chiều. Quyết tâm triển khai cao nhưng cần hết sức bình tĩnh, tự tin, làm tốt từng việc. Những cái cơ bản, cốt lõi, không thể khác thì cần làm ngay, còn lại hoàn thiện dần và tăng cường kiến nghị”.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn

Tương tự đồng nghiệp của mình (nêu phần trên) ý kiến này cho biết, đến thời điểm này, vẫn chưa có thiết bị dạy học theo chương trình và SGK mới. “Nếu nói rằng đã thật sự hài lòng chưa, bản thân tôi chưa hài lòng lắm, sau một năm triển khai SGK của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10”- người này “kết luận”.

Được hỏi đánh giá thế nào về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sau một năm triển khai ở lớp 10, khác với ý kiến của hai cán bộ quản lý, một giáo viên có thâm niên đưa ra cái nhìn khác. “Tôi thấy nội dung trong SGK lớp 10 nặng chứ không hề nhẹ, nhiều bài học rất dài.

Bộ GD&ĐT đã đúng khi thiết kế chương trình theo hướng phát triển năng lực trên tinh thần “học để làm chứ không chỉ để biết”. Để làm được điều đó, giáo viên phải thật sự đổi mới và ứng dụng phương pháp dạy học tích cực.

Nhưng nếu chỉ chạy theo đổi mới phương pháp, lại ảnh hưởng đến phần cung cấp nội dung, kiến thức cho học sinh”- giáo viên này phân tích. Vẫn theo ý kiến này, quy định về khâu kiểm tra, đánh giá của Bộ GD&ĐT cơ bản vẫn không khác mấy so với trước đây.

“Tôi lấy ví dụ, Bộ GD&ĐT cho phép giáo viên chọn 10% học sinh trong lớp có học lực giỏi, xuất sắc để làm dự án học tập thay cho bài kiểm tra (trắc nghiệm hoặc tự luận) thông thường. Điều này thực ra không hoàn toàn đổi mới, vì một học sinh có học lực giỏi chưa chắc đã làm dự án học tập giỏi.

Một học sinh chỉ học trung bình, khá nhưng vẫn có thể thực hiện tốt dự án được giáo viên giao”. Trước việc một số trường không bố trí giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu dạy lớp 10, vì sợ không đáp ứng được yêu cầu đổi mới, người này không tán thành cách làm đó.

“Tôi nghĩ, vấn đề là ý thức trách nhiệm, trình độ chứ không nằm ở tuổi tác. Có những giáo viên trẻ, sức khỏe tốt nhưng lại thể hiện sự chây ỳ, trì trệ, tinh thần học hỏi, nghiên cứu kém”. Đến nay, chưa có thiết bị dạy học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT, điều này ảnh hưởng đến chất lượng dạy học như thế nào? Trả lời câu hỏi, vị giáo viên này cho biết, nếu giáo viên chịu khó, có thể khắc phục phần nào việc thiếu thiết bị dạy học.

“Chỉ cần lên internet tra cứu, tìm tòi, làm mô hình, giáo viên có thể tự làm đồ dùng dạy học cho môn học của mình. Thực tế, thiết bị dạy học của chương trình cũ còn rất nhiều và ít sử dụng, có nhiều đồ dùng dạy học gần như bỏ không. Giáo viên hoàn toàn có thể tận dụng, khai thác thiết bị dạy học của chương trình cũ để dạy chương trình mới. Tuy nhiên, dẫu sao, có thiết bị dạy học mới vẫn tốt hơn”- người này bày tỏ quan điểm.

Học sinh lớp 10, Trường THPT Lương Thế Vinh trong giờ học.

Một vấn đề nữa, theo ý kiến của vị giáo viên này, môn Lịch sử (từ tự chọn sang bắt buộc) đã và đang gia tăng áp lực học tập lên học sinh, đặc biệt đối với học sinh theo học khối khoa học tự nhiên, vì nội dung sách giáo khoa Lịch sử mới viết theo hướng nâng cao, giống chương trình phân ban trước đây.

“Riêng đối với những học sinh chọn tổ hợp môn khoa học xã hội, ngoài việc học mỗi tuần một tiết rưỡi, các em còn phải học thêm một tiết chuyên đề, kiến thức nặng, độ khó gia tăng. Điều này chỉ có thể giảm phần nào nếu như giáo viên dạy môn Lịch sử có trình độ chuyên môn cao, phương pháp giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh, còn không, rất nặng nề.

Để giảm tải cho học sinh, theo tôi, giáo viên dạy môn học này cần hết sức linh hoạt, tránh máy móc. Cần biết, mục tiêu cần đạt của mỗi bài học trong sách giáo khoa Lịch sử là nâng cao chứ không phải yêu cầu cần đạt dành cho học sinh đại trà”- ý kiến nêu.

Việt Đông

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/y-kien-nguoi-trong-cuoc-a160414.html