Yên Lạc quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Những năm qua, huyện Yên Lạc luôn chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, giúp nhiều người dân lựa chọn nghề phù hợp, mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 2.500 lao động; từ đó tạo thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo hiệu quả.
Yên Lạc là huyện thuần nông, có 17 xã, thị trấn với hơn 15,6 vạn người; trong đó, số lao động trong độ tuổi hơn 93,3 nghìn người, chiếm gần 2/3 dân số; mỗi năm có từ 2.500-3.000 người bước vào độ tuổi lao động.
Nhận thức đúng tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia về giải quyết việc làm, ngay từ đầu năm, UBND huyện Yên Lạc đã kiện toàn BCĐ giải quyết việc làm (BCĐ GQVL) từ huyện đến các xã, thị trấn.
Chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ GQVL phụ trách các xã, thị trấn để điều tra, rà soát đối tượng thanh niên bước vào độ tuổi lao động, từ đó phân loại theo đối tượng ưu tiên học nghề.
Ban hành kế hoạch về giải quyết việc làm, giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn, trên cơ sở rà soát danh sách lao động trong độ tuổi, có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nghề phù hợp với khả năng, giúp họ học xong nghề dễ tìm việc làm, nhất là giải quyết việc làm thông qua xuất khẩu lao động.
Song song với đó, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với các trường đào tạo nghề như Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật nông nghiệp I Trung ương, Trường Cao đẳng Công nghiệp và thương mại Phúc Yên... tổ chức dạy nghề cho thanh niên bước vào độ tuổi lao động như nghề điện công nghiệp, điện dân dụng; kỹ thuật sửa chữa lắp ráp; may mặc; xây dựng; kỹ thuật trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh; chăn nuôi thủy sản; thủ công mĩ nghệ, đan lát...
Trong 5 năm gần đây, toàn huyện đã tuyên truyền, tư vấn về đào tạo nghề cho gần 14.000 lượt người; mở 18 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp cho hơn 750 học viên, 5 lớp nghề nông nghiệp dưới 3 tháng cho hơn 200 thanh niên với tổng kinh phí hỗ trợ học nghề gần 1,4 tỷ đồng.
Tổ chức hội nghị tại các xã, thị trấn để triển khai công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, thu hút hơn 1.500 người tham gia.
Phối hợp với các trường dạy nghề tổ chức được hơn 50 lớp dạy nghề cho hơn 2.500 thanh niên bước vào độ tuổi lao động các nghề điện công nghiệp, điện dân dụng, kỹ thuật sửa chữa lắp ráp, kỹ thuật máy lạnh điều hòa và không khí; may mặc, xây dựng, kỹ thuật trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, chăn nuôi thủy sản, thủ công mĩ nghệ, đan lát...
Trong 2 năm 2020- 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều địa phương trên địa bàn huyện phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghề gặp nhiều khó khăn, thậm chí phải ngừng các hoạt động.
Tuy nhiên, năm 2020, huyện đã tổ chức 2 hội nghị tập huấn cho 385 cán bộ là thành viên BCĐ giải quyết việc làm huyện, lãnh đạo các xã, thị trấn, cán bộ LĐ-TB&XH, nhân viên thống kê, các điều tra viên ở các thôn xóm, tổ dân phố về công tác điều tra lao động, đào tạo nghề và giải quyết việc làm.
Bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghề cho 1.300 lượt người, trong đó có 79 bộ đội xuất ngũ nâng tỷ lệ đào tạo nghề toàn huyện đạt 76%, tăng 2% so với năm 2019, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động.
Năm 2021, mở 1 hội nghị tập huấn về công tác dạy nghề, giải quyết việc làm thu hút 180 người tham gia; giải quyết việc làm mới được 2.500 lao động, trong đó có 35 người đi xuất khẩu lao động.
Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân cho vay vốn GQVL tại chỗ cho 1.956 lượt với tổng số tiền hơn 80,8 tỷ đồng; cho vay xuất khẩu lao động 48 trường hợp với tổng số tiền hơn 3,43 tỷ đồng...
Đồng chí Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ GQVL huyện Yên Lạc cho biết: Hiện nay, số lao động trên địa bàn huyện bước vào độ tuổi cần có việc làm mới hàng năm khoảng gần 3000 người, do vậy áp lực GQVL mới là rất lớn.
Trong thời gian tới, Phòng LĐ-TB&XH huyện tiếp tục tham mưu với UBND huyện chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc học nghề, giải quyết việc làm cũng như XKLĐ.
Tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; rà soát lại lao động đến độ tuổi và lao động trong độ tuổi; tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, học nghề phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho lao động trẻ, lao động nông thôn tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có hơn 90% lao động có việc làm thường xuyên; mỗi năm có hơn 2.500 lao động có việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 82%; trong đó, trên 80% lao động qua đào tạo có việc làm.