Yên Minh, Hà Giang: Tích cực thực hiện bảo tồn văn hóa dân tộc

Những năm qua, huyện Yên Minh (Hà Giang) đã tích cực thực hiện các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả và bền vững.

 Truyền dạy múa khèn cho thế hệ trẻ người Mông ở Yên Minh, Hà Giang

Truyền dạy múa khèn cho thế hệ trẻ người Mông ở Yên Minh, Hà Giang

Huyện Yên Minh có 16 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, dân tộc Mông chiếm 58,34%, Dao 13,90%, Tày 11,87%, Giáy 6,02%, Nùng 4,51%... Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Với trên 96,35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại có những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, tạo ra sự đa dạng về sắc màu văn hóa.

Tận dụng những lợi thế này, lãnh đạo huyện Yên Minh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân tích cực tham gia gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia được coi là "đòn bẩy" để bảo tồn, gìn giữ văn hóa các dân tộc, tạo đà cho du lịch phát triển bền vững.

Bạch Đích là xã vùng cao biên giới của huyện Yên Minh, với 16 dân tộc cùng sinh sống, trong đó người Nùng, Dao là dân tộc chiếm đa số. Đồng bào Dao nơi đây vốn có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, đa dạng và đặc sắc. Điều đó thể hiện qua hệ thống lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán lâu đời, ngôn ngữ, chữ viết, các làn điệu dân ca, dân vũ; nhiều lễ tục diễn xướng dân gian của người Dao được lưu truyền qua nhiều thế hệ, trong đó tiêu biểu là các nghi lễ cúng Bàn vương, lễ cấp sắc, lễ hội nhảy lửa…

Các thế hệ người dân tộc thiểu số ở Yên Minh, Hà Giang, tích cực thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Các thế hệ người dân tộc thiểu số ở Yên Minh, Hà Giang, tích cực thực hiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình

Ông Phàn Tờ Mìn, nghệ nhân dân gian ở xã Bạch Đích, chia sẻ: "Bây giờ chủ yếu là truyền dạy cho các thế hệ trẻ, những người biết đọc, biết viết; thế hệ trẻ nắm được nguồn gốc văn hóa dân tộc mình thì sẽ tránh được văn hóa ngoại lai".

Là một trong các huyện vùng cao, núi đá sở hữu công viên địa chất toàn cầu UNESCO, huyện Yên Minh chú trọng bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, dựa vào nguồn lực từ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng số nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024 bao gồm cả nguồn vốn năm 2022, 2023 chuyển sang năm 2024 huyện Yên Minh được giao hơn 514 tỷ đồng. Công tác giải ngân, đưa các chương trình, dự án hỗ trợ các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực biên giới đến nay đã đạt hơn 44%.

Theo ông Nguyễn Đình Duẩn, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Minh, huyện chú trọng, phát huy vai trò của những già làng, trưởng bản, dòng tộc, dòng họ, các nghệ nhân dân gian để giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh các nguồn lực khác, huyện cũng chú trọng triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để làm sao phát huy được những giá trị văn hóa truyền thống.

Từ những chủ trương đó, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Yên Minh đã chú trọng tổ chức các chương trình đưa văn hóa truyền thống vào trường học, trực tiếp truyền dạy cho thế hệ trẻ là học sinh cũng đang là giải pháp trọng tâm trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống hiện nay trên các xã biên giới của huyện Yên Minh. Theo cách "mưa dầm thấm lâu", đa dạng các hình thức tiếp cận, thực hành văn hóa truyền thống, niềm yêu thích, sự tự hào, ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống đã dần hình thành trong thế hệ trẻ.

Huyện Yên Minh cùng với các địa phương vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, vừa gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" đã mở ra các giải pháp thu hút nguồn lực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội. Địa phương đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn gìn giữ, phát huy làng nghề truyền thống, truyền dạy những làn điệu dân ca, dân vũ, khôi phục các lễ hội truyền thống, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang dấu ấn đặc trưng của từng vùng, miền…

Lan Phương

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/yen-minh-ha-giang-tich-cuc-thuc-hien-bao-ton-van-hoa-dan-toc-20241127090704292.htm